Cuộc điện đàm ngày 24/4 giữa ông Trump và ông Tập diễn ra trong bối cảnh khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 được mô tả là “tên đã lên cung” – theo Thời báo Hoàn Cầu.
Một cuộc tập trận pháo binh của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Một ngày sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ-Trung, Bình Nhưỡng kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên vào hôm nay (25/4) – mốc thời gian được cho là “nhạy cảm”.
Ông Trump và ông Tập Cận Bình điện đàm 2 lần chỉ trong 2 tuần là mật độ liên hệ dày đặc chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước, cho thấy tình hình bán đảo đang hết sức cấp bách.
Thái độ cứng rắn và thách thức giữa Mỹ-Triều Tiên đã gần tới “giới hạn” và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 trong thời gian này.
Hoàn Cầu: Nếu cứng rắn, Triều Tiên sẽ thua trong mọi kịch bản
Theo Hoàn Cầu, Hội đồng bảo an LHQ thông qua một nghị quyết gia tăng cấm vận Triều Tiên là điều không tránh khỏi, sẽ khiến nền kinh tế nước này bị bóp nghẹt hơn nữa.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, Washington có thể bất chấp phản đối của Bắc Kinh và Moskva để tấn công quân sự, mở màn xung đột trên bán đảo. Cục diện đổ vỡ sẽ khiến tất cả các bên tổn thất, nhưng Triều Tiên sẽ thiệt hại lớn nhất.
Hoàn Cầu cảnh báo, ngay cả khi quốc tế phản ứng ôn hòa nhất, thì các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ đả kích toàn bộ hoạt động công nghiệp của Triều Tiên, chặn đứng toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà họ theo đuổi.
Còn nếu Mỹ triển khai chiến dịch tấn công chính xác nhằm vào Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ bị dồn đến tình cảnh “lựa chọn sinh tử” đầy khó khăn.
Nếu tình huống này xảy đến, Hoàn Cầu chỉ ra, nếu Triều Tiên không phản công trả đũa mang tính chiến lược thì toàn bộ chính sách đối ngoại răn đe của họ sẽ sụp đổ, và Bình Nhưỡng sẽ “bị Mỹ nắm trong lòng bàn tay, mặc sức chèn ép”.
Trong khi đó, nếu Bình Nhưỡng đáp trả bằng hỏa lực bắn vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gây ra thiệt hại về người, thì mục tiêu tấn công của Mỹ-Hàn sẽ từ các cơ sở hạt nhân Triều Tiên chuyển sang nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh gợi ý Triều Tiên “giữ nguyên hiện trạng” chương trình hạt nhân?
Thời báo Hoàn Cầu mô tả, cục diện bán đảo Triều Tiên giống như một ván bài mà các nước đi sau ngày càng khốc liệt hơn, nhưng các bên sẽ không muốn chứng kiến kịch bản đó.
Giới chuyên gia Trung Quốc nói rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với toàn bộ tình hình bán đảo còn nhiều hạn chế. Mỹ muốn Trung Quốc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng muốn Bắc Kinh kiểm soát đe dọa gây chiến từ Mỹ-Hàn. Trung Quốc bị đặt vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Theo Hoàn Cầu, Trung Quốc đang nỗ lực “khuyên giải” Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6.
Tờ này phân tích, nếu Triều Tiên dừng bước lúc này thì họ sẽ không bao giờ phải chứng kiến giới hạn thách thức – điều mà Bình Nhưỡng trên thực tế không đủ khả năng ứng phó.
Triều Tiên hoàn toàn có thể dựa vào tình trạng hiện tại của chương trình hạt nhân để ‘ngã giá’ với Mỹ, sau đó giành lấy các lợi ích quốc gia trong quá trình đàm phán từ bỏ hạt nhân.
“Triều Tiên cần tin rằng nỗ lực của họ để mở ra một con đường đẩy lùi các nước lớn, để Bình Nhưỡng là kẻ toàn thắng, trong khi siêu cường duy nhất của thế giới hiện nay là Mỹ thất bại, chỉ là một kỳ tích không thể xảy ra,” Hoàn Cầu viết.