EU cần phải mở một chương mới trong việc gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ nếu không Ankara “không có gì để đàm phán và sẽ nói lời tạm biệt”.
Phát biểu tại một buổi lễ đánh dấu việc ông được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền ngày 2/5, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải tự hỏi họ sẽ làm gì bây giờ.
Tôi cho rằng, từ bây giờ họ không có lựa chọn nào khác ngoài mở ra một chương mới trong tiến trình giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối. Nếu họ không họ làm vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải nói lời từ biệt với Liên minh châu Âu”.
Trả lời một cuộc phỏng vấn phỏng vấn đài truyền hình India TV trước đó, Tổng thống Erdogan cáo buộc EU đang bắt Thổ Nhĩ Kỳ phải chờ đợi quá lâu và đưa ra quá nhiều điều kiện để được gia nhập khối.
Ông Erdogan đồng thời cảnh báo, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ đưa ra lựa chọn” bằng cách tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân theo kiểu Brexit (Anh rời EU) về việc có nên tiếp tục theo đuổi nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu hay không.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini trước đó nhấn mạnh rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn trở thành một thành viên mái nhà chung châu Âu thì nước này cần phải nắm rõ những tiêu chuẩn gia nhập khối, cũng như cần thể hiện rõ thiện chí khi tham gia các cuộc đàm phán.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán về việc gia nhập EU từ năm 2005, song đến nay tiến trình dường như giậm chân tại chỗ. Thêm vào đó, chiến dịch vận động cử tri ủng hộ sửa đổi Hiến pháp thời gian qua ở Thổ Nhĩ Kỳ lại càng dẫn tới những bất đồng sâu sắc giữa chính quyền Ankara và Chính phủ nhiều nước châu Âu.
Tổng thống Erdogan và nhiều quan chức hàng đầu từng nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận đã ký với EU về hạn chế dòng người di cư vào châu Âu cho rằng, EU có vẻ như không muốn tiếp nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào khối