Ông Emmanuel Macron vừa tạo ra một cơn địa chấn trên chính trường Pháp.
Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron.
Cách đây một năm, ông là một thành viên chính phủ của một trong những tổng thống ít được yêu mến nhất trong lịch sử Pháp. Giờ đây, ở tuổi 39, ông giành chiến thắng bầu cử, hạ gục đối thủ nổi tiếng Marine Le Pen.
BBC nêu ra 5 lý do:
May mắn
Chắc chắn, Macron đã giành chiến thắng một phần nhờ may mắn.
Bê bối đã hạ gục gương mặt sáng giá nhất ở vòng đầu, ứng viên trung hữu François Fillon; còn ứng viên Xã hội Benoît Hamon thì hứng tổn thất khi không được các cử tri truyền thống ủng hộ.
“Ông ấy may mắn, bởi ông ấy đã đối diện với một tình huống hoàn toàn bất ngờ” – BBC dẫn lời Marc-Olivier Padis thuộc tổ chức cố vấn Terra Nova ở Paris.
Khôn ngoan
Nhưng may mắn không phải là toàn bộ câu chuyện.
Macron có thể đã theo đuổi tấm vé của phe Xã hội, nhưng ông đã nhận ra rằng, sau nhiều năm cầm quyền và có tỷ lệ tín nhiệm thất thường, tiếng nói của đảng này sẽ khó mà được lắng nghe.
“Ông ấy có thể đã thấy trước một cơ hội mà không ai thấy được”, nhà phân tích Padis lý giải thêm.
Và Macron đã tìm hiểu nhiều phong trào chính trị nở rộ ở các nơi khác thuộc châu Âu – Podemos ở Tây Ban Nha, Phong trào 5-Sao ở Italy – và thấy không có một sức mạnh chính trị nào tương tự ở Pháp có thể làm thay đổi tình thế.
Tháng 4/2016, ông thành lập phong trào En March (Tiến bước), và chỉ 4 tháng sau ông rút khỏi chính phủ của Tổng thống Francois Hollande.
Thử điều mới mẻ
Sau khi thành lập Tiến bước, Macron lấy ý tưởng từ chiến dịch tranh cử năm 2008 của Barack Obama – theo nhà báo tự do Emily Schultheis ở Paris.
Nhiệm vụ chính đầu tiên của ông là cuộc Tuần hành Lớn (Grande Marche) khi huy động mọi tầng bậc các nhà hoạt động Tiến bước còn thiếu kinh nghiệm nhưng tràn đầy năng lượng.
“Chiến dịch sử dụng các thuật toán từ một hãng chính trị mà họ hợp tác – những người từng tự nguyện vì chiến dịch tranh cử của Obama năm 2008 – để xác định các quận và khu vực dân cư nào đại diện nhất cho nước Pháp nói chung”, nữ nhà báo Schultheis bình luận.
Họ cử người đi gõ cửa tổng cộng 300.000 căn nhà”.
Những người tự nguyện không chỉ phát tờ rơi mà còn thực hiện 25.000 cuộc phỏng vấn chi tiết với các cử tri trên khắp cả nước. Thông tin này được nhập vào cơ sở dữ liệu, giúp hình thành các ưu tiên và chính sách tranh cử.
“Đó là một nhóm trọng điểm lớn với Macron, tính toán ‘nhiệt độ’ của đất nước, đồng thời đảm bảo mọi người đều tiếp xúc với phong trào của ông ngay từ đầu, giúp những người tình nguyện biết cách gõ cửa từng nhà. Đó là một bài tập huấn luyện đặt ra nền tảng cho những gì ông làm được trong năm nay” – Schultheis diễn giải.
Thông điệp tích cực
Con người chính trị của Macron dường như đầy mâu thuẫn.
“Người mới đến” vốn ủng hộ Tổng thống Hollande sau đó trở thành Bộ trưởng Kinh tế; một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư vận hành một phong trào cơ sở; một người trung dung với một chương trình cấp tiến cắt giảm lĩnh vực công.
Đó là “viên đạn” hoàn hảo để Macron hạ gục đối thủ Marine Le Pen, người công kích ông là ứng viên của giới tinh hoa chứ chẳng phải non trẻ như ông tự nhận.
Macron đã tránh né mọi ý đồ nêu danh ông là một Francois Hollande khác, tạo ra một chân dung nổi bật thu hút những người đang khát khao điều gì đó mới mẻ.
“Có một thái độ bi quan phổ biến ở Pháp – có thể nói là quá bi quan – và ông ấy đã xuất hiện với một thông điệp rất lạc quan, tích cực”, BBC dẫn lời chuyên gia Padis.
“Ông ấy trẻ, tràn đầy năng lượng, và ông không cần giải thích mình sẽ làm gì cho nước Pháp, mà nói về cách thức mọi người sẽ giành lấy cơ hội. Ông ấy là người duy nhất có thông điệp kiểu này”.
Chống lại Marine Le Pen
Trái với tông điệu lạc quan của Macron, thông điệp mà nữ ứng viên Marine Le Pen đưa ra rất bi quan – chống nhập cư, chống châu Âu, chống hệ thống.
Emily Schultheis mô tả, các cuộc mít-tinh tranh cử của Macron thường rực rỡ và sôi động trong nền nhạc pop còn các sự kiện của Le Pen thường bao gồm cả những người biểu tình ném chai lọ, sự hiện diện dày đặc của cảnh sát và cơn phẫn nộ thường trực.
Cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 3/5 là một sự kiện đầy giận dữ, với hàng loạt lời xúc phạm mà hai bên dành cho nhau.
Nhiều người Pháp lo ngại trước viễn cảnh một vị Tổng thống cực hữu tiềm tàng gây bất ổn và chia rẽ nếu Le Pen lên cầm quyền. Do vậy, dẫu bà đã vận hành một chiến dịch tranh cử hiệu quả cao, nhưng lại nhận về tỷ lệ ủng hộ sụt giảm dần.
Nữ ứng viên cựu hữu dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến năm 2016 nhưng chỉ trong 2 tuần vừa qua, bà đã phải nhường bước cho Emmanuel Macron.