Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngBán đảo Triều Tiên căng thẳng, TQ tập trận đổ bộ chiếm...

Bán đảo Triều Tiên căng thẳng, TQ tập trận đổ bộ chiếm đảo Biển Đông

Trong khi dư luận đổ dồn chú ý về phía bán đảo Triều Tiên, các bên liên quan ở Biển Đông cũng không thể lơ là mất cảnh giác.

Hình ảnh 2 tàu lưỡng thê đổ bộ Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, nguồn: Thời báo Hoàn Cầu.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/4 đưa tin, hôm qua 12/4 Nhân Dân nhật báo, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đồng loạt đưa tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật với nội dung chính là đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông “diễn ra gần đây”.

2 chiến hạm lưỡng thê đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và Côn Lôn Sơn chở theo nhiều trực thăng và tàu đổ bộ đệm khí ra Biển Đông tập trận bắn đạn thật xuyên ngày đêm liên tục trong vài ngày để kiểm tra khả năng tác chiến thực tế của Hạm đội Nam Hải.

Cuộc tập trận này có nhiều khoa mục, bao gồm công – thủ 3 chiều, đổ bộ chiếm đảo bằng tàu đệm khí, cất hạ cánh đồng loạt trực thăng vũ trang, đổ bộ đường không và tất cả nội dung đều sử dụng đạn thật, tên lửa thật. 

Một đoạn video quay lại cảnh tập trận này được đăng trên mạng Phương Đông, Hồng Kông. 

Trung Quốc vẫn luôn giữ bí mật các thông tin cơ bản về hoạt động quân sự, tập trận của họ như thời gian, địa điểm. Nhưng Bắc Kinh thường chủ động tiết lộ thông tin về quy mô, nội dung, binh hỏa lực tham gia các cuộc tập trận này.

Đáng chú ý, trong lúc dư luận châu Á và thế giới đang đổ dồn về bán đảo Triều Tiên khi căng thẳng leo thang và nguy cơ xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào, Trung Quốc đưa tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật có nội dung đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông, theo cá nhân người viết là một động thái đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ trong những ngày tới.

Quan trọng hơn, diễn biến nhanh chóng của cục diện bán đảo Triều Tiên gắn liền với quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được thiết lập tại Mar-a-Lago, đồng thời với sự im lặng của Washington về Biển Đông sau cuộc gặp này.

Hơn nữa, trước thông tin từ một tờ báo Nga (Pravda Report) hôn nay cho rằng có dấu hiệu Triều Tiên sơ tán khẩn 600 ngàn dân khỏi Bình Nhưỡng, Thời báo Hoàn Cầu và AFP cùng ngày đều đưa tin:

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay đã tới cắt băng khánh thành một cụm tòa nhà chung cư gần 5000 căn hộ ở Bình Nhưỡng với nụ cười rạng rỡ.

Không khí hồ hởi trong buổi lễ khánh thành cụm tòa nhà chung cư mới nhất ở Bình Nhưỡng với hàng chục ngàn người tham dự, bao gồm binh sĩ, quan chức và người dân đứng đợi ông Kim Jong-un từ sáng sớm, dường như không có liên quan gì đến không khí căng thẳng trên bán đảo.

Trong khi theo Reuters, có khoảng 200 nhà báo quốc tế đang có mặt tại Bình Nhưỡng theo lời mời của nước chủ nhà, chuẩn bị cho một sự kiện lớn, nhiều khả năng là lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành 15/4.

Vì vậy người viết cho rằng, trong bối cảnh chưa biết hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ đã thỏa thuận với nhau những gì ở Florida tuần trước, trong khi dư luận đổ dồn chú ý về phía bán đảo Triều Tiên, các bên liên quan ở Biển Đông cũng không thể lơ là mất cảnh giác.

Với thủ đoạn dương Đông kích Tây, hay nói như dân gian là “nhìn rau, gắp thịt” của một vài chính khách hàng đầu hiện nay, không loại trừ khả năng bán đảo Triều Tiên chỉ nóng một thời gian lại “nguội”, nhưng Biển Đông có thể sinh sự.

Trước khi Mỹ bắn 59 quả Tomahawk vào Syria, dư luận phương Đông lẫn phương Tây có lẽ chẳng ai nghĩ đến khả năng này.

Đó là lý do tại sao người viết tin rằng, không phải ngẫu nhiên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ngầm cảnh báo về một thế lực sẵn sàng “vồ lấy” các cấu trúc địa lý không người ở còn lại ngoài Trường Sa và phía Nam Biển Đông.

Một khi đã có sự thỏa thuận, đổi chác chiến lược giữa các siêu cường, chuyện gì cũng có thể. Một kịch bản bất ngờ tương tự như vụ Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria có thể xảy ra. 

Người viết hy vọng rằng, đây chỉ là những lo lắng mang màu sắc cảm xúc cá nhân, nhưng cảnh giác trước mọi sự bất ngờ là cần thiết, nhất là trước các chính khách siêu cường khó đoán như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới