Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Thượng viện Mỹ ngày 28/3 đã phê chuẩn biên bản về việc gia nhập NATO của Montenegro khi có 95 phiếu ủng hộ và chỉ có 2 phiếu chống.
Montenegro gia nhập NATO, Nga đã thua ván cờ này?
Sau khi được thông qua tại Thượng viện Mỹ, văn kiện này sẽ được gửi cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để phê chuẩn.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức vào tháng 12/2009, Montenegro đã nhận được Kế hoạch hành động để trở thành thành viên của NATO. Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã bắt đầu được thực hiện từ năm 2010 và hoàn tất vào tháng 5/2016 bằng việc ký kết biên bản về việc đưa Montenegro gia nhập NATO.
Sau đó, Montenegro đã nhận được quy chế là nước quan sát viên của NATO. Sau khi văn kiện đưa Montenegro gia nhập NATO chính thức được phê chuẩn, nước này sẽ trở thành thành viên thứ 29 của NATO và quá trình này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017.
Hiện đã có 24/28 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn văn kiện trên. Thượng viện Mỹ đã không xem xét văn kiện này trong thời gian khá dài, cho đến khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson ngày 22/3 ra lời kêu gọi Thượng viện Mỹ thực hiện động thái này.
Mặc dù đa phần các thành viên Thượng viện Mỹ ủng hộ văn kiện này nhưng vẫn có 2 thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa ra sức phản đối và chính họ ngày 28/3 đã bỏ phiếu chống. Hai thượng nghị sỹ này là Rand Paul và Michael Lee. Ông Paul thậm chí còn phong tỏa việc đơn giản hóa thủ tục bỏ phiếu do Chủ tịch Ủy ban quân sự thuộc Thượng viện Mỹ John McCain đề xuất.
“Nếu như trước đây Ukraine và Gruzia trở thành thành viên NATO thì hiện chúng ta đã bị lôi vào cuộc chiến tranh thế giới với Nga. Một điều rõ ràng là Nga luôn luôn quan ngại về các khu vực này nhiều hơn chúng ta. Liệu giả thiết về sự xâm lược của Nga có hợp lý không? Tất nhiên là không nhưng quyết định của chúng ta cho thấy chúng ta đã sẵn sàng cử thế hệ con cháu mình tham gia vào các cuộc xung đột ở biên giới Montenegro – một nước mà phần lớn người Mỹ không thể tìm thấy trên bản đồ” – ông Paul nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nga tiếp tục kiên quyết trong việc chống lại quá trình mở rộng sang phía Đông của NATO. Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh được tổ chức tại Munich/Đức ngày 18/2 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tiếp tục khẳng định rằng việc mở rộng của NATO “đã dẫn đến những căng thẳng ở mức độ chưa từng có trong 30 năm qua ở châu Âu”.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO Jeans Stoltenberg mới đây đã tuyên bố rằng cuộc đảo chính năm 2016 ở Montenegro cho thấy tầm quan trọng của việc đưa quốc gia này trở thành thành viên NATO.