Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc đua không cân sức giữa hải quân Mỹ - Trung

Cuộc đua không cân sức giữa hải quân Mỹ – Trung

So với hải quân Mỹ, quy mô và phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc còn quá nhỏ. Nói cách khác, quy mô hạm đội tàu chiến của Mỹ còn lớn hơn cả 13 hạm đội hùng mạnh nhất trên thế giới cộng lại.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông hồi đầu năm nay.

Cách đây 67 năm, khi cựu đô đốc Hải quân Trung Quốc Xiao Jin’guang muốn đi thị sát hoạt động của một căn cứ tàu chiến, ông này chỉ có cách duy nhất là đi bằng tàu đánh cá ra đảo. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực của Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc như sở hữu số lượng tàu chiến lớn nhất châu Á và tự sản xuất tàu sân bay đầu tiên. 

Dưới đây là thông tin so sánh về quy mô hoạt động của hải quân Mỹ và Trung Quốc do tờ Thời báo Hoàn Cầu tổng hợp:

Trung Quốc:

Hải quân Trung Quốc được thành lập vào ngày 23/4/1949 ở thành phố Thai Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Vào thời điểm đó, hải quân Trung Quốc chỉ nắm trong tay 9 tàu chiến và 17 chiếc thuyền. Nói cách khác, trong thời kỳ ban đầu, hạm đội của hải quân Trung Quốc chủ yếu chỉ có tàu gỗ và thuyền buồm. 

Còn trong lễ kỷ niệm lần thứ 68 ngày thành lập hải quân Trung Quốc năm nay, hải quân nước này đã nắm trong tay 3 hạm đội với sự xuất hiện của tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, hàng chục liên đội tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu cung ứng.

Hải quân Trung Quốc còn có hàng trăm tàu chiến có quy mô lớn hơn tàu hộ vệ. Kích cỡ của những tàu chiến này cũng lớn gấp 5 – 6 lần so với những tàu chiến nằm trong biên chế của hải quân Trung Quốc trong thập niên 80. Ngoài ra, số lượng và kích cỡ các tàu ngầm hiện tại của hải quân Trung Quốc cũng lớn gấp hàng chục lần so với thời kỳ ban đầu lực lượng này mới thành lập.

Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2016 của Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh, Trung Quốc đang sở hữu số lượng tàu thuyền lớn nhất ở châu Á.

Hiện tại, Trung Quốc đang sử dụng chiếc tàu sân bay duy nhất mang tên Liêu Ninh ký hiệu Type 001, vốn được nước này mua lại và tân trang từ tàu của Ukraine. Chiếc tàu sân bay thứ hai và cũng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã chính thức được hạ thủy hôm 26/3. Chiếc tàu này đến nay vẫn chưa có tên chính thức và mới chỉ được đặt theo số hiệu Type 001A.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này do chính các kỹ sư Trung Quốc thiết kế và đã được đóng ở thành phố cảng Đại Liên. Tuy nhiên, chiếc tàu này sẽ chỉ đi vào hoạt động sau năm 2020.

Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc sẽ cho hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 68 ngày thành lập lực lượng hải quân hôm 23/4. Tuy nhiên, do điều kiện thủy triều chưa thích hợp, Trung Quốc đã hoãn kế hoạch hạ thủy chiếc tàu này. 

Chiếc tàu sân bay thứ ba cũng đang được Trung Quốc cho đóng ở thành phố Thượng Hải. Theo thiết kế, chiếc tàu mang ký hiệu Type 002 này sẽ hiện đại hơn cả tàu Liêu Ninh và tàu Type 001A.

Chuẩn đô đốc Yin Zhuo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu thiết bị hải quân Trung Quốc cho hay: “Nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích trên biển, Trung Quốc cần có hai nhóm tác chiến tàu sân bay hoạt động ở Tây Thái Bình Dương và hai nhóm ở Ấn Độ Dương. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cần ít nhất từ 5 – 6 tàu sân bay”.

Còn theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có 5 tàu ngầm hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn công chạy diesel và 4 tàu ngầm trang bị các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 có tầm bắn 7.200 km. Với số lượng tàu chiến hùng hậu như trên, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng phòng thủ hạt nhân trên biển. Trong khi đó, chiếc tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc là Type 096 cũng sẽ sớm hoàn thành và đi vào sử dụng trong vòng 10 năm.

Hải quân Trung Quốc cũng đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình sản xuất các loại tàu chiến mặt nước như tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường và tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường. Hiện nay, hải quân Trung Quốc đang sở hữu 13 tàu khu trục Type 052D. Đây là thế hệ tàu khu trục tên lửa dẫn đường hiện đại nhất của Trung Quốc trong đó, chiếc tàu mới nhất được hạ thủy hồi tháng Một năm nay là Xining. Còn tàu khu trục Type 055 thế hệ mới hiện đang trong quá trình sản xuất, được cho sẽ trở thành một trong những thành phần chính trong nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục sản xuất các tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 054A và tăng lên con số 27 tàu. Trong đó, chiếc tàu mới nhất mang tên Liupanshui được hạ thủy hồi đầu tháng Một.

Theo Lầu Năm Góc, các tàu hộ vệ và tàu khu trục thế hệ mới của Trung Quốc sẽ giúp nâng cao khả năng phòng không của hải quân nước này. Nói cách khác, đây chính là lực lượng quan trọng giúp hải quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở các vùng biển xa, vượt ra cả bên ngoài tầm bảo vệ của các hệ thống phòng không trên bờ. 

Ngay cả trong sách trắng quân sự mới nhất mang tên “Chiến lược quân sự Trung Quốc” được Văn phòng thông tin Hội đồng quốc gia Trung Quốc công bố hồi năm 2015 đã nhấn mạnh rằng, quân đội Trung Quốc cần đảm nhận thêm một nhiệm vụ mới là bảo vệ các lợi ích trên biển. Trong đó, lực lượng hải quân đảm nhận vai trò chính.

Trong những năm gần đây, ngoài hoạt động bảo vệ chủ quyền biển quốc gia, hải quân Trung Quốc còn tham gia các sứ mệnh quốc tế như chống hải tặc cùng Liên Hợp Quốc ở vịnh Aden hay sơ tán công dân về nước khỏi các vùng chiến sự như ở Libya và Yemen.

Theo Chuẩn đô đốc Xu Guangyu, cố vấn cấp cao tại Hiệp hội Giải trừ và Kiểm soát vũ khí Trung Quốc, “Nhằm đảm bảo các sứ mệnh ở nước ngoài được thực hiện một cách hiệu quả hơn, quân đội Trung Quốc cần xây dựng thêm các căn cứ hậu cần ở nước ngoài thông qua việc hợp tác với các nước bản địa”.

Tuy nhiên, hồi tháng 9/2015, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tuyên bố khẳng định cắt giảm 300.000 quân nhân cho tới cuối năm 2017. Hành động của ông Tập được cho là nhằm giảm bớt số lượng quân nhân không tham gia chiến đấu và tái cân bằng các lực lượng quân sự mà trong đó chú trọng tới lực lượng không quân và hải quân.  

Theo đó, 255.000 quân nhân thuộc lực lượng hải quân Trung Quốc đang phân bổ hoạt động theo 3 hạm đội là Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Mỗi hạm đội đều có bộ chỉ huy riêng, các căn cứ cung ứng, đội tàu chiến, bộ tư lệnh chiến tranh trên biển. Thậm chí, trong giai đoạn khủng hoảng, các hạm đội tàu cá và tàu buôn cũng có thể được huy động hỗ trợ hải quân Trung Quốc.

Các căn cứ chính của hải quân Trung Quốc hiện thời được đặt tại quận Lữ Thuận Khẩu thuộc tỉnh Liêu Ninh, thành phố Hồ Lô Đảo của tỉnh Liêu Ninh, thành phố Thanh Đảo của  tỉnh Sơn Đông, thành phố Thượng Hải, thành phố Chu San thuộc tỉnh Chiết Giang, thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang, thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến, thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, thành phố Trạm Giang của tỉnh Quảng Đông và thành phố Ngọc Lâm của tỉnh Quảng Tây. 

Mỹ:

Theo trang web của hải quân Mỹ, lực lượng này có nhiệm vụ duy trì, đào tạo và trang bị năng lực sẵn sàng chiến đấu cũng như giành chiến thắng trong các cuộc giao tranh, ngăn chặn hành động khiêu khích cũng như duy trì hoạt động đi lại tự do trên biển.

Cho tới nay, hải quân Mỹ vẫn luôn đứng đầu thế giới về sức mạnh và năng lực khi sở hữu số lượng lớn tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm và nhiều loại tàu chiến khác cùng các đơn vị đặc nhiệm. Có thể nói, hải quân Mỹ là lực lượng tinh nhuệ nhất trong quân đội Mỹ.

Theo thông tin chính thức trên trang web của hải quân Mỹ, tính tới tháng Ba năm nay, hải quân Mỹ có gần 430.000 quân nhân với 322.809 người trong biên chế và 108.789 người sẵn sàng nhập ngũ.

Sức mạnh lớn nhất của hải quân Mỹ phải kể tới các tàu sân bay. Trong đó, các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ hiện đang được triển khai hoạt động trên khắp thế giới với khả năng phản ứng nhanh trước các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu cũng như tham gia các cuộc tập trận chung với những nước đồng minh. Hiện Mỹ đang có 10 tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn có 1 tàu sân bay lớp Enterprise đang hoạt động và thêm 3 tàu sân bay lớp Gerald R. Ford đang trong quá trình sản xuất.

Đặc biệt, nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson lớp Nimitz dẫn đầu, đang trên hành trình di chuyển tới gần bán đảo Triều Tiên. Hành động điều động nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ không chỉ là nhằm phô trương sức mạnh mà còn là lời cảnh báo gửi tới Triều Tiên về việc quân đội Mỹ có thể tấn công bất cứ lúc nào nếu Bình Nhưỡng có thêm hành động khiêu khích. 

Ngoài lực lượng tàu sân bay, hải quân Mỹ hiện đang biên chế 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga, 62 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 30 tàu đổ bộ và 18 tàu chiến tấn công ven biển.

Bên cạnh đó, tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều sử dụng năng lượng hạt nhân bao gồm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio với 18 tàu trong biên chế, 36 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, 3 tàu ngầm tấn công lớp Seawolf và 13 tàu ngầm tấn công lớp Virginia. 

Nói cách khác, hải quân Mỹ đang nắm trong tay hơn một nửa tàu chiến cỡ lớn trên thế giới. Do đó, trong khi hải quân các nước trên thế giới chỉ giới hạn hoạt động tuần tra trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia thì hải quân Mỹ lại đi khắp thế giới.

Tính tổng thể, hải quân Mỹ đang có 275 tàu chiến trong biên chế cùng hơn 3.700 chiếc máy bay. Quy mô hạm đội tàu chiến của Mỹ còn lớn hơn cả 13 hạm đội hùng mạnh nhất trên thế giới cộng lại. 

RELATED ARTICLES

Tin mới