Sau hai ngày 10-11/4/2017, Hội nghị Ngoại trưởng Các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Lucca, Ý đã ra Tuyên bố chung về nhiều vấn đề quan trọng có tác động đến hòa bình và an ninh thế giới, trong đó có an ninh hàng hải.
Tuyên bố chung Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 vừa qua nêu rõ:
“Về An ninh hàng hải:
Chúng tôi tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế về an ninh và an toàn hàng hải cũng như bảo vệ môi trường biển. Chúng tôi tin rằng chỉ có sự nỗ lực chung mới có thể đem lại giải pháp toàn diện đối với những nguy cơ đe dọa an ninh hàng hải, đại dương và các điều kiện trên biển. Chúng tôi cam kết phối hợp hành động ở tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, để đạt được những lợi ích toàn cầu.
Chúng tôi tái khẳng định cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và việc giải quyết hòa bình tranh chấp, bao gồm các biện pháp pháp lý và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Chúng tôi cũng tái khẳng định cam kết đối với tự do hàng hải và tự do hàng không cũng như các quyền, tự do và việc sử dụng các vùng biển một cách hợp pháp, được thừa nhận rộng rãi.
Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của việc xây dựng lòng tin và an ninh cũng như quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp biển một cách thiện chí và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp được công nhận rộng rãi, bao gồm cơ chế trọng tài. Chúng tôi tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng như đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên quy mô lớn, xây dựng các khu tiền đồn cũng như sử dụng chúng vào mục đích quân sự, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện phi quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp và tuân thủ nghĩa vụ theo luật quốc tế. Chúng tôi coi Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài theo quy định của UNCLOS là cơ sở hữu ích cho các nỗ lực tiếp theo nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình. Chúng tôi khuyến khích các cuộc đối thoại dựa trên luật quốc tế nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hữu hiệu và hoan nghênh những nỗ lực thúc đẩy theo hướng này. Chúng tôi kêu gọi việc thực thi đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Chúng tôi kiên quyết tái khẳng định việc lên án đối với các hành động cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố trong lĩnh vực hàng hải, buôn người, đưa người di cư trái phép, buôn bán vũ khí và ma túy, các hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) và các hoạt động bất hợp pháp trên biển khác. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của chính sách liên kết quốc gia và khu vực trong đấu tranh chống các hoạt động bất hợp pháp trên biển. Chúng tôi biểu dương hoạt động của nhóm Liên lạc về vấn đề cướp biển ngoài khơi Somalia (CGPCS), Các nước bạn bè G7++ khu vực Vịnh Guinea và Hiệp định hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển, cướp có vũ trang các tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) cũng như những thành quả mà EU, NATO, các chương trình hải quân đa quốc gia và các quốc gia hoạt động độc lập khác.
Chúng tôi cam kết theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện hơn nhằm ủng hộ những nỗ lực ở cấp quốc gia và khu vực cũng như chính sách liên kết của các quốc gia có vai trò quan trọng trong việc củng cố an ninh biển ở các khu vực trọng yếu hiện nay. Các cơ chế hợp tác khu vực cần tiếp tục các hoạt động thúc đẩy an ninh biển, khai thác một cách đầy đủ khuôn khổ văn kiện thành lập của các cơ chế này.
Ở cấp khu vực và quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác ngoài khơi và trên biển nhằm đấu tranh chống nạn buôn người và đưa người di cư trái phép trong lĩnh vực hàng hải – và cụ thể trong các lĩnh vực đòi hỏi sự tập trung ở mức cao nhất – và bảo vệ tính mạng con người trên biển.
Chúng tôi cam kết thúc đẩy an ninh biển của khu vực ở các vùng chịu ảnh hưởng của tội phạm trên biển thông qua các biện pháp hỗ trợ xây dựng năng lực toàn diện theo các văn kiện hiện hành trong các lĩnh vực như quản trị biển, thẩm quyền và chức năng của lực lượng cảnh sát biển, tìm kiếm, cứu nạn trên biển chia sẻ và điều phối thông tin trên biển, bao gồm Nhận thức Khu vực trên Biển (MDA), cùng với những nỗ lực cải thiện năng lực lập pháp, tư pháp và tố tụng.
Chúng tôi hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Phi về an ninh, an toàn hàng hải và phát triển ở Châu Phi được tổ chức hồi tháng 10/2016 tại Togo và Hiến chương Lomé cũng được ký tại đây. Việc tiếp tục phát triển và triển khai Hội nghị này sẽ tăng cường năng lực hàng hải toàn diện cho Liên minh Châu Phi. Chúng tôi cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo các vùng biển mở và tự do, bao gồm Địa Trung Hải, Vịnh Guinea, Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và thúc đẩy liên kết khu vực.
Chúng tôi cũng hoan nghênh việc Hiệp định về các biện pháp áp dụng cho các Quốc gia Cảng của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) có hiệu lực hồi tháng 6 năm 2016 và kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển gia nhập điều ước quốc tế quan trọng này nhằm giải quyết vấn đề đánh cá IUU.
Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu nhằm hỗ trợ về mặt khoa học và công nghệ, qua đó tăng cường an ninh hàng hải. Chúng tôi ủng hộ công tác của Ủy ban Trù bị về triển khai một văn kiện quốc tế có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý trong tương lai theo quy định của UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.
Chúng tôi cam kết ủng hộ hợp tác, xây dựng năng lực và tiếp cận một cách phù hợp các nguồn hỗ trợ tài chính và công nghệ nhằm giúp các quốc gia hiện thực hóa các ưu tiên của họ đồng thời bảo vệ môi trường biển và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên sinh vật biển, trong đó có đa dạng sinh học biển.
Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Ý về việc tổ chức Hội nghị cấp cao nhóm G7 về An ninh Hàng hải và Sáng kiến của EU về tổ chức Hội thảo “Đại dương của chúng ta” vào cuối năm nay”.