Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao dưới thời Trump, chưa có tàu chiến nào của Mỹ...

Vì sao dưới thời Trump, chưa có tàu chiến nào của Mỹ tuần tra ở Biển Đông?

Với hy vọng Bắc Kinh giúp đỡ đối phó với Triều Tiên, chính quyền Mỹ đã né tránh đưa ra quyết định điều tàu chiến hải quân tuần tra gần các hoàn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen từng tham gia nhiệm vụ tuần tra gần bãi đá Subi ở Biển Đông.

Theo tờ New York Times, cách đây hơn một tháng, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump cấp phép cho một tàu chiến hải quân tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough. Đây vốn là bãi đá ngầm đang xảy ra tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Hải quân Mỹ cho rằng đề nghị trên sẽ sớm được thông qua, nhưng thực tế lại không như vậy.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chính quyền của Tổng thống Barack Obama lúc bấy giờ quá yếu kém trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc không ngừng có hành động quân sự hóa, bồi đắp, xây đường băng và đưa các thiết quân sự lên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng Một, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nhấn mạnh việc cấp thiết ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tuyên bố của ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ khiến giới chuyên gia quốc tế cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ quay trở lại thi hành chính sách tăng cường tuần tra hải quân trong vùng biển Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. 

Trên thực tế, ngoài đề xuất của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, hai đề xuất khác của hải quân Mỹ vào tháng Hai cũng đã bị giới chức Lầu Năm Góc từ chối trước khi đệ trình lên Tổng thống Trump. Nói cách khác, theo giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ, sau hơn 100 ngày ông Trump chính thức nhậm chức, chưa có một tàu chiến nào của hải quân Mỹ xuất hiện trong khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương chiếm đóng ở Biển Đông.

Quyết định không tiến hành tuần tra ở Biển Đông cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump muốn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ nhiều hơn để giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi trong giai đoạn tranh cử, ông Trump nhiều lần gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ và gian lận thương mại. 

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng sau khi ông Trump chính thức nhậm chức, hành động phóng thử 9 quả tên lửa cùng kế hoạch cho thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên đã khiến chính quyền Mỹ phải thay đổi quan điểm. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Trump đang dần xích lại gần Bắc Kinh với hy vọng mở rộng hoạt động kiềm chế Bình Nhưỡng.

Sau mỗi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, ông Trump lại đặt thêm gánh nặng lên vai nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Cụ thể, hồi tuần trước, chia sẻ trên Twitter, ông Trump viết: “Vụ phóng thử tên lửa thất bại ngày hôm nay của Triều Tiên đã khiến Trung Quốc và ông Tập Cận Bình cảm thấy thất vọng. Đây là hành động tồi”.   

Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống Obama từng nhiều lần vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa về việc Mỹ cho dừng hoạt động tuần tra ở Biển Đông dưới danh nghĩa “đảm bảo quyền tự do hàng hải” trong vòng hơn hai năm. Quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Obama là nhằm tránh làm gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc. Và nay, đây dường như là điều mà chính quyền của ông Trump cũng đang làm.

Hồi tháng 10/2015, chính quyền của ông Obama đã điều động tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tới tuần tra gần khu vực bãi đá Subi, một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Vào thời điểm đó, ông Obama đã yêu cầu giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ tránh những tuyên bố công khai về hoạt động tuần tra ở Biển Đông nhằm giảm thiểu căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc.

Còn trong bài phỏng vấn hồi tháng 3/2016 với tờ New York Times, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh cho xây một “pháo đài quân sự” ở Biển Đông. Thậm chí, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định chiến dịch xây đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành giống như việc “Nga sáp nhập bán đảo Crimea”. 

Theo ông Robert Daly, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson, cho tới nay, tuyên bố của ông Tillerson về việc ngăn Bắc Kinh tới gần các đảo nhân tạo chưa được thực hiện thì Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành quân sự hóa, xây thêm các nhà chứa máy bay cũng như đưa thiết bị quân sự ra đảo nhân tạo. Về phần mình, giới chức Trung Quốc vẫn phủ nhận hành động xây đảo nhân tạo và đưa thiết bị ra Biển Đông là nhằm quân sự hóa vùng biển chiến lược này.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện chưa có động thái chuẩn bị cho cải tạo bãi cạn Scarborough. Còn giới chức Mỹ được cho đã đặt ra “giới hạn đỏ” cho Trung Quốc. Theo họ, hành động cải tạo bãi cạn Scarborough của Trung Quốc sẽ được xem như động thái khiêu chiến. 

Theo giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ, việc chính quyền của Tổng thống Trump chưa đồng ý cho hải quân nước này tiến hành tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough là do Bộ trưởng James Mattis muốn nghiên cứu sâu hơn về tác động của hoạt động tuần tra với chính sách an ninh quốc gia. Ngoài ra, Washington cũng hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế Triều Tiên để đổi lại, Mỹ cân nhắc thời điểm thích hợp tiến hành tuần tra ở Biển Đông.

Chuyên gia an ninh Andrew L. Oros nhận định với Mỹ, việc quan trọng nhất hiện nay là đối phó với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chứ không phải là tạo ra một cuộc chiến với Trung Quốc liên quan tới hoạt động tuần tra ở Biển Đông của hải quân Mỹ. 

RELATED ARTICLES

Tin mới