Trung Quốc ngang nhiên nói không có cái gọi là đảo nhân tạo nào tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này nói hôm 30.3. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa và cho rằng việc bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Bắc Kinh lặp lại rằng, bất kỳ việc xây dựng nào của Trung Quốc cũng chủ yếu nhằm phục vụ cho các mục đích dân sự.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền một cách phi lý đối với hầu hết diện tích vùng biển có giàu trữ lượng tài nguyên này, đã tiến hành bồi đắp đảo và xây dựng các công trình trên một số đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Các công trình họ xây gồm có các sân bay, cảng biển, cùng một số các cơ sở khác, và trong một số trường hợp có liên quan tới việc đổ ra một lượng cát khổng lồ để bồi đắp các bãi đá hoặc các thực thể tự nhiên vốn chỉ nhìn thấy vào lúc thủy triều xuống thành các đảo.
Reuters dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nói rằng, có lẽ đã có sự hiểu lầm nào đó, tuy nhiên ông này cũng ngang nhiên nói, đã có những công trình xây dựng mà Trung Quốc hoàn toàn có quyền tiến hành bởi Trường Sa là phần lãnh thổ được thừa hưởng từ lâu đời của Trung Quốc.
“Làm gì có cái gọi là đảo nhân tạo,” ông Ngô nói trong cuộc họp báo thường lệ. “Hầu hết các công trình xây dựng là nhằm phục vụ các mục đích dân sự, trong đó có các cơ sở quốc phòng cần thiết”.
Khi bị hỏi dồn về lời bình luận trên, ông Ngô từ chối giải thích và nói Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ thông tin về công tác xây dựng của mình.
Hôm 24.3, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), một tổ chức nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói rằng Trung Quốc có vẻ như đã gần hoàn tất việc xây dựng các cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Biển Đông, và nay có thể triển khai được các phi cơ chiến đấu và các thiết bị khí tài quân sự khác tại đó vào bất kỳ lúc nào.
AMTI cho biết, các hình ảnh thu được hồi tháng này cho thấy có ba căn cứ không quân lớn đã được xây dựng.
Theo AMTI, việc xây dựng được tiến hành trên các bãi đá Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập, dựa vào kết quả phân tích những hình ảnh có độ phân giải cao chụp từ vệ tinh trong thời gian hai năm.
Bắc Kinh liên tục bác bỏ các cáo buộc rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, nơi có tuyến giao thương hàng hải quan trọng trị giá chừng 5 nghìn tỉ đô la qua lại mỗi năm.
Hôm 30.3, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin AMTI đưa ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này.
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm nhằm duy trì hòa bình, ổn định không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông” – ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.