Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnTQ và con bài Triều Tiên

TQ và con bài Triều Tiên

Thế kỷ XX, Thế giới chia làm hai cực: Các nước Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa. Đồng thời có ba nước bị chia làm hai và ngả theo hai phe khác nhau.

Quan hệ Trung-Triều trở nên nguội lạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Ở Châu Âu, Nước Đức chia thành Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức) và Tây Đức (Cộng hòa Liên bang Đức).

Ở Châu Á, Việt Nam chia thành Miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa); Triều Tiên chia thành Bắc Triều Tiên (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) và Nam Triều Tiên (Hàn Quốc).

Nước Đức thống nhất khi các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Châu Âu và Liên bang Xô Viết tan rã. Một cuộc hợp nhất tương đối hòa bình.

Việt Nam thống nhất qua cuộc chiến đấu gian khổ, hi sinh nhiều xương máu và cũng phải kéo dài hai mươi năm. Sự thống nhất của Việt Nam nằm ngoài ý muốn của Trung Quốc. Suốt 20 năm, bề ngoài Trung Quốc viện trợ để Việt Nam chống Mỹ, nhưng bên trong Trung Quốc muốn duy trì sự chia cắt hai miền Nam, Bắc ở Việt Nam. Trung Quốc coi Miền Bắc Việt Nam là con bài để mặc cả trong quan hệ Mỹ – Trung. Nhưng cuối cùng mưu đồ của Trung Quốc đã thất bại trước ý chí thống nhất mãnh liệt của nhân dân Việt Nam. Cũng chính vì lẽ đó, sau ngày Việt Nam thống nhất, Trung Quốc mất con bài mặc cả nên hằn học tìm cách làm Việt Nam suy yếu bằng mọi thủ đoạn kể cả việc sẵn sàng đem quân xâm chiếm toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam.

Đối với Triều Tiên, Trung Quốc cũng đã từng lấy danh nghĩa “Viện Triều kháng Mỹ”, nhưng rồi trước sức mạnh của Mỹ và âm mưu chia cắt lâu dài Triều Tiên, Trung Quốc đã chấp nhận với Mỹ chia Triều Tiên làm hai. Rút kinh nghiệm về Việt Nam, Trung Quốc kiên quyết để Triều Tiên chia cắt lâu dài.

Khác với Việt Nam, Trung Quốc tìm cách bắt Bắc Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, đặc biệt là khi Triều Tiên bị Mỹ cấm vận. Về kinh tế, Trung Quốc không tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển mà phải phụ thuộc vào sự viện trợ của Trung Quốc. Hàng hóa, tài nguyên của Triều Tiên muốn ra Thế giới phải qua Trung Quốc.

Về quân sự, Trung Quốc không cho phép Triều Tiên tiến hành chiến tranh giải phóng mà buộc phải giữ nguyên hiện trạng chia cắt. Trên thực tế Triều Tiên trong nhiều năm như là nước chư hầu của Trung Quốc. Đây là thực tế cay đắng mà các triều đại Trung Quốc đã áp đặt hàng nghìn năm cho Triều Tiên. Tuy nhiên để mượn tay Triều Tiên gây căng thẳng với Hàn Quốc và dọa Mỹ, Trung Quốc lại làm lơ để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này làm cho quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc, Triều Tiên – Mỹ luôn căng thẳng. Mỹ muốn ngăn Triều Tiên lại phải thông qua Trung Quốc để kiềm chế.

Đến khi Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên thì quan hệ Trung – Triều không còn như trước nữa. Tuy vẫn còn phụ thuộc nhưng Kim Jong-un đã bộc lộ tư tưởng và hành động bất tuân lệnh của Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 08/04, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Bắc Kinh hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên. Điều đó thật khó cho ông Tập.

Hiện nay trước nguy cơ Mỹ có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân thì Trung Quốc lại tiếp tục chơi trò hai mặt.

Một mặt Trung Quốc muốn mượn sự răn đe của Mỹ để buộc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc quay lại thần phục, phụ thuộc Trung Quốc.

Mặt khác Trung Quốc lại tỏ ra nâng đỡ Triều Tiên để dọa Mỹ. Sau nhiều năm cấm nhập than của Trung Quốc thì trong lúc Mỹ – Triều căng thẳng, Bắc Kinh lại ra lệnh cho nhập than từ Triều Tiên.

Đồng thời Trung Quốc đưa 25 vạn quân áp sát biên giới Trung – Triều vừa như để sẵn sàng giúp Triều Tiên vừa như để dọa Triều Tiên lấy lòng Mỹ. Thực ra Trung Quốc đề phòng nếu chiến tranh xảy ra thì ngăn chặn làn sóng người Triều Tiên chạy qua Trung Quốc.

Có thể thấy, lúc này đây, khi sinh mạng của hàng triệu người Triều Tiên đang bị uy hiếp thì Trung Quốc vẫn sử dụng con bài Triều Tiên để trục lợi. Thật là bỉ ổi!

RELATED ARTICLES

Tin mới