Trung Quốc có một đặc phái viên cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhưng những nỗ lực của ông này chưa có hiệu quả.
Ông Vũ Đại Vĩ (giữa), đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên đến gặp
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/4. Ảnh: Reuters
Những chuyến công cán và nỗ lực của Vũ Đại Vĩ, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên, cho thấy rõ sự mệt mỏi ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong nỗ lực môi giới một giải pháp cho các căng thẳng đang gia tăng giữa Triều Tiên và Mỹ, theo Reuters.
Vũ Đại Vĩ, 70 tuổi, đã dành 5 ngày ở Seoul vào tuần trước. Ông đã gặp các ứng viên tổng thống Hàn Quốc và trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, một phần nhằm làm giảm căng thẳng khi cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ được lệnh đến khu vực ngay trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào tuần này.
Tuy nhiên, ông Vũ không xác nhận kế hoạch thăm Triều Tiên. Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc nói rằng: “Tôi hiểu phía Trung Quốc đang yêu cầu thăm Bình Nhưỡng nhưng Triều Tiên không phản hồi”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm 17/4 rằng ông không có thông tin nào để chia sẻ về bất kỳ chuyến viếng thăm nào như vậy. Ông Khảng cho biết thêm: “Trung Quốc và Triều Tiên vẫn duy trì truyền thống giao thiệp hữu nghị”.
Lần cuối ông Vũ thăm Bình Nhưỡng là đầu tháng 2/2016, khi ông được giao nhiệm vụ kiềm chế Triều Tiên sau khi nước này thông báo kế hoạch phóng một vệ tinh vào quỹ đạo bằng tên lửa tầm xa. Hai ngày sau khi ông Vũ trở về Bắc Kinh, Triều Tiên đã phóng vệ tinh nhưng nhiều người coi đây là vụ thử tên lửa đạn đạo trá hình. Động thái này làm dâng cao căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc đã cho thấy nước này ngày càng sẵn sàng thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Từ ngày 26/2, Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên vì nước này ngày càng mất kiên nhẫn với các động thái phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, bao gồm vụ phóng thử tên lửa thất bại vào sáng 16/4.
Tuy nhiên, về mặt chính thức, Trung Quốc vẫn xem đối thoại là lựa chọn ưu tiên nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điều này đã đặt ông Vũ vào công việc khó khăn, đó là cố thuyết phục Triều Tiên cũng như các nước láng giềng và đối thủ quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Mối quan hệ ngày càng xa cách
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để dừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bình Nhưỡng phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về nguồn cung lương thực và nhiên liệu, đồng thời phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên đều đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Tập vẫn chưa gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2012. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên xa cách hơn sau khi Bình Nhưỡng bắt đầu tăng tốc phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành lãnh đạo của Triều Tiên.
Trong hơn một thập kỷ, ông Vũ đã cầm trịch các nỗ lực mà phần lớn không có kết quả nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua cuộc đàm phán 6 bên giữa Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật và Nga. Cuộc đàm phán 6 bên bị ngưng lại kể từ khi vòng thương lượng cuối cùng sụp đổ vào năm 2008, sau một vụ phóng thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng.
Là một nhà ngoại giao và là chuyên gia nghiên cứu Nhật, ông Vũ có thể nói một ít tiếng Hàn Quốc nhưng không biết tiếng Anh.
Ông Vũ có nhiều người bạn ở Hàn Quốc và xây dựng được danh tiếng như là nhà ngoại giao “đáng tin cậy”, theo một nhà ngoại giao ở châu Á.
Đàm phán 6 bên gây được chú ý ngay sau khi ông Vũ đảm nhận nhiệm vụ và các bên đạt được thỏa thuận vào tháng 9/2005 về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, thỏa thuận đó nhanh chóng sụp đổ vì Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10/2006 và rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên vào năm 2009. Kể từ đó, Trung Quốc là nước kêu gọi nối lại đàm phán mạnh mẽ nhất.
Hòa bình thông qua đối thoại
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong phát sóng hôm 14/4, ông Vũ truyền tải lập trường của Trung Quốc là Washington và Bình Nhưỡng nên nhất trí cùng dừng các vụ thử hạt nhân và các cuộc tập trận, xem đây như là nền tảng để quay trở lại đàm phán, một lập trường bị Mỹ lẫn đồng minh Hàn Quốc phản đối.
Ông Vũ không đề cập đến các lệnh trừng phạt Triều Tiên trong cuộc phỏng vấn nhưng tái khẳng định sự cam kết của Trung Quốc với giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, giống như quan điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm vào tuần trước.
“Nếu kiểu hành xử ăn miếng trả miếng và phô diễn sức mạnh của Triều Tiên và Mỹ – Hàn không tạo ra thay đổi cơ bản, chẳng sớm thì muộn sẽ có điều gì đó sai lầm xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”, ông Vũ nói.
Một quan chức ngoại giao Hàn Quốc nhắc lại về vòng đàm phán 6 bên và nói rằng dù thỉnh thoảng ông Vũ quá quyết liệt, “ông ấy là người chúng tôi cần vào thời điểm đó để duy trì đàm phán”.
“Đôi khi ông ấy tranh luận với trưởng đoàn đàm phán các nước khác để giữ họ tiếp tục bám theo kế hoạch nhưng đôi khi ông ấy phớt lờ họ hoặc cảnh báo về hậu quả nếu đàm phán sụp đổ”, quan chức ngoại giao Hàn Quốc nói.
Tuy nhiên, theo một điện tín ngoại giao của Mỹ vào năm 2010 được Wikileaks tiết lộ, cựu trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Chun Yung-woo lại có đánh giá ít kiêng dè hơn, gọi ông Vũ là “quan chức kém năng lực nhất” của Trung Quốc vì “không biết tiếng Anh và quá quán triệt đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc”.