Một số tên lửa mà Triều Tiên trình diễn hồi cuối tuần có thể là giả mạo, nhưng không thể xem thường mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, các chuyên gia khẳng định.
Chi tiết khoanh tròn khiến hệ thống tên lửa của Bình Nhưỡng bị nghi là giả mạo
Hôm thứ Bảy (15/4), lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức một đại lễ diễu binh nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh ông nội Kim Il-sung với hàng nghìn binh sỹ và nhiều tên lửa lần đầu tiên được công bố trước giới truyền thông nước ngoài.
Một số hãng truyền thông ban đầu đặt ra nghi vấn rằng các tên lửa là ‘hàng giả’ khi một chiếc tên lửa bị ‘vênh mũi’ xuất hiện trong hình ảnh truyền hình trực tiếp từ đài BBC.
Nghi vấn này nhanh chóng bị bác bỏ khi có thông tin cho biết phần ‘mũi vênh’ này là một ống phóng phụ của hệ thống tên lửa đất đối không S-200.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định một số tên lửa trong cuộc diễu hành đúng là giả mạo.
Ông Chad O’Carroll, giám đốc điều hành của News, đã bày tỏ sự nghi ngờ sau khi nhìn thấy phần chóp của một trong các nhóm tên lửa cuối cùng “lắc lư một cách lộ liễu”, tờ The Sun đưa tin.
Ông Lee Il-Woo, một nhà phân tích cấp cao thuộc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng tất cả các tên lửa đều là những mô hình giả nhằm gây ấn tượng với thế giới bên ngoài.”
‘Thật hay giả không quan trọng’
Theo ABC của Úc, chuyên gia về an ninh và ngoại giao quốc tế tại Đại học RMIT, Joseph Siracusa, cho biết dù một số vũ khí được đem ra trưng bày có thể giả mạo hoặc trống không, nhưng điều đó không quan trọng vì các chuyên gia đều có thể xác định được hệ thống nào là thật.
Điều quan trọng là, Bình Nhưỡng đã thể hiện rằng họ có Năng lực đánh trả lần hai (second strike capability), tức năng lực phản ứng sau khi bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy, đồng ý với nhận định này. Ông nói một số tên lửa này có thể giả mạo nhưng điều đó cũng không phải vấn đề lớn.
“Cũng hợp lý thôi khi người Triều Tiên diễu hành với các ống đựng tên lửa trống rỗng [không có tên lửa]. Họ chẳng được gì nếu cho tên lửa vào đó [để đem đi diễu hành], nhất là khi họ đang lo bị không kích – chuyện đó chỉ khiến tình hình phức tạp và rủi ro hơn.”
Nguy cơ thực sự từ Triều Tiên
Hai chuyên gia, Graham và Siracusa, đều cảnh báo không nên xem thường mối đe dọa từ nước này, theo ABC.
Giáo sư Graham cho biết cuộc diễu hành hôm 15/4 đã báo hiệu một sự thay đổi đầy tham vọng trong chương trình vũ khí của Triều Tiên.
“Một điểm lớn mà tôi rút ra được từ [cuộc diễu hành] là sự nhấn mạnh vào các hệ thống vũ khí tầm rất xa, chưa từng được thấy trước đây, đó là một tuyên bố về tham vọng lớn của Kim Jong-un rằng Triều Tiên sẽ không lắng xuống vì một trở ngại nhỏ.” Ông nói.
Giáo sư Siracusa nói rằng nếu vụ thử nghiệm cuối tuần của Bình Nhưỡng là một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành công, thì nhóm tác chiến của Mỹ tại vùng biển trong khu vực sẽ đáp lại bằng vũ lực.