Trump càng “cò cưa” với Kim Jong-un, chủ nhân Nhà Trắng càng lỗ vốn. Bởi lẽ cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ đều có nhiều thứ để mất, nếu…
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Daily Star.
CNN ngày 26/4 đặt câu hỏi, tại sao Bắc Triều Tiên vẫn chưa thử hạt nhân lần thứ 6? Hãng thông tấn này tin rằng, thế giới đang nóng lòng theo dõi vụ thử hạt nhân lần thứ sáu này của Bình Nhưỡng.
Trước 15/4 – ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và được Triều Tiên xem như ngày lễ quan trọng nhất của quốc gia này, chính CNN đã dẫn nguồn tin từ các nhà phân tích cho biết:
Căn cứ Punggye-ri là nơi Triều Tiên thử hạt nhân, có nhiều hoạt động bất thường giống với việc chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6. Nhưng cuối cùng, nó đã không xảy ra.
Trong khi Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại, với mỗi một lần thử hạt nhân như thế, Triều Tiên sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân đủ nhỏ gắn lên tên lửa xuyên lục địa bắn tới nước Mỹ.
Vậy tại sao Triều Tiên vẫn chưa làm điều này, như họ đã tuyên bố? CNN phỏng vấn nhà nghiên cứu Jean Lee từ Trung tâm Wilson, ông cho biết:
“Tôi nghĩ, nói một cách an toàn nhất là họ có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu trong một số thời điểm. Nhưng họ sẽ hiệu chỉnh thời gian một cách cẩn thận và đang thực sự xem xét một số yếu tố”.
Thời điểm thứ 2 người ta lo Triều Tiên sẽ thử hạt nhân là ngày hôm qua 25/4, dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội.
Nhưng ngày hôm qua trôi đi với một vài thông tin về một cuộc tập trận thông thường, không có vụ nổ nào xảy ra.
Các nhà phân tích lại hướng đến ngày 25/6, kỷ niệm nổ ra Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei, Seoul cho rằng, không nhất thiết Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân lần thứ 6 vào những ngày kỷ niệm lớn.
Rất có thể khi tàu sân bay USS Carl Vinson rời bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân vào tuần sau đó. Đây có thể là một phần của trò chơi dài kỳ.
Donald Trump ngày càng lỗ vốn khi “đua” với Kim Jong-un?
Nhà nghiên cứu Thọ Huệ Sinh từ Đại học Thanh Hoa ngày 26/4 có bài bình luận trên Financial Times, Anh quốc, bản tiếng Hán. Ông nhận định, việc Trump “thiếu vốn” để chơi với Kim Jong-un sẽ càng làm Triều Tiên thêm tự tin.
Tổng thống Mỹ đang áp dụng chiến thuật gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng để buộc Triều Tiên từ bỏ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, đặc biệt kể từ vụ Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria hôm 6/4.
Tuy nhiên hiệu quả của nước cờ này đến đâu lại phụ thuộc vào mức độ Bình Nhưỡng tin vào khả năng Donald Trump sẽ tập kích bất ngờ Triều Tiên như đã làm với Syria.
Thông thường, thủ đoạn gây sức ép tối đa là một lựa chọn hợp lý và khả dĩ trong trường hợp Mỹ muốn tránh xung đột quân sự. Chỉ có điều, hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào vốn liếng mà Donald Trump đang có.
Thực tế từ khi bắn 59 quả Tomahawk vào Syria bắt đầu gây sức ép lên Bình Nhưỡng, dường như Donald Trump càng chơi càng lỗ trong việc so găng ý chí với ông Kim Jong-un.
Khoản lỗ vốn thứ nhất chính là thủ đoạn được ông chủ Nhà Trắng sử dụng tối đa và bản thân Trump luôn tự hào, chính là cá tính “không thể lường trước được”.
Bí mật và bất ngờ luôn luôn được Trump sử dụng từ khi còn làm kinh doanh, và ông coi như bảo bối khi bước chân vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, bảo bối này đã vô hiệu với Bắc Triều Tiên, nếu không muốn nói là còn làm cho Trump bị “lỗ vốn” khi định dùng nó với Kim Jong-un.
Sự thất thường, thay đổi khôn lường của Donald Trump có thể khiến Trung Quốc và chính các đồng minh của Mỹ luôn cảm thất bất an, bất ngờ, nhưng không thể khuất phục được Bình Nhưỡng.
(Người viết cho rằng, quả tên lửa “xịt” hôm 16/4 là một phép thử của Bình Nhưỡng với những tuyên bố hùng hồn của Donald Trump).
Khoản lỗ vốn thứ hai đến từ việc ông chủ Nhà Trắng suốt 2 tháng qua luôn xây dựng cho mình một hình ảnh vô nguyên tắc và không thể tin được.
Ông công kích báo chí, thay đổi lập trường của mình như chong chóng, thậm chí không ngại tung tin đồn chỉ trích Barack Obama và cuối cùng bị Giám đốc FBI công khai bác bỏ trước Quốc hội.
Các chính sách đối nội của Trump liên tục vấp phải rào cản và phản đối từ nhánh lập pháp và tư pháp của nước Mỹ, cũng như chính nội bộ đảng Cộng hòa.
Ví dụ lệnh cấm nhập cư công dân 7 nước Hồi giáo bị tòa án phản đối, chủ trương thay thế Obamacare chết yểu ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, cải cách thuế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn dậm chân tại chỗ…
Chính điều này càng khẳng định niềm tin của Triều Tiên, rằng Donald Trump cũng chỉ là hổ giấy.
Thứ ba, Nhà Trắng dưới thời Donald Trump có quá nhiều mâu thuẫn nội bộ, tiền hậu bất nhất, thiết hụt nhiều vị trí tham mưu, cố vấn quan trọng khiến người ta không thể nắm chắc ý đồ chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, thì khó có thể tin phục để thực hiện nó.
Huống hồ, Triều Tiên khác với Syria, Đông Bắc Á cũng khác với Trung Đông. Tình hình bán đảo phức tạp hơn rất nhiều. Vì vậy nếu Trump tiếp tục dùng chính sách gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng, càng chơi sẽ càng lỗ.
Muốn phá bế tắc cục diện bán đảo, Mỹ – Trung – Triều đều phải vượt chính mình
Cùng lý giải về cục diện bán đảo Triều Tiên và khả năng xung đột, cũng trên Financial Times bản chữ Hán, hai học giả khác đến từ Trung Quốc đưa ra một góc nhìn khác.
Giáo sư Hà Phàm từ Đại học Bắc Kinh và Phó giáo sư Tôn Hưng Kiệt từ Học viện Ngoại giao Cát Lâm đã bàn về ảnh hưởng thực sự của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng đến đâu, để đi tìm câu trả lời cho vấn đề Triều Tiên.
Theo hai vị này, đại bộ phận dư luận quan tâm, theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên chia thành hai nhóm quan điểm khác nhau, nhưng cả hai đều không chính xác vì tuyệt đối hóa ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bình Nhưỡng: hoặc không có gì, hoặc có và rất mạnh.
Nhóm thứ nhất tin rằng Bắc Kinh thừa sức kiểm soát và khống chế Bình Nhưỡng, nhưng không muốn làm vì lợi ích chiến lược, phên dậu quốc gia.
Nhóm quan điểm thứ hai thì nhận định, thực ra ảnh hưởng của Bắc Kinh đến Kim Jong-un chẳng đáng là bao.
Lập luận của nhóm thứ nhất là, hai nước từng là đồng minh ý thức hệ, không tiếc cả xương máu.
Hiệp ước Tương trợ thân thiện Trung – Triều ký năm 1961 vẫn còn hiệu lực, 90% khối lượng thương mại của Triều Tiên là giao dịch với Trung Quốc, chỉ cần Bắc Kinh cắt nguồn cung dầu mỏ và lương thực, là Bình Nhưỡng phải ngoan ngoãn nghe lời.
Tuy nhiên nhóm này không để ý đến một thực tế, đó là từ khi ông Kim Nhật Thành đưa ra thuyết “chủ thể tư tưởng” năm 1955, dù cùng phe xã hội chủ nghĩa nhưng chưa bao giờ Triều Tiên nghe theo Liên Xô hay Trung Quốc.
Thậm chí ở Triều Tiên những ai có quan điểm thân Diên An (phái ảnh hưởng Mao Trạch Đông) hay thân Moscow (phái ảnh hưởng Stalin), đều bị thanh loại.
Nền chính trị Triều Tiên cha truyền con nối, bề ngoài thì giống Xô – Trung, bên trong lại hoàn toàn khác.
Bởi vậy, trên thực tế không tồn tại một nền tảng chung về ý thức hệ hay hệ thống chính trị giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh.
Do đó, cho dù quan hệ thương mại với Trung Quốc cực kỳ quan trọng với Triều Tiên, nhưng đừng nghĩ cứ phong tỏa Triều Tiên là ông Kim Jong-un sẽ bó gối quy hàng, mà chỉ làm cho cuộc sống khó khăn của dân chúng Triều Tiên ngày càng khốc liệt.
Nhóm thứ hai lập luận, Triều Tiên nhiều lần vuốt mặt không nể mũi, bất chấp Trung Quốc phản đối, liên tục thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, chẳng đếm xỉa gì đến lợi ích quốc gia của láng giềng, đồng minh.
Mặc dù thời ông Kim Jong-il Triều Tiên cũng đã tính đến phương án cải cách kinh tế và tham khảo mô hình, ý kiến Trung Quốc, nhưng khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, mọi ý tưởng này bị dừng lại.
Chính sách ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự để tạo thế thượng phong đàm phán với Hoa Kỳ được phát huy triệt để nhằm đảm bảo vị thế của ông Kim Jong-un hiện nay.
Đây là điều mang tính nguyên tắc, ông Kim Jong-un không thể nghe theo các khuyến cáo từ Trung Nam Hải.
Nhưng nếu Trung Quốc không làm được, thì chẳng quốc gia nào làm Triều Tiên thay đổi được.
Hai học giả này cho rằng, ảnh hưởng của quốc gia này lên quốc gia khác có thể biểu hiện qua các khuyến cáo, qua lợi ích kinh tế hay đe dọa trừng phạt, trên các mặt kinh tế – ngoại giao và an ninh.
Trung Quốc có đầy đủ cây gậy và củ cà rốt để sử dụng với Triều Tiên, nhưng chỉ để gây sức ép. Trường hợp vạn bất đắc dĩ, bước đường cùng Trung Quốc mới thực sự sử dụng triệt để cả gậy lẫn cà rốt.
Trong khi đó, ưu tiên trong quan điểm và lập trường các bên về bán đảo Triều Tiên hiện rất khác nhau.
Với Mỹ thì ép Triều Tiên bỏ phát triển vũ khí hạt nhân là ưu tiến số 1, nhưng với Trung – Nhật – Hàn thì mục tiêu hàng đầu là tránh chiến tranh.
(Còn theo người viết, Bình Nhưỡng xem hạt nhân là bệ đỡ duy nhất để đàm phán trong thế công bằng với Mỹ).
Vì thế, muốn phá vỡ cục diện bế tắc trên bán đảo, theo 2 học giả Trung Quốc trên, các bên phải vượt qua chính mình, dám nghĩ đến các đối sách chưa từng nghĩ.
Ví dụ với Hoa Kỳ, nên đánh giá cẩn thận xem liệu mức độ có thể chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân tạm thời đến đâu.
