Khi làm xong hầm chui sông Hàn, hệ thống trục giao thông Đông-Tây thành phố sẽ được hoàn thiện, kinh doanh bất động sản sẽ tăng.
Xây dựng nhanh 40 biệt thự trên bán đảo Sơn Trà
Cách làm bạo lực với môi trường
Liên quan đến câu chuyện làm biệt thự trên bán đảo Sơn Trà, trao đổi với chúng tôi, ngày 28/3, KTS Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết:
“Với các dự án xây biệt thự trên bán đảo Sơn Trà gây xôn xao dư luận thời gian qua, theo tôi là do cách triển khai thực hiện của họ chưa đúng quy trình.
Một dự án nhạy cảm với môi trường mà lại chưa hoàn thiện thủ tục đã tiến hành, chưa có đánh giá tác động môi trường mà đã xây dựng là không chấp nhận được.
Ai cũng biết dự án trên đã được thành phố đồng ý chủ trương cho xây dựng theo quy hoạch, nhưng thành phố phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện dự án như thế nào, có đúng quy trình, đúng như giấy phép hay không, ở đây không có việc này”.
Theo thông tin được ông Hải chia sẻ thì dự án trên được phê duyệt chủ trương xây dựng cách đây hơn 10 năm, cũng đã từng tiến hành thi công, nhưng một thời gian sau thì phải dừng lại một phần vì chất lượng dự án, một phần do nhà đầu tư chưa đủ nguồn lực. Giờ sau khi Đà Nẵng phát triển, có nguồn lực triển khai lại, nhưng phía thành phố lại không theo dõi sát sao nên xảy ra nhiều chuyện như vậy.
Riêng đối với dự án xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, theo ông Hải, kiến trúc phải định hướng kiến trúc xanh, đã lấy của thiên nhiên một phần thì phải trả lại tương đương như vậy, thậm chí nhiều hơn, nếu không tác động môi trường sẽ rất lớn. Với cách xây dựng nếu có ý thức môi trường thì làm kiểu cuốn chiếu sẽ ít ảnh hưởng hơn, làm tới đâu trồng lại cây xanh tới đó.
Nhưng chủ đầu tư dự án Sơn Trà đã xử lý quá vội vã, cách làm hiện nay là minh chứng sự tác động bạo lực vào môi trường.
Trong khi, chúng ta đáng lẽ phải vừa xây dựng, vừa bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đặc biệt rừng vàng Sơn Trà, được coi là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Những giá trị này sẽ không bao giờ lấy lại được nếu đã mất đi.
Bây giờ còn có một số dự án quy hoạch 100% đất rừng, được yêu cầu giữ lại 60% cây xanh, nhưng thực chất, họ xây dựng xong nhưng không trả lại, phần lớn là mất đi. Do vậy, thực chất giữa vấn đề giấy tờ và giám sát xây dựng thực tế hoàn bồi cây xanh là khoảng trống không ai định lượng được. Nên việc phát triển càng nhiều dự án thì mất càng nhiều cây xanh, tác động đến môi trường đất đai, cảnh quan.
Với Sơn Trà, ông Hải cho biết: “Chủ trương của thành phố là làm cho bán đảo Sơn Trà thành điểm sáng, bằng cách quy định từ bình độ 200m trở xuống, tùy theo vị trí quy hoạch, cho phép có khu vực phát triển dịch vụ dân sinh, làm các tuyến giao thông, bao quanh bán đảo.
Tất nhiên khi có chủ trương đó, thì một số vị trí sẽ được đầu tư, nhưng nhất định không phải khu vực rừng nguyên sinh. Khu vực nào có cây xanh, kiến trúc, nhà đầu tư phải chú ý cố gắng bảo tồn được thảm thực vật một cách tốt nhất.
Còn hiện nay chúng ta trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng rất yếu, lấy đi nhưng không trả lại, khi đó, diện tích cây xanh trên bề mặt sẽ mất dần. Do đó, nếu cách quản lý điều hành không tốt, thì các nhà đầu tư sẽ bê tông hóa, lúc đó sẽ không còn cây xanh, mất rừng vĩnh viễn”.
Tuy nhiên, thực tế, cách đây 10 năm, Đà Nẵng cũng không quá mạnh bạo đầu tư vào bán đảo Sơn Trà, ngoài các khu vực vẫn phát triển lâu nay.
Bán đất để phát triển?
Còn về câu chuyện Đà Nẵng phát triển phụ thuộc vào nguồn thu bán đất, ông Hải cho rằng, thực ra cách đây 10 năm đúng là thành phố dựa vào nguồn thu từ việc bán quỹ đất, phát triển hạ tầng, ngân sách khi đó cũng tới 50% là từ bán đất.
Tới giai đoạn này nguồn thu đã phong phú hơn nào là từ dịch vụ, du lịch…nhưng nguồn thu từ quá trình bất động sản vẫn là nguồn thu chính của sự phát triển Đà Nẵng, vì nó là nguồn thu quan trọng.
