Tổng thống Donald Trump nói với lãnh đạo Canada và Mexico rằng ông sẽ không lập tức rút Mỹ khỏi Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
(Ảnh: AP Photo/Andrew Harnik)
Theo AP, quyết định được Trump đưa ra chỉ vài giờ sau khi các quan chức trong chính quyền thông báo rằng Tổng thống đang cân nhắc một dự thảo lệnh hành pháp để đưa Mỹ ra khỏi NAFTA. Dù vậy, các cấp dưới của ông cũng nói việc rút khỏi NAFTA chỉ là một trong nhiều phương án được Trump và nhóm của ông thảo luận.
Nhà Trắng xác nhận thông tin bất ngờ trên trong một báo cáo về các cuộc điện đàm giữa Trump với Tổng thống Mexico Peña Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
“Tổng thống Trump đã nhất trí không hủy bỏ NAFTA vào thời điểm này, và các lãnh đạo đồng ý sẽ tiến hành nhanh chóng, theo các thủ tục nội bộ yêu cầu, để cho phép tái thương lượng thỏa thuận NAFTA có lợi cho cả ba nước,” Nhà Trắng cho biết.
Tổng thống Mỹ cho biết ông tin rằng “kết quả cuối cùng sẽ khiến cả ba nước mạnh mẽ và tốt đẹp hơn”.
Chính phủ Mexico đã xác nhận cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nieto với đồng cấp Mỹ hôm thứ Tư (26/4).
Thông cáo cho biết, “các lãnh đạo đồng thuận về sự tiện lợi trong việc duy trì NAFTA, và hợp tác với Canada để thực hiện một cuộc tái thương lượng thành công, có lợi cho ba bên”.
Còn văn phòng Thủ tướng Canada Trudeau ra thông cáo báo chí nói “hai lãnh đạo tiếp tục đối thoại về các quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada”.
“Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và tăng trưởng công ăn việc làm trong quan hệ thương mại giữa hai nước,” thông cáo viết.
Theo AP, nhiều người nhận thấy động thái dọa bỏ NAFTA là ý đồ của Trump nhằm gây sức ép lên hai láng giềng để đạt được các điều khoản có lợi hơn cho Mỹ. Trong giai đoạn tranh cử, Trump chỉ trích NAFTA là “một thảm họa”.
Các quan chức Nhà Trắng gần đây đã thảo luận các bước thực hiện để khởi đầu lộ trình tái thương lượng hoặc rút Mỹ khỏi NAFTA, trước mốc thời gian 100 ngày cầm quyền của ông Trump vào 29/4 tới (giờ địa phương).
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer từ chối bình luận về lệnh hành pháp nhằm rút khỏi NAFTA, được tờ Politico đưa tin ban đầu.
“Tổng thống đã trình bày các vấn đề về NAFTA như một ưu tiên trong chiến dịch tranh cử, và khi ông đưa ra quyết định sẽ thực hiện như thế nào thì chúng tôi sẽ thông báo đến mọi người,” Spicer nói.
AP nhận xét chính quyền Trump dường như có bất đồng hôm 26/4 về cách thức và thời điểm tiến hành vụ NAFTA, trong bối cảnh họ cần cân bằng giữa sự thận trọng với nỗ lực đạt được thành tích cho mốc 100 ngày nắm quyền của Tổng thống.
Trump có thể sẽ rút khỏi NAFTA, nhưng ông sẽ phải thông báo trước 6 tháng. Và hiện tại vẫn chưa rõ hành động tiếp theo của Mỹ là gì.
Bộ luật do Quốc hội Mỹ thông qua để ban hành thỏa thuận thương mại sẽ được giữ nguyên, buộc Trump phải vào cuộc tranh cãi với nhánh lập pháp Mỹ, và dấy lên câu hỏi về thẩm quyền của Tổng thống trong việc nâng thuế đối với hàng hóa nhập từ Mexico, Canada.