Lúc này, đối thoại, đàm phán là lựa chọn sáng sủa hơn cả, tốt hơn cả và trên hết cũng là mong muốn chung của các bên. Vấn đề còn lại chỉ mang tính kỹ thuật.
Cục diện bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng hơn sau từng giờ khi dư luận quốc tế tin rằng, khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc tên lửa tầm xa rất cao trong ngày hôm nay 15/4, ngày sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu cho thấy, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay do Mỹ – Trung bắt tay tạo áp lực buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải thay đổi.
Trong khi Triều Tiên cũng không có lựa chọn nào sáng sủa hơn đối thoại, và đã, đang chuẩn bị cho đối thoại.
Mỹ không theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Triều Tiên
The Washington Post ngày 14/3 cho biết, bất chấp các phát biểu mang tính hùng biện sôi nổi về khả năng xung đột quân sự tiềm tàng có thể bùng phát bất cứ lúc nào trên bán đảo Triều Tiên, chính sách chính thức của chính quyền Donald Trump với Bắc Triều Tiên không nhằm thay đổi chế độ chính trị tại quốc gia này.
Thay vào đó, Washington đang tăng áp lực tối đa để ngăn Bình Nhưỡng theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo.
Đây là kết quả đánh giá toàn diện chính sách của Nhà Trắng với Triều Tiên trong thời gian này.
Mặc dù đang tập trung khá nhiều vũ khí chiến lược xung quanh bán đảo Triều Tiên, nhưng phía sau hậu trường, chính quyền Trump đã dành 2 tháng qua để xem xét toàn diện chính sách với Bình Nhưỡng.
Kết thúc 2 tháng, tất cả các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia đã chấp thuận chính sách không lật đổ chính quyền Triều Tiên, mà phải ngăn bằng được Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Chính sách này đòi hỏi Mỹ phải thực hiện áp lực tối đa chống lại Bắc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa tầm xa hay hạt nhân lần thứ 6 thông qua các biện pháp trừng phạt và ngoại giao, không thay đổi chế độ mà ngược lại, đòi hỏi cam kết với chế độ tại miền Bắc bán đảo, nếu và khi nào Bình Nhưỡng thay đổi hành vi.
Các quan chức hàng đầu của chính quyền Mỹ đã bắt đầu tóm tắt cho các chuyên gia về chính sách mới trong một bữa ăn tối riêng tại Washington hôm thứ Năm tuần qua.
Chính sách này cũng quy định cụ thể về khả năng áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp lên các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ Bắc Triều Tiên, nhưng chưa thực thi ngay, mà để Trung Quốc tự nguyện tăng áp lực của riêng họ lên Bình Nhưỡng trước đã.
Ông Donald Trump đã viết trên Twitter hôm thứ Ba rằng:
“Tôi có niềm tin tuyệt vời rằng Trung Quốc sẽ đối phó đúng cách với Bắc Triều Tiên.
Nếu họ không thể làm như vậy. Mỹ và các đồng minh của mình sẽ làm! Hoa Kỳ”.
Bắt đầu từ Chủ nhật này, Phó Tổng thống Mỹ Pence sẽ công du Đông Á để thảo luận về chính sách mới của Mỹ với Bắc Triều Tiên cùng các đồng minh và đối tác.
Tuy nhiên mọi phương án đối phó với một vụ thử hạt nhân lần thứ 6 nếu Bình Nhưỡng cố tình thực hiện, đều đã được đặt lên bàn của Donald Trump và Hoa Kỳ sẽ không báo trước nếu tấn công. [1]
Dấu hiệu Triều Tiên sẵn sàng và chuẩn bị cho đối thoại với Mỹ
Đa Chiều ngày 13/4 đưa tin, trong lúc hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tiến về phía bán đảo Triều Tiên, ông Kim Jong-un triệu tập kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 tại Bình Nhưỡng.
Trong 5 công việc Quốc hội Triều Tiên bàn thảo, có việc tái lập Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Ủy ban này do cựu Ngoại trưởng Ri Su Yong làm Chủ nhiệm.
Các thành viên khác của Ủy ban này đều có kinh nghiệm đàm phán với Mỹ hoặc Hàn Quốc và kinh tế đối ngoại.
Đó là cựu Chủ nhiệm Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Lý Thiện Quyền (dịch âm Hán Việt), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Kim Kye-gwan và Trưởng ban Kinh tế đối ngoại Lý Long Nam (dịch âm Hán Việt).
Lăng Thắng Lợi, một nhà nghiên cứu từ Học Viện Ngoại giao Trung Quốc bình luận, đây là một động thái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm đột phá vòng vây của những khó khăn đối ngoại mà quốc gia này phải đối mặt.
Kể từ vụ thử hạt nhân lần thứ 4 năm 2016 đến nay, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Triều Tiên ngày càng thắt chặt, áp lực ngoại giao đè lên Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, Nhà Trắng càng không thỏa hiệp trong vấn đề Triều Tiên.
