Friday, November 1, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 20/04

Bản tin Biển Đông ngày 20/04

Bản tin Biển Đông ngày 20/04/2017.

Philippines khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ được hoàn thành trong năm nay

Hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 19/4, trong cuộc họp báo tại điện Malacanang, Quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar khẳng định ASEAN và Trung Quốc đã cam kết hoàn thành bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong năm Chủ tịch của Philippines. Ông Bolivar cũng bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được nhiều tiến triển quan trọng hơn nữa trong thời gian tới bởi mức độ tin cậy giữa các bên đang ngày càng được củng cố.

G7 kêu gọi tuân thủ Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông

Ngày 20/4, tờ The Philippine Star đưa tin, mới đây, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp (G7) tại Lucca, Ý đã ra tuyên bố chung kêu gọi thực thi Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây có thể coi là một nội dung đột phá so với Tuyên bố chung được đưa ra vào năm ngoái tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Hiroshima, Nhật Bản. Trong Thông cáo, Ngoại trưởng các nước G7 cũng tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với hành động các tiền đồn quân sự mới ở các vùng biển tranh chấp cũng như việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp biển. Bên cạnh đó, Tuyên bố chung đã tái khẳng định cam kết duy trì một trật tự dựa trên luật lệ trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp cần được thực hiện thông qua các biện pháp pháp lý và xây dựng lòng tin. Đặc biệt, các Ngoại trưởng đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đồng thời lên án mạnh mẽ bất cứ hoạt động song phương nào làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, chẳng hạn như sử dụng vũ lực, bồi đắp đảo trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng G7 cũng khuyến khích các cuộc đàm phán dựa trên luật quốc tế để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Chủ tịch Tập Cận Bình quyết liệt triển khai tái cơ cấu quân đội, củng cố vai trò lãnh đạo

Ngày 19/4, trang CNBC đưa tin, ngày 18/4, theo nguồn tin từ Tân Hoa xã, phát biểu trước 84 đơn vị quân sự mới của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố kế hoạch tái cơ cấu quân sự để đưa PLA thành một lực lượng chiến đấu tinh gọn với khả năng liên quân cao. Theo CNBC, việc tái cơ cấu tập trung chủ yếu vào 84 đơn bị mới này và dựa trên kế hoạch dài hơi của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm hiện đại hoá PLA theo hướng chủ trọng vào các lĩnh vực tiềm lực mới, bao gồm các mặt trận không gian mạng, điện tử và thông tin. Chủ tịch Tập nhấn mạnh “điều này có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc đối với việc xây dựng một lực lượng quân đội mang đẳng cấp toàn cầu”. Theo Xu Guangyu, một tướng nghỉ hưu của PLA và là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát và Giải trừ quân bị Trung Quốc, kế hoạch tái cơ cấu chính là bước quan trọng thứ hai trong kế hoạch cải tổ của ông Tập Cận Bình.

Tuyên bố mới này của Chủ tịch Tập có thể gây quan ngại sâu sắc cho các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nước này ở Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ráo riết đẩy nhanh quá trình nâng cấp tiềm lực quân sự và ngày càng trở nên hiếu chiến hơn nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đồng thời mở rộng sức mạnh quân sự trên các vùng biển. Truyền thông Trung Quốc gần đây hé lộ rằng có thể tàu sân bay thứ hai của nước này sẽ được hạ thuỷ vào ngày 23/4, đúng vào dịp kỷ niệm thành lập lực lượng hải quân Trung Quốc.

Ý kiến chuyên gia: Philippines cần đẩy mạnh “các vùng cấm khai thác” để thực thi Phán quyết Tòa Trọng tài Biển Đông

Ngày 19/4, tờ The Philippine Star đưa tin, ông Carmel Ablan Lagman thuộc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Đại học De La Salle (DLSU) đã đề xuất chính quyền Philippines hợp tác với các bên tranh chấp ở Biển Đông thiết lập các “vùng cấm khai thác” nhằm phát triển chương trình quản lý nghề cá quốc gia và quốc tế, qua đó nhằm thực thi Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Ông Lagman khẳng định, việc thiết lập các công viên biển và các khu vực bảo vệ chung trên biển sẽ góp phần bảo vệ các tài nguyên sinh vật biển. Ông nói thêm, kế hoạch này có thể được thực hiện tại khoảng 100 đảo và cấu trúc nhỏ ở Trường Sa, Biển Đông do Trường Sa có thể nhận được nhiều lợi ích khi có thêm nhiều quốc gia tham gia bảo tồn một trong những khu vực và môi trường sống đa dạng và giàu tài nguyên ở khu vực. Bên cạnh các công viên biển và các khu vực bảo vệ chung, Philippines cũng có thể tìm tới các văn kiện chính sách biển quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và xây dựng chính sách khu vực về đánh bắt cá quy mô nhỏ.  Trong khi đó, ông Dindo Manhit, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Stratbase ADRi nhấn mạnh Philippines cần có vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy chính sách quản lý nghề cá của nước này sau khi Philippines chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, “một bước đột phá chưa từng có của nước này” nhưng “quan trọng hơn, chính sách quốc gia này có thể được gắn kết với một khuôn khổ rộng lớn hơn của khu vực, bảo đảm phù hợp với lợi ích chung và các mục tiêu bền vững”

RELATED ARTICLES

Tin mới