Đại diện người dân xã Đông Tâm đã không có mặt tại UBND huyện Mỹ Đức để đối thoại trực tiếp với Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
19h25′, ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố kết thúc buổi làm việc với đại diện lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm.
19h20′, Chánh thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Dũng công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất Miếu Môn.
19h10′, thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ mời người dân lên đối thoại vào lần tiếp theo và ông sẽ là người trực tiếp đối thoại với người dân.
Về việc làm rõ số đất trong dự án của Viettel, ông Chung cho biết, hiện Hà Nội đã ra quyết định thanh tra toàn diện toàn bộ số đất này, sau 45 ngày thanh tra sẽ công bố kết quả.
“Ngay bây giờ đề nghị các đồng chí về tuyên truyền người dân tháo dỡ ngay những chướng ngại vật trên các con đường vào xã Đồng Tâm. Chúng tôi ghi nhận việc người dân chăm sóc cho những chiến sỹ cảnh sát cơ động, tuy nhiên việc bắt giữ những chiến sỹ này là trái quy định. Tôi đề nghị bà con nên tin, sớm cho những người bị giữ về sớm…” – ông Chung nói.
19h, tham gia buổi đối thoại như dự kiến đã không có đại diện của người dân xã Đồng Tâm, chỉ có đại diện của UBNB xã Đồng Tâm làm việc với Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Ông Phạm Hồng Sỹ, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm phát biểu, việc giam giữ các chiến sỹ cảnh sát cơ động của người dân là trái pháp luật, mong muốn người dân nhanh chóng thả tự do cho những chiến sỹ nói trên.
“Sự việc diễn ra là người dân có đơn đề nghị khu đất được giao vừa qua là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Dù xã đã có kết luận, thuyết phục nhưng người dân chưa tin đó là đất quốc phòng. Đa số người dân nói đó là đất nông nghiệp, vì thế họ nói những việc chúng ta làm vừa rồi là sai. Đề nghị trung ương vào làm rõ là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp” – ông Sỹ nói.
18h50′, đại diện xã Đông Tâm đã có mặt tại UBND huyện Mỹ Đức thông báo tình hình với Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Lúc 17h25′, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn công tác vẫn đang tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức để chờ đại diện người dân xã Đồng Tâm có mặt đối thoại trực tiếp.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đang có mặt tại huyện Mỹ Đức.
Trước đó, sáng 18/4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát đi thông tin về vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất quốc phòng, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Theo Thành ủy Hà Nội, năm 1980, Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm (Mỹ Đức).
Trụ sở UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) lúc 17h ngày 20/4.
Đến năm 2015, Bộ Quốc phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng (trong đó có 45 ha thuộc xã Đồng Tâm). Tuy nhiên, một số người dân ở thôn Hoành (xã Đồng Tâm) đã lấn chiếm đất để canh tác và xây dựng công trình trên diện tích này.
Phát hiện có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng nên người dân xã Đồng Tâm đã có thư khiếu tố lên cấp trên.
Liên quan đến vụ việc, trong quá trình xem xét, giải quyết, huyện Mỹ Đức và TP Hà Nội đã khai trừ 8 đảng viên, cách chức, cảnh cáo, khiến trách 11 người. Ngoài ra, cơ quan công an khởi tố 3 người, bắt tạm giam 2 bị can.
3 chiếc xe đã được điều động để đón 100 người dân lên UBND huyện Mỹ Đức đối thoại với ông Nguyễn Đức Chung.
Từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình tại xã Đồng Tâm có diễn biến phức tạp liên quan đến việc số công dân khiếu kiện tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng.
Đặc biệt, từ tháng 2/2017 đến nay, khi tập đoàn Viettel tổ chức thi công, số công dân khiếu kiện tại địa phương tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự; tổ chức cho người dân tự ý lấn chiếm, cày bừa, canh tác trên diện tích đất quốc phòng…
Trong các ngày đầu tháng 3, số công dân khiếu kiện đã tập trung ở UBND xã Đồng Tâm khi có các đoàn của huyện đến thực hiện nhiệm vụ, có hành vi gây mất trật tự phòng họp nơi đoàn công tác làm việc; sử dụng loa phóng thanh tự chế tuyên truyền trái phép; đóng cổng UBND xã không cho các phương tiện của đoàn công tác rời trụ sở…
“Khi lực lượng công an huyện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đoàn công tác trên thì ngăn cản, tung tin bịa đặt “xe công an đâm chết người” gây kích động cho quần chúng”, Thành ủy Hà Nội thông tin.
Số công dân trên còn công khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái phép nhiều nội dung kích động, xuyên tạc sự thật về đất quốc phòng; tụ tập đông người kéo đến trụ sở UBND xã để phản ứng với chính quyền địa phương khi đài truyền thanh huyện phát các thông tin chính thống về khu vực đất quốc phòng; tập trung đông người tại đồng Sênh; chửi bới, lăng mạ cán bộ chính quyền xã tại nhà riêng; cắt loa phát thanh của xã nhằm ngăn cản công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng; kích động một bộ phận nhân dân buộc con em mình nghỉ học…
Hội trường UBND huyện Mỹ Đức, nơi dự kiến diễn ra cuộc đối thoại giữa người dân Đồng Tâm và ông Nguyễn Đức Chung.
Xét mức độ vi phạm pháp luật của một số người trên là nghiêm trọng, có tổ chức, ảnh hướng xấu đến an ninh trật tự địa phương, ngày 30/3, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng. Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án Chống người thi hành công vụ; Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
Cơ quan công an đã 3 lần triệu tập những người liên quan lên làm việc nhưng họ không chấp hành, tiếp tục tổ chức các hoạt động chống đối.
Ngày 15/4, Công an Hà Nội đã bắt 4 người có hành vi vi phạm pháp luật để điều tra vụ gây rối trật tự công cộng. Khi cảnh sát bắt giữ những người trên, số công dân xã Đồng Tâm đã bao vây ôtô của lực lượng chức năng, giữ trái phép 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội tại nhà văn hóa thôn Hoành.