Monday, November 18, 2024
Trang chủĐiểm tinNga sẵn sàng dang tay với Triều Tiên, mặc TQ quay lưng?

Nga sẵn sàng dang tay với Triều Tiên, mặc TQ quay lưng?

Theo CNN, mới đây Nga đã dùng quyền phủ quyết để ngăn không cho Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc ra nghị quyết lên án vụ thử tên lửa gần nhất của Triều Tiên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Daily Stormer

Trong khi đó, Trung Quốc – đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng bỏ phiếu thuận.

Giới phân tích nhận định, đây là động thái bất ngờ của Nga bởi bốn lần bỏ phiếu trước đó, nước này đều ủng hộ nghị quyết lên án Triều Tiên của Liên hợp quốc.

Một số ý kiến cho rằng, sự thay đổi thái độ của Moscow với Bình Nhưỡng dường như càng dấy lên nghi vấn “Nga đang thắt chặt quan hệ với Triều Tiên”.

Theo Đa chiều (Mỹ), nghi vấn Nga “bắt tay” Triều Tiên không phải không có cơ sở bởi điện Kremlin đã từng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II năm 2015. Dù sau đó văn phòng Tổng thống Nga xác nhận, ông Kim sẽ không tham dự buổi lễ này.

Đến năm 2016, cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một nghị quyết mới nhằm trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mới nhất cũng đã bị trì hoãn lại theo đề nghị của Nga.

Đặc biệt mới đây, trong khi từ chối chuyến thăm Triều Tiên của đặc sứ Trung Quốc Vũ Đại Vĩ thì nước này lại tặng huy chương hữu nghị hạng hai cho quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên của Nga.

Nga-Triều mới là “đồng minh truyền thống”?

Theo Đa chiều, do một số nguyên nhân lịch sử nên thế giới luôn coi rằng Trung Quốc là “đồng minh đáng tin cậy nhất” của Triều Tiên. Thậm chí, Mỹ còn gây áp lực lên Bắc Kinh buộc nước này phải phát huy tác dụng hơn nữa về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhưng thực tế, Nga lại có ảnh hưởng không hề nhỏ tới chính quyền Kim Jong-un.

Thứ nhất, Nga giáp Triều Tiên. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, hai nước có quan hệ mật thiết. Liên Xô trước đây cũng từng là một trong những nước viện trợ quan trọng của Triều Tiên.

Thứ hai, quan hệ Nga-Triều không những luôn rất ổn định mà Moscow còn hiểu rõ cách tiếp cận Bình Nhưỡng.

Do Nga tích lũy kinh nghiệm lịch sử dày dặn trong quan hệ hợp tác với Triều Tiên cho nên nước này hiểu rõ lối tư duy và nền văn hóa chính trị của Bình Nhưỡng, Đa chiều bình luận.

“Ảnh hưởng hiệu quả nhất đến Triều Tiên chính là lối tiếp xúc ngoại giao nhẹ nhàng sau cánh gà, Nga luôn cố găng tìm cách gây ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng, đồng thời duy trì liên lạc với các bên liên quan về vấn đề Triều Tiên”, ông Alexander Vorontsov, chuyên gia Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, người Triều Tiên rất coi trọng thể diện.

Bắt tay trong thế cô lập

Những năm gần đây, do cùng chịu lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, Nga-Triều đã xích lại gần nhau và xây dựng nên “thời kỳ trăng mật”.

Về lĩnh vực kinh tế, Nga có nhu cầu mở rộng, phát triển kinh tế vùng Viễn Đông. Do đó, để giành thị phần trong nền kinh tế Triều Tiên, Moscow không chỉ xóa bỏ khoản nợ 11 tỷ USD của Bình Nhưỡng với Liên Xô trước đây mà còn đồng ý giúp nước này cải tạo tuyến đường sắt 3.500 km. Bù lại, Nga có quyền khai thác than và các loại tài nguyên thiên nhiên khác tại Triều Tiên.

Mặc dù hiện nay, kim ngạch giao dịch thương mại song phương chỉ chiếm một con số khiêm tốn trong tổng kim nghạch xuất nhập khẩu của Triều Tiên nhưng đến năm 2020, hai nước kỳ vọng, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt quá 1 tỷ USD và Nga sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên.

Về phương diện chính trị, do bị phương Tây cô lập nên Nga đang rất khẩn trương để phá vỡ cục diện này. Do đó, Moscow chỉ có thể tích cực phát triển chiến lược hướng Đông bởi phát triển hướng Tây gặp trở ngại vì sự phản đối của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khủng hoảng Ukraine.

Theo đó, Nga mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp lâu dài cũng như dùy trì ảnh hưởng với Bình Nhưỡng. Đáp lại, trong danh sách các quốc gia mà Triều Tiên gửi điện chúc mừng năm mới 2017, Nga xếp vị trí đầu tiên, Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ hai.

“Cho đến nay, hợp tác chính trị Nga-Triều đã hình thành mối lợi ích chung”, Đa chiều nhận định.

Gia tăng ảnh hưởng

Đa chiều nhận định, việc Nga phát triển quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên còn có mục đích khác sâu xa khác: Moscow không muốn thấy Trung-Mỹ hoàn toàn chiếm ưu thế về vấn đề Triều Tiên.

Tờ Reuters từng tiết lộ, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ năm hồi năm 2016, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về một dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc với những biện pháp trừng phạt mới, cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.

Ngoài ra, sự hợp tác thân mật giữa Trung-Mỹ về vấn đề Triều Tiên cũng khiến Nga nhận thức được rằng, điện Kremlin đang bị cho “ra rìa” về vấn đề này.

Theo báo Mỹ, Moscow càng tiến gần hơn đến Bình Nhưỡng, một mặt có thể dùng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để tác động đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xác lập vị trí nước lớn của Nga.

Mặt khác, nếu sức ảnh hưởng của Nga với Bình Nhưỡng được nâng cao thì trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Mỹ – nước ngày càng lo lắng về vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên – điện Kremlin sẽ chiếm vị trí ưu thế.

Đương nhiên, điều này cùng sẽ có lợi cho quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và lệnh trừng phạt kinh tế Nga của các nước phương Tây.

Theo đó, dù Bắc Kinh có ảnh hưởng kinh tế đến Triều Tiên nhiều hơn nhưng về mặt chính trị Moscow lại chiếm ưu thế.

Nga mở rộng ảnh hưởng đối với Triều Tiên có thể đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc, cho nên không thể loại trừ khả năng Trung-Mỹ hợp tác gây áp lực lên Triều Tiên để hạn chế tầm ảnh hưởng của Moscow ở khu vực Đông Á, Đa chiều dự đoán.

RELATED ARTICLES

Tin mới