Với Trung Quốc, phải tính toán thận trọng xem về lâu dài, có chấp nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất, không vũ khí hạt nhân, không có lính Mỹ đồn trú nhưng có quan hệ hợp tác thân thiện với Mỹ – Nhật hay không?
Bán đảo Triều Tiên là “hóa thạch” của Chiến tranh Lạnh, là “điểm mù” kinh tế thị trường, đang làm tiêu hao rất nhiều tài nguyên và tâm sức của các nước, muốn hóa giải và đột phá, các bên buộc phải vượt qua chính mình.
Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ cố gắng dàn xếp, xung đột khó xảy ra trên bán đảo Triều Tiên
Cá nhân người viết cho rằng, nút thắt cơ bản nhất trên bán đảo Triều Tiên nằm ở lập trường ngược nhau 180 độ giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Ngay cả khi Donald Trump bắn đi thông điệp không theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền ông Kim Jong-un mà chỉ muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì Bình Nhưỡng cũng khó chấp nhận, vì hai lẽ.
Lẽ thứ nhất, đó là ông Kim Jong-un không ngây thơ đến độ đồng ý buông súng ngồi vào bàn đàm phán, trong khi đối phương vẫn lăm lăm giữ súng.
Lẽ thứ hai là sự công bằng.
Chừng nào các nước lớn còn tự cho mình có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân để răn đe nước khác, bắt các nước nhỏ buông súng để hòa đàm là điều rất khó chấp nhận với Bình Nhưỡng.
Người viết cho rằng, bình luận của ông Thọ Huệ Sinh rất đáng chú ý. Trump càng “cò cưa” với Kim Jong-un, chủ nhân Nhà Trắng càng lỗ vốn.
Bởi lẽ cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ đều có nhiều thứ để mất, nếu dồn Triều Tiên đến chân tường.
Chưa biết vũ khí Triều Tiên lợi hại đến đâu, vũ khí hạt nhân đã hoàn thiện đến giai đoạn nào, nhưng sức công phá của vụ thử hạt nhân thứ 5 cho thấy, nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo là có thật.
Dân Nhật Bản chỉ có 10 phút để sơ tán nếu Triều Tiên bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Các dịch vụ chống phóng xạ, hầm trú ẩn đang đặc biệt hút khách những ngày này.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã tính đến nhiều phương án đối phó khi tình huống tồi tệ nhất xảy ra.
Mối đe dọa với Trung Quốc và Nga cũng sẽ không khác gì Nhật Bản, vì bán kính tên lửa Triều Tiên. Còn Hàn Quốc thì khỏi phải nói.
Chính vì điều này, nên ông Donald Trump hay bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng sẽ phải tính toán rất kỹ, không thể manh động, càng không thể bốc đồng như những gì ông thể hiện.
Mặt khác, Triều Tiên khác Iraq, khác Syria hay Libya. Họ hoàn toàn khép kín và độc lập cao độ với các đồng minh một thời, không có chuyện Trung Quốc dùng củ cà rốt có thể mua chuộc, dùng cây gậy có thể lung lạc họ.
Còn nếu tình báo Mỹ hay Trung Quốc biết chắc thực lực hạt nhân của Triều Tiên đến đâu, thì có lẽ một cuộc chiến chớp nhoáng đã nổ ra từ lâu.
Thiết nghĩ, cách tháo ngòi nổ duy nhất là Mỹ hãy trực tiếp ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên mà đừng đòi hỏi điều kiện tiên quyết nào, càng sớm càng tốt.
Đấy cũng là con đường duy nhất có thể đánh giá thực lực của Triều Tiên và cơ hội cho hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo.
Tuy nhiên, nếu tình huống này xảy ra, thì có thể Bình Nhưỡng sẽ gặp những khó khăn nhất định từ Trung Nam Hải và Điện Kremlin, vì họ bị tuột khỏi tay con bài chiến lược mà ai đó vẫn luôn tìm cách sử dụng để dẫn dụ, đổi chác với Hoa Kỳ.