Nguồn thu bất động sản không phải chỉ từ đất, mà tạo ra động lực phát triển kinh tế của vùng đô thị qua du lịch, kinh tế, mua bán trao đổi, đó là xu thế tất yếu.
Nhắc đến dự án làm hầm chui sông Hàn, theo ông Hải, dự án này nếu được xây dựng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế hai bên bờ sông, khu vực bán đảo Sơn Trà, các vùng ven biển về phía Tây thành phố, thậm chí đi ra ngoài khu vực Hải Vân chứ không riêng dự án biệt thự trên bán đảo Sơn Trà.
Nhưng trước mắt đúng là giá cả của đất đai bên bán đảo Sơn Trà tăng lên đáng kể sau khi có dự án làm hầm chui sông Hàn.
“Tôi ví dụ cụ thể, tuyến đường ven biển từ bán đảo Sơn Trà về Quảng Nam, có trục giữa là đường Phạm Văn Đồng, nhưng phía Nam Phạm Văn Đồng phát triển rất mạnh, nhất là bất động sản vì giao thông đi lại thuận tiện, còn phía Bắc phát triển rất chậm, cũng tăng nhưng không mạnh bạo.
Tiếp tục trục Đông – Tây của thành phố, đó là giữa bán đảo Sơn Trà và phía Tây thành phố, trước đây thành phố đã xây dựng cầu Thiên Sơn nhưng tải trọng thấp, mà lại cao nên ít người đi lại. Do vậy, thành phố lâu nay quyết tâm làm hầm chui sông Hàn là vì như vậy, sẽ là trục nối Đông – Tây.
Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản đối, nhưng vừa rồi thành phố vẫn muốn điều chỉnh quy hoạch để làm hầm chui, nghĩa là quyết tâm làm để có một vệt giao thông tuyệt đối ở khu vực bán đảo Sơn Trà. Khi đã có tuyến giao thông xuyên suốt như vậy, thì bất động sản khu vực bên bán đảo Sơn Trà sẽ phát triển mạnh lên”, ông Hải phân tích.
Theo ông Hải, xây dựng hầm chui sông Hàn mà là phục vụ cho dân thì không phải cho hiện tại, mà là định hướng phát triển tương lai. Động lực việc xây dựng chỉ là kéo theo sự phát triển, tăng nhu cầu đi lại, phương tiện, thì lúc đó các công trình đang được xây dựng sẽ thỏa mãn.
“Tôi vẫn giữ nhận định làm hầm chui qua sông Hàn chỉ nên là dự định trong tương lai, vì hiện nay thành phố còn cần tiền để đầu tư và làm nhiều việc khác cần thiết hơn”, ông Hải nói thêm.
Phải rà soát lại tất cả các dự án
Qua những phân tích của mình, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng thẳng thắn: “Chúng ta nên xem xét, rà soát lại các dự án một cách kỹ lưỡng, có quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch, thiết kế, giám sát kỹ lưỡng.
Nhà đầu tư khi xây dựng trong khu vực nào thì cũng phải có ý thức bảo vệ tự nhiên, hoàn lại môi trường xanh. Với dự án biệt thự Sơn Trà, trong quá trinh thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án tôi có hỏi 1 câu: “Người ta hay thường nói tới hệ số khác, hệ số nước, nhưng tôi quan tâm hệ số bức xạ nhiệt, cây xanh thì mát, nhưng bê tông hóa trên đó bằng đường xá, công trình, thì ai khẳng định bức xạ nhiệt khu vực đó sau khi dự án hoàn thành tăng lên bao nhiêu?.
Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này, vì nếu có hệ số bức xạ nhiệt thì sẽ có biện pháp giảm bằng cách nào, phải nghĩ tới kiến trúc xanh.
Hiện nay trên bán đảo Sơn Trà có những khu được đầu tư rất tốt, như Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort 5 sao, tạo ra điểm nhấn, công trình nổi tiếng của Đà Nẵng với thế giới, họ biết cách làm, cải thiện được thiên nhiên kết hợp với phát triển, trở thành điểm hấp dẫn, đó là do cách làm của nhà đầu tư”.
Qua câu chuyện cảng Tiên Sa, theo ông Hải, nên đánh giá lại và đưa ra các quy chế, quản lý kiến trúc một cách chặt chẽ, chi tiết hơn với các dự án được phê duyệt, có biện pháp về hạn chế xử lý môi trường, cảnh quan tự nhiên trong khu vực rừng đặc dụng.
Đối với thế giới, một khu du lịch nổi tiếng là phải có nhiều yếu tố không đụng chạm đến môi trường, còn làm môi trường xấu đi chắc chắn không ai đồng ý.
Đà Nẵng muốn hướng tới phát triển du lịch bền vững thì phải chú ý môi trường, cái gì phát triển không gắn liền môi trường sẽ không bền vững. Chủ đầu tư làm phải dưới sự giám sát của người dân, tổ chức xã hội.