Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Trump đu dây với TQ ra sao để xử Triều Tiên?

Ông Trump đu dây với TQ ra sao để xử Triều Tiên?

Giới quan sát Mỹ lo ngại vì nóng lòng giải quyết vấn đề Triều Tiên, ông Trump dường như đang thay đổi đối sách của Mỹ với Trung Quốc. 

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) bắt tay quyền tổng thống Hàn Quốc
Hwang Kyo Ahn trong cuộc họp báo tại Seoul ngày 17-4 – Ảnh: Reuters

“Chúng ta bị thâm hụt thương mại với khắp nơi, nhưng lớn nhất là với Trung Quốc… và tôi bảo với họ (Trung Quốc) rằng, ‘Quý vị muốn một thỏa thuận lớn ư? Hãy giải quyết vấn đề ở Triều Tiên’. Việc đó đáng để chấp nhận những thâm hụt thương mại. Và chuyện đó cũng đáng để chấp nhận một thỏa thuận thương mại không ưu việt như tôi vẫn thường đàm phán”.

Đó là phát biểu của ông Trump với báo Wall Street Journal (WSJ) tuần trước.

Ông Trump sẵn sàng ‘đi đêm’

Cuộc phỏng vấn với WSJ chỉ là một trong nhiều phát ngôn khác mà theo đó, ông Trump không ngần ngại nói ra sự “ngã giá” của mình: đề nghị với Trung Quốc những nhượng bộ về thương mại để đổi lại là sự hỗ trợ của họ trong việc kiềm chế Triều Tiên. 

Trên thực tế, những trao đổi ngoại giao thời gian qua giữa ông Trump và ông Tập, đặc biệt là trong lần hai nhà lãnh đạo hội đàm tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago đầu tháng này, đã cho thấy phần nào những tín hiệu tiến bộ trên thực tế.

Người ta đã thấy phía Trung Quốc từ chối các tàu chở than của Triều Tiên. Trung Quốc cũng đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn trong những tuần qua nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Dù vậy, các cựu quan chức Nhà Trắng vẫn còn nhiều lấn cấn trước động thái hành xử của ông Trump. Họ khẳng định, trong đối sách của Mỹ với Trung Quốc được thực thi vài thập niên qua, luôn có một lý do chính đáng khiến các chính quyền tiền nhiệm, dù của Cộng hòa hay Dân chủ, vẫn luôn giữ các vấn đề thương mại và Triều Tiên độc lập với chính sách ngoại giao với Trung Quốc.

Không nhập nhằng kinh tế với ngoại giao

Trong nhiều thập niên, giới quan chức Mỹ luôn tỏ rõ quan điểm với những người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không đổi chác bất cứ vấn đề kinh tế hay chính sách ngoại giao nào lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên.

Với điều này, Mỹ cũng nhằm gửi đi một thông điệp rằng trong vấn đề Triều Tiên, Washington chủ trương ưu tiên những lợi ích ổn định toàn cầu.

Vì lẽ ấy, theo các cựu quan chức thời chính quyền tổng thống George W. Bush và Barack Obama, việc từ bỏ chính sách này có nguy cơ phát đi thông điệp nguy hiểm tới cả các đồng minh lẫn kẻ thù của Mỹ, và cũng khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng trượt dốc không phanh.

Do vậy, trong các cuộc thảo luận trước đây, giới chức của những chính quyền đó đã luôn chỉ tập trung vào vấn đề Triều Tiên và những lợi ích chung của cả Mỹ và Trung Quốc trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Họ chủ động né tránh việc bị lôi vào những đề nghị có thể phải có những nhượng bộ khác, như thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc với Đài Loan.

Ông Michael Froman, đại diện thương mại Mỹ dưới thời tổng thống Obama, bình luận: “Chúng tôi từng nói rất rõ ràng là chúng tôi không chấp nhận hi sinh các lợi ích kinh tế trong nước vì một vấn đề đối ngoại nào đó”.

Cũng theo ông Michael Froman, phía Mỹ rất thận trọng trong việc “trả công” cho phía Trung Quốc trong những vấn đề mà thực tế nếu tiến hành, Bắc Kinh cũng đã được hưởng lợi. Ông nói: “Có thể hình dung là họ (Trung Quốc) cũng không muốn xảy ra bất ổn hay gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên”.

Đồng quan điểm này, ông Robert Zoellick, đại diện thương mại và sau là thứ trưởng Ngoại giao dưới thời tổng thống George W. Bush, cũng khẳng định “chưa bao giờ nhượng bộ một vấn đề thương mại nào với Trung Quốc để đổi lấy sự ủng hộ của họ trong một vấn đề an ninh” như vấn đề Triều Tiên.

Ông Michael Green, cựu Giám đốc phụ trách châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Bush, cho rằng nếu giải quyết vấn đề Triều Tiên theo cách đó còn có nguy cơ làm suy yếu lập trường của Mỹ trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, và có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào nhiều cuộc mặc cả tương tự với những nước khác cũng đang mong muốn có quan hệ kinh tế tốt hơn với Mỹ.

Dẫu vậy thì các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ đã không những không thể ngăn chặn, mà cũng không thể làm chậm lại những chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Có lẽ vì thế mà ông Trump đã quyết định áp dụng một chiêu thức khác: tìm cách thúc đẩy Trung Quốc tăng cường thêm vai trò của họ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Chưa rõ điều kiện “lại quả”

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nhấn mạnh là ông Trump vẫn chưa đề nghị bất cứ một “phần trả công cụ thể” nào với Trung Quốc, tuy nhiên tỏ ý nói rằng việc hợp tác của họ trong vấn đề Triều Tiên sẽ tạo đà cho quan hệ hợp tác nhiều lợi ích hơn giữa hai bên.

Vị quan chức cũng nói: “Những gì Tổng thống tỏ ý là sự hợp tác của Trung Quốc trong xử lý vấn đề Triều Tiên là vô cùng quan trọng, và nếu chúng tôi không nhận được sự hợp tác tốt đẹp trong việc giải quyết nguy cơ an ninh bức thiết này, sẽ rất khó khăn để chúng tôi có thể hợp tác với Trung Quốc trong một loạt các lĩnh vực khác của quan hệ song phương hai nước”.

Ông Green cho rằng mọi chính quyền Mỹ kể từ thời tổng thống Nixon đều đã không lựa chọn đối sách kiểu đó với Trung Quốc trong khi phải giải quyết vấn đề Triều Tiên. Và theo ông, lựa chọn cách đó sẽ khiến các đồng minh của Mỹ hoang mang, nghi ngại.

Ông Green nói: “Nếu quý vị là Nhật Bản hay Đài Loan, hẳn là quý vị sẽ bắt đầu băn khoăn liệu rằng những lợi ích của mình có bị đem ra đổi chác hay không. Nó gây ra sự bất trắc và có thể khiến người ta nghĩ tới tình trạng vô nguyên tắc trong chính sách của Mỹ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới