Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc liên tục phản đối triển khai THAAD tại Hàn Quốc là vì nước này không biết THAAD có khả năng theo dõi và ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Kinh hay không.
Hình ảnh được chụp hôm 6-3 cho thấy hệ thống THAAD đã đến
căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Trong khi Mỹ liên tục nhấn mạnh Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai tới Hàn Quốc là để đối phó mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên thì một số chiến lược gia Trung Quốc lại tin rằng hệ thống này là mối đe dọa đối với năng lực ngăn chặn hạt nhân của Trung Quốc, theo Reuters.
“Rõ ràng không ai ở Trung Quốc có thể nắm đầy đủ thông tin về năng lực của THAAD và đó là một phần của vấn đề” – Zhang Baohui, một chuyên gia về năng lực hạt nhân Trung Quốc, nhận định.
Ông Zhang nhấn mạnh năng lực thực sự của THAAD vẫn là một bí mật và đây là lỗ hổng kiến thức mà các chiến lược gia Trung Quốc chưa thể lấp đầy. “Nếu họ vẫn chưa hiểu đầy đủ về hệ thống này thì đúng là họ phải quan ngại về nó, từ đó dẫn tới việc suy nghĩ về một viễn cảnh tồi tệ nhất” – chuyên gia Zhang nói.
Trrong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, nước này nói rằng Bắc Kinh phản đối triển khai THAAD vì hệ thống này sẽ gây bất ổn cho an ninh trong khu vực. Giới chức Trung Quốc bày tỏ quan ngại rằng với tầm hoạt động 2.000 km, hệ thống radar uy lực của THAAD có thể quét vào lãnh thổ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, đây mới thực sự là điều khiến Bắc Kinh lo ngại hơn cả, chứ không chỉ đơn thuần là các tên lửa đánh chặn tầm ngắn mà THAAD phóng đi để tiêu diệt tên lửa Triều Tiên.
Hệ thống THAAD chưa từng được thử nghiệm trong bất kỳ cuộc chiến nào và một số chuyên gia vẫn đang hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống này, theo Reuters. THAAD được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối của quá trình bay, có thể trong hoặc ngoài tầng khí quyển của Trái Đất.
Một số chuyên gia Trung Quốc lo ngại phạm vi hoạt động của các radar có thể giúp hệ thống THAAD này bao quát cả các khu phóng tên lửa nằm sâu trong vùng lãnh thổ phía đông bắc Trung Quốc. Đây là nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành thử nghiệm các vũ khí tầm xa thế hệ mới của nước này.
Một số nhà khoa học Trung Quốc cũng lo ngại rằng hệ thống radar của THAAD đủ tinh vi để cho phép Mỹ có thể theo dõi các vụ thử tên lửa cũng như dấu hiệu triển khai tên lửa của Trung Quốc, từ đó giúp Washington chuẩn bị tốt hơn để đối phó bất kỳ cuộc tấn công nào của Bắc Kinh trong tương lai.
Một số chuyên gia khác cho rằng hệ thống THAAD tại Hàn Quốc có thể sẽ được kết nối với một mạng lưới radar cảnh báo sớm, các thiết bị cảm biến và hệ thống kiểm soát trận địa rộng hơn do Mỹ dẫn đầu trong khu vực, từ đó kết nối các quốc gia lân cận với nhau để tạo thành một liên minh. Yao Yunzhu, một tướng về hưu của PLA, cảnh báo Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành mục tiêu của mạng lưới này.
Trong khi đó, Li Bin, chuyên gia an ninh tại ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), nhấn mạnh hệ thống radar của THAAD sẽ cho phép quân đội Mỹ thu thập các dữ liệu về tên lửa của Trung Quốc, thứ mà Washington không thể có được thông qua các nguồn tin khác. Ông Li cũng nói rằng chính việc thiếu thông tin dẫn tới các chiến lược gia Trung Quốc có quan điểm khác nhau về THAAD.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng có thể đưa ra các biện pháp để đối phó với THAAD chẳng hạn như triển khai vũ khí laser hay thiết bị làm nhiễu sóng.
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã xấu đi trong thời gian qua xoay quanh việc triển khai hệ thống THAAD. Trung Quốc đã đóng cửa hơn 20 cửa hàng thức ăn nhanh của Lotte, tẩy chay các sản phẩm giải trí Hàn Quốc cùng nhiều động thái khác.
Phía Seoul đã kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc “trả đũa”, nói rằng các động thái trên không liên quan tới THAAD.