Lần đầu tiên trong quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, một Tổng thống Mỹ ngay trong năm đầu tại nhiệm sẽ đặt chân lên dải đất hình chữ S. Điều đặc biệt nữa là ông và nhiều vị nguyên thủ khác sẽ tới thành phố biển miền Trung, nơi có quần đảo đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) nằm không xa các điểm nóng trên Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm hôm 14/12/2016
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thăm Việt Nam, Philipinnes và sẽ tham dự cả ba Hội nghị Thượng đỉnh ở châu Á vào tháng 11 năm nay. Tin tốt lành này được đích thân Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố hôm 20/4 khi ông tới Trụ sở Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm.
Cùng ngày, tuyên bố này cũng được Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia, Trung tướng Herbert Raymond McMaster tái khẳng định tại thủ đô Washinton DC. Trong một buổi làm việc riêng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông H.R. McMaster đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump chính thức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ.
Việc Tổng Thống Donald Trump quyết định tham dự Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thượng đỉnh ASEAN và việc cử Phó Tổng Thống Mike Pence đi vòng quanh các nước Á châu là thêm chỉ dấu cho thấy Washington muốn làm yên lòng các đồng minh và đối tác trong khu vực. Các nước này lâu nay cảm thấy bất an vì những lời tuyên bố thất thường trước đây của ông Trump.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã được cả “bộ tam” ngoại giao – tài chính – cố vấn an ninh quốc gia lần lượt gặp gỡ và cam kết làm việc nhiều hơn nữa về các chủ đề quan trọng đối với cả hai nước. Điều này cho thấy, quan hệ Việt – Mỹ có thể đang đứng trước những bước tiến mới. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC thành công.
Hoa Kỳ coi các cuộc bàn thảo này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn đọng, liên quan đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại số, dịch vụ tài chính, hải quan, hàng công nghiệp, minh bạch – quản trị tốt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Phía Việt Nam đã thông báo với Hoa Kỳ kế hoạch thực hiện cải cách lao động, nhất trí tiếp tục đối thoại về những vấn đề nêu trên và khởi động các nhóm công tác để giải quyết các vấn đề song phương khác.
Cách đây 20 năm, chưa có đến 1.000 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học. Ngày nay đã có tới gần 19.000 sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ. Ông John Kerry, người đi đầu trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, đã nói trong một cuộc hội thảo ở Texas (Mỹ) ngày 22/4 năm ngoái: “Không ai có thể tưởng tượng nổi Hoa Kỳ và Việt Nam lại bắt tay cùng mười quốc gia khác để đạt được những cơ hội giao thương vô giá”.
James Burnham, chuyên gia phân tích từ Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) từng coi chiến tranh Việt Nam là một phần của cuộc tranh hùng để giành quyền kiểm soát Đông Nam Á và chiếm thế thượng phong tại Tây Thái Bình Dương. Trong một bài viết ngày 20/11/1964, ông nhận xét: “Cuộc chiến tại Việt Nam không phải là vấn đề địa phương, vấn đề cục bộ. Đó là một trận chiến quan trọng trong cuộc tranh giành châu Á, Tây Thái Bình Dương và BiểnĐông”.
Hơn nửa thế kỷ sau, Biển Đông lại dậy sóng. Nhưng lần này, tình thế đã thay đổi hẳn. Trung Quốc từ chỗ “chống lưng” cho Việt Nam (trong kháng chiến) cũng là để mượn đường xuống Đông Nam Á, nay vẫn kiên định mục tiêu bá quyền, nhưng đã bước lên vũ đài trong một tư thế mới. Với “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc quyết vượt đại dương để “ăn thua” với Hoa Kỳ. Điều không may là Việt Nam luôn nằm trên con đường hành tiến của người Trung Quốc. Nói bang giao Việt – Mỹ là quan trọng, nhưng nó luôn quan trọng vì hàng loạt nhân tố thứ ba là nhìn nhận từ cái lăng kính địa – chính trị khắc nghiệt ấy.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ cùng các “bên thứ ba” như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc châu và Âu châu là lