“Bá Vương biệt Cơ” là tích chuyện cổ ở Trung Quốc xảy ra vào năm 202 trước Công nguyên về bi kịch của tình yêu giữa Hạng Vũ và nàng Ngu Cơ.
Ảnh minh họa.
Hạng Vũ và Ngu Cơ
Sở Bá Vương Hạng Vũ do độc đoán chuyên quyền, ngạo mạn không chịu lắng nghe lời khuyên chân thành của các mưu sĩ hàng đầu như Phạm Tăng và nàng ái phi Ngu Cơ, nên cơ đồ sự nghiệp của mình hoàn toàn bị sụp đổ.
Hạng Vũ (232-202 TCN) người Giang Tô. Năm 22 tuổi, Vũ cùng người chú là Hạng Lương dấy binh khởi nghĩa. Năm 25 tuổi với hơn 10 vạn quân đã đánh bại hơn 40 vạn quân nhà Tần trong trận chiến quyết định Cự Lộc, tiêu diệt Nhà Tần, lập Hoài Vương làm vua, tự xưng Tây Sở Bá Vương lúc mới 26 tuổi.
Nhưng do độc đoán chuyên quyền, nên chỉ sau 5 năm các chư hầu nổi lên chống lại Hạng Vũ. Cuối cùng Hạng Vũ đã bị Lưu Bang đánh bại và phải tự sát bên bờ sông Ô Giang, lúc 30 tuổi.
Nguyên nhân chủ yếu đưa tới thất bại nhanh chóng của Hạng Vũ là không biết lắng nghe lời khuyên chân thành, xa rời quần chúng, chuyên quyền độc đoán, nên dù trước đây sự nghiệp có hiển hách, vinh quang, lẫy lừng và oanh liệt tới mấy thì kết cục cũng bị thất bại, cơ đồ sự nghiệp lớn hoàn toàn bị suy sụp, chôn vùi đáy biển sâu.
Ngu Cơ (224-202 TCN), quê ở Giang Tô. Theo sử sách, bà là người xinh đẹp và được mệnh danh là “Ngu mỹ nhân”, đồng thời là người rất thông minh, luôn đi cùng và trợ giúp Hạng Vũ.
Khi cuộc chiến với Lưu Bang bùng nổ, Ngu Cơ luôn khuyên Hạng Vũ xử lý hài hòa mối quan hệ với Lưu Bang, nhưng Hạng Vũ không bao giờ nghe theo.
Trong trận chiến cuối cùng, Hạng Vũ từ biệt Ngu Cơ ra trận quyết sống mái với Lưu Bang, tình tiết này gọi là “Bá Vương biệt Cơ”.
Kết cuộc, Hạng Vũ bị quân của Lưu Bang đánh đại bại và phải tự sát. Tại quân doanh, Ngu Cơ đã tự vẫn theo sau khi biết tin Tây Sở Bá Vương tự sát. Ngu Cơ chết lúc 22 tuổi, thi hài được mai táng tại Bành Thành.
Tình tiết lịch sử “Bá Vương biệt Cơ” chứa đựng ý nghĩa kết thúc tình yêu và cũng kết thúc luôn cả cơ đồ sự nghiệp. Tình tiết này được các nhà sử học trước đây của Trung Quốc ghi chép và mô tả rất lâm li bi thảm, toát lên một ý nghĩa, một bài học lịch sử sâu sắc về cả việc nước cũng như việc nhà.
Về ý nghĩa chính trị, đây là một bài học lịch sử sâu sắc đối với người lãnh đạo đất nước. Một khi họ độc đoán, chuyên quyền, ngạo mạn, không biết lắng nghe những lời lẽ chân thành, xa rời quần chúng thì sẽ đưa tới kết cục thảm bại, nhấn chìm cơ đồ và sự nghiệp đất nước cho dù trước đó có lừng lẫy và vinh quang tới mấy.
Bài học trong Trung Nam Hải
Tới nay, tích truyện “Bá Vương biệt Cơ” vẫn luôn được các nhà chính trị, các nhà nghệ thuật ở Trung Quốc khai thác về khía cạnh cuộc tình bi thảm, chia ly và cả về ý nghĩa chính trị của nó.
Giới nghệ thuật điện ảnh Trung Quốc từng chạy đua khai thác đề tài tình cảm giữa Sở Bá Vương và nàng Ngu Cơ với tất cả hình thức phong phú như kinh kịch, điện ảnh, kịch nói… trong đó tác phẩm điện ảnh “Bá Vương biệt Cơ” (Farewell My Concubine) của đạo diễn Trần Khải Ca đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1993 và nhận đề cử giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất. Năm 2005 bộ phim được tạp chí TIME của Mỹ bìnhchọn đưa vào “Danh sách 100 phim lớn bất hủ”.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lấy tích truyện này để nói về tình trạng các quan chức độc đoán, xa rời quần chúng, không biết lắng nghe đóng góp chân thành, tình trạng tham ô, hối lộ, tiêu cực, nạn tham nhũng hoành hành trong bộ máy của đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đó dẫn tới nguy cơ làm “vong đảng vong quốc” (mất đảng mất nước).
Phát biểu trong Hội nghị công tác trung ương mở rộng ngày 30/1/1962, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông nói:
“Hiện nay một số đồng chí Bí thư thứ nhất của đảng ở địa phương không bằng Lưu Bang thời phong kiến cách đây hàng nghìn năm, giống như Hạng Vũ không biết lắng nghe ý kiến quần chúng, độc đoán, chuyên quyền thì tới ngày nào đó chúng ta sẽ rơi vào bi kịch Bá Vương biệt Cơ”.
Tháng 7/2013, phát biểu trong Hội nghị công tác vận động quần chúng ở tỉnh Hà Bắc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói:
“Đảng ta được sự ủng hộ to lớn, rộng rãi nhất của đông đảo quần chúng nhân dân Trung Quốc. Hiện không có một lực lượng chính trị nào ở Trung Quốc có thể thay thế được ĐCSTQ, nhưng nếu không giải quyết tốt vấn đề tác phong của đảng thì thời khắc thảm kịch Bá Vương biệt Cơ sẽ đến với chúng ta!”
Tiếp đó, phát biểu trong Hội nghị toàn thể trung ương 6 khóa XVIII của ĐCSTQ ngày 27/10/2016, ông Tập tuyên bố:
“Nếu như niềm tin vào đảng bị tê liệt, tổ chức bị tê liệt, kỉ luật bị tê liệt, tác phong bị tê liệt thì rốt cuộc chẳng những không thể thực hiện được mục tiêu phấn đấu mà sẽ thoát ly quần chúng một cách nghiêm trọng và chúng ta sẽ tái diễn lại thảm kịch Bá Vương biệt Cơ”.
Trên tờ Thời báo Học tập số đầu năm 2014, Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, ông Triệu Hồng Chúc viết:
“Nếu 4 tác phong xấu trong đảng (Hình thức, Quan liêu, Hưởng lạc, Xa xỉ) cứ tiếp tục lan tràn thì hậu quả sẽ không lường hết được và sẽ tái diễn lại thảm kịch Bá Vương biệt Cơ”.
Trước đó, nhân kỉ niệm 95 năm ngày thành lập ĐCSTQ (1/7/1921-1/7/2016), tờ Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng này – đã viết về nguy cơ xa rời quần chúng:
“Bài học về 74 năm xây dựng của ĐCS Liên Xô vẫn còn đó. Khi chỉ có 200.000 đảng viên, đảng đã giành được chính quyền, khi có 2 triệu đảng viên, đảng đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng phát xít Đức, nhưng khi có 20 triệu đảng viên thì đảng để mất chính quyền.
Bài học lớn nhất mà ĐCS Liên Xô bị sụp đổ là đảng đã xa rời quần chúng. Đối với một đảng chấp chính hiện nay dù chỉ mấy chục người hay 88 triệu người như đảng ta đều bắt nguồn từ quần chúng nhân dân, mất đi nguồn này thì mất đảng, mất nước.”
Tích truyện “Bá Vương biệt Cơ” ở Trung Quốc cách đây hơn 2200 năm hiện vẫn được các học giả, giới nghệ thuật cũng như các nhà lãnh đạo thường xuyên trích dẫn nhằm khuyến cáo giới lãnh đạo nước này dù trong quá khứ có giành được những thành tích vẻ vang tới mấy, nhưng nếu độc đoán, ngạo mạn, xa rời quần chúng, không lắng nghe ý kiến chân thành, không biết sử dụng người hiền tài thì sẽ mất hết tất cả, đưa cơ đồ sự nghiệp đất nước cũng như tình yêu chìm đắm dưới biển sâu.