Hành động thị uy của chính quyền Mỹ sau vụ bắn 59 quả Tomahawk vào Syria càng có khả năng khiến ông Kim Jong-un cảm thấy một cơn bão sắp ập đến.
Do đó quyết định tái lập Ủy ban Đối ngoại Quốc hội được triển khai lúc này là do nhận định lại tình hình sau cảm giác “choáng váng” ban đầu.
Sau khi tái lập Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, hòa hoãn Mỹ – Triều không phải là không có khả năng.
Bình Nhưỡng lâu nay vẫn hy vọng hòa hoãn với Hoa Kỳ, trong khi liên lạc bí mật giữa Washington và Bình Nhưỡng chưa từng gián đoạn.
Đặc biệt Kim Kye-gwan là nhà ngoại giao lão luyện và có rất nhiều kinh nghiệm đàm phán với Mỹ, trong khi Lý Thiện Quyền lâu nay phụ trách công tác nghiên cứu và hợp tác với Hàn Quốc.
Từ phía Mỹ, so với những tuyên bố cứng rắn của ông Donald Trump thì Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như mềm mại hơn khi ngỏ ý sẵn sàng đàm phán, đối thoại với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không tiếp tục thử hạt nhân, tên lửa. [2]
Phar Kim Beng, một cựu học giả của Quỹ Nhật Bản ngày 14/4 bình luận trên South China Morning Post, Hồng Kông rằng:
Những động thái quân sự hay tăng kích thước, quy mô các vụ thử hạt nhân tiềm năng của Bình Nhưỡng chỉ nhằm tạo sự chú ý trực tiếp của Mỹ để đàm phán trực tiếp với Mỹ trong thế thương phong và không phải thông qua bên trung gian thứ ba, Trung Quốc.
Theo ông, điều Bình Nhưỡng mong muốn hiện nay là một hiệp ước không xâm lược từ phía Hoa Kỳ.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, liệu Bắc Kinh, Seoul, Tokyo và Moscow có chấp nhận ngồi bên ngoài phòng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên hay không? [3]
Cá nhân người viết cho rằng, cho dù không loại trừ “rủi ro vì phán đoán sai lầm” có thể dẫn đến xung đột trên bán đảo Triều Tiên, nhưng khả năng mong muốn đối thoại từ hai phía Mỹ – Triều vẫn là xu hướng chủ đạo.
Có điều, do cả hai vừa đang thiếu lòng tin ở nhau, đồng thời lại đều muốn nâng giá trước đàm phán mới tạo ra những căng thẳng thật nhưng nguy cơ “ảo” hiện nay.
Còn riêng vai trò của Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản như lo ngại của học giả Phar Kim Beng, người viết cho rằng có lẽ Bắc Kinh đã chấp nhận phương án đàm phán trực tiếp Mỹ – Triều kể từ sau hội nghị Donald Trump – Tập Cận Bình.
Không những thế, Bắc Kinh còn chủ động phối hợp với Washington ép Bình Nhưỡng vào bàn đàm phán trực tiếp, trong khi phái đặc phái viên Vũ Đại Vĩ đi Hàn Quốc, và hiện tại có thể ông này đang ở Triều Tiên, để thỏa hiệp, thúc đẩy đối thoại.
Thậm chí quan sát phản ứng, hành động của Trung Quốc cũng có thể thấy áp lực Bắc Kinh với Bình Nhưỡng hiện nay là lớn chưa từng có.
Ngay cả phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị hôm qua, khẩu khí cũng hoàn toàn khác trước, không có chút nào bênh vực Bắc Triều Tiên. Ông Nghị chỉ kêu gọi đối thoại, chứ không phản đối “các bên” như cách chỉ trích Mỹ – Hàn trong những lần căng thẳng trước.
Thậm chí một nhà nghiên cứu Trung Quốc còn công khai bàn kế hoạch, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên không thay đổi, Bắc Kinh sẽ có cách “thay người” để giữ lợi ích của họ trên bán đảo Triều Tiên.
Nga thì dường như không có nhiều quan tâm lẫn ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên lúc này khi phải tập trung vào lợi ích của họ ở Trung Đông sau vụ Mỹ bắn tên lửa vào Syria.
Hàn Quốc và Nhật Bản thì khó có khả năng đòi hỏi vai trò lớn hơn ngoài việc chấp nhận, ủng hộ một cuộc đối thoại như vậy giữa Mỹ và Triều Tiên. Bởi dù sao tháo ngòi nổ xung đột là điều 2 nước này mong muốn nhất lúc này.
Trong lúc này, đối thoại, đàm phán là lựa chọn sáng sủa hơn cả, tốt hơn cả và trên hết cũng là mong muốn chung của các bên. Vấn đề còn lại chỉ mang tính kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật “làm giá”, cho dù nó có thể gây ra nhiều quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột.