Hôm 22/3, tàu sân bay trực thăng thứ hai của Nhật Bản, chiếc Kaga đã chính thức phục vụ trong Lực lượng phòng vệ biển (JMSDF) của nước này.
JMSDF tổ chức lễ biên chế tàu sân bay trực thăng JDS Kaga
(DDH-184) hôm 22/3 tại cảng Yokohama, gần Tokyo (Ảnh: Sina)
Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) bình luận, sự xuất hiện của chiến hạm Kaga là tín hiệu đáng kể nhất về kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản, bên cạnh việc Thượng viện nước này phê chuẩn ngân sách quốc phòng 2017 đạt kỷ lục 45.61 tỉ USD vào ngày 27/3, duy trì đà tăng quân phí 5 năm liên tiếp.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nhật, ông Takayuki Kobayashi tuyên bố Tokyo hết sức lo ngại trước các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự và đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh tiến hành trên biển Đông.
Trước khi tàu Kaga được biên chế vào JMSDF, truyền thông Nhật hé lộ Tokyo có kế hoạch đưa tàu sân bay trực thăng Izumo tới tuần tra ở biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng nước quốc tế.
Đài CNN (Mỹ) hôm 31/3 nhận xét “Nhật Bản đang cân nhắc tiến hành các động thái quân sự mang tính chất ‘tấn công’ rõ nét hơn”. CNN cho rằng đây là hành động mang tính bước ngoặt, cho thấy Nội các Thủ tướng Shinzo Abe đã tính đến việc dần thoát khỏi ràng buộc của lập trường hòa bình mà Nhật đã tuân thủ kể từ sau Thế chiến II.
Vào cuối tháng 3, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật tổ chức hội nghị điều tra về bảo đảm an ninh, trong đó đề xuất Nhật Bản từ bỏ nguyên tắc “chỉ phòng thủ”, đồng thời cần tăng cường khả năng tấn công nhằm vào các căn cứ và tên lửa của “đối thủ”.
Đây là lần đầu tiên đề nghị dạng này được đưa ra ở Nhật sau Thế chiến II.
Kyodo News ngày 39/3 đưa tin, đảng của Thủ tướng Abe đã quyết định chính thức đề xuất chính sách mới nhằm đảm bảo khả năng quân sự để tấn công căn cứ của đối phương. Đề xuất sẽ được trình lên Nội các sau khi được xem xét nội bộ.
Ví dụ về các biện pháp ngăn chặn được LDP trích dẫn bao gồm triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và Aegis Ashore, bộ phận trên đất liền trong Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên biển, của Mỹ.
Ông Shinzo Abe cho biết Nội các Nhật đang cân nhắc nghiêm túc về đề xuất này.
“Chúng tôi đánh giá mối đe dọa từ Triều Tiên đã nâng lên một giai đoạn mới. Chúng tôi rất nghiêm túc,” ông nói.
Theo CNN, đây không phải lần đầu chính phủ Nhật nỗ lực thúc đẩy vai trò của Lực lượng phòng vệ (JSDF). Vào năm 2014, Nội các Abe đã thành công trong việc khiến Quốc hội thông qua việc giải thích lại Hiến pháp, để cho phép JSDF đóng vai trò tích cực hơn trong các xung đột ở nước ngoài.
Giám đốc Trung tâm các vấn đề châu Á, thuộc phân viện Nhật Bản của Đại học Temple (Mỹ), ông Jeff Kingston tin rằng nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự của Tokyo sẽ chọc giận các láng giềng như Bắc Kinh hay Bình Nhưỡng.
Để củng cố phòng thủ ở biển Hoa Đông, tờ Nihon Keizai Shimbun cho biết Nhật Bản sẽ chế tạo loại tàu ngầm mới và xúc tiến phát triển tên lửa chống tàu.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cảnh báo chính phủ Trung Quốc rằng Nhật Bản “đang gấp rút mở rộng sức mạnh quân sự ra xa bờ biển của mình”.
“Nhìn vào tình hình hiện nay, [Nhật Bản] có ý định biến biển Đông thành mục tiêu đầu tiên để gia tăng hiện diện quân sự,” ông Tào nói.
Theo Hoàn Cầu, ngoài kế hoạch điều động tàu Izumo đến biển Đông, chính phủ Nhật còn cho Philippines thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 từ năm ngoái, đồng thời có nhiều kế hoạch hợp tác, hỗ trợ các nước ven biển Đông tăng khả năng gìn giữ an ninh trên biển.