Thế giới “thở phào” sau khi chứng kiến vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên thất bại. Nhưng cuộc diễu binh hoành tráng của nước này hôm 15/4 phơi bày một câu chuyện khác.
Theo tạp chí NZ Herald, cuộc diễu binh kỷ niệm 105 năm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đã hé lộ tham vọng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lớn đến mức nào.
Sau cuộc diễu binh, Bình Nhưỡng lớn tiếng cảnh báo rằng bất cứ một hành động quân sự nào thêm nữa của Mỹ cũng có thể dẫn tới một cuộc chiến tổng lực. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-Ryol thậm chí khẳng định nước ông sẽ thử tên lửa “hàng tuần, hàng tháng và hàng năm”.
“Nếu Mỹ liều lĩnh dùng biện pháp quân sự thì nghĩa là sẽ có một cuộc chiến tổng lực. Nếu Mỹ lên kế hoạch tấn công chúng tôi thì chúng tôi sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công phủ đầu theo kiểu cách của riêng mình”, ông Han Song-Ryol cảnh báo.
Tuyên bố cứng rắn trên được đưa ra sau khi Triều Tiên tổ chức diễu binh quy mô lớn hôm 15/4. Nước này đã có màn phô trương các khí tài quân sự rất ấn tượng.
Và tuy vụ thử tên lửa ngay sau đó thất bại, nhưng giới chuyên gia đánh giá những gì chính quyền Kim Jong Un vừa thể hiện cho thấy Triều Tiên đã tiến xa thế nào về công nghệ hạt nhân.
Brendan Thomas-Noone thuộc Chương trình Liên minh 21 của Trung tâm Các nghiên cứu Mỹ, nhận định rằng cuộc diễu binh chứng tỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được những bước tiến lớn về công nghệ tên lửa, và nó là một tín hiệu từ phía Triều Tiên rằng họ sắp làm chủ các tên lửa nhiên liệu rắn.
“Người Triều Tiên dường như không còn bằng lòng với khả năng ngăn chặn tối thiểu bằng vũ khí hạt nhân nữa, mà họ còn muốn có một phản ứng trả đũa chắc chắn”, ông Noone nói.
Chuyên gia về lá chắn hạt nhân này cho rằng, chương trình của Bình Nhưỡng giờ đây giống kiểu mà Trung Quốc, Ấn Độ hoặc bất kỳ một cường quốc hạt nhân lớn nào có thể đang mong muốn, chứ “không còn là những gì người Triều Tiên thực sự cần để duy trì lá chắn hạt nhân trước Mỹ và đồng minh nữa”.
“Họ sẽ tiến lên cao và xa hơn”, vị chuyên gia này nói thêm.
Triều Tiên phô trương tên lửa tàu ngầm hôm 15/4. (Ảnh: AP) |
Cũng theo ông Noone, cuộc diễu binh hôm 15/4 thể hiện toàn bộ năng lực hạt nhân mà một nước có thể phát triển. “Số lượng hệ thống mới, kể cả là mô hình giả, thể hiện mức độ tham vọng mà chúng tôi không thể tưởng tượng Triều Tiên đang theo đuổi về năng lực hạt nhân. Nó bao gồm các ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa), hệ thống phóng di động trên bộ và các tên lửa đạn đạo phóng từ biển”.
Nói về KN-11, một tên lửa lớn dùng nhiên liệu rắn được Triều Tiên “bày hàng”, chuyên gia Noone thừa nhận chưa thể biết chính xác mức thiệt hại mà vũ khí này – đã được thử hồi tháng 8/2016 – có thể gây ra. “Chúng ta không biết kích cỡ các đầu đạn hạt nhân tiềm tàng có thể được lắp đặt lên chúng. Chúng ta cũng không biết chính xác họ có bao nhiêu tên lửa này. Họ chỉ khoe 6 tên lửa trong cuộc diễu binh nhưng họ có thể có nhiều hơn thế”, ông nói.
Chuyên gia Noone thừa nhận, tên lửa KN-15 cũng là một mối quan ngại. “Đây là một tên lửa rất quan trọng. KN-15 là một tên lửa di động nhiên liệu rắn, và đã được thử nghiệm thành công hồi tháng 2. Chúng ta biết rằng nó hoạt động, người Triều Tiên có thể triển khai chúng tới nhiều địa điểm khác nhau và cung cấp nhiên liệu cho chúng tương đối nhanh. Nếu một cuộc đối đầu quân sự xảy ra thì loại tên lửa này thuộc loại mà chúng ta sẽ phải cố hết sức để định vị”.
Tuy nhiên, theo ông Noone, lo ngại lớn nhất hiện nay là tốc độ Bình Nhưỡng thúc đẩy chương trình hạt nhân của nước này. “Những tiến bộ về công nghệ thể hiện trong cuộc diễu binh cho thấy Triều Tiên đã tiến xa thế nào về công nghệ tên lửa”, ông kết luận.
Trong cuộc diễu binh hôm 15/4, Triều Tiên đã trưng ra khoảng 60 tên lửa, trong đó có loại được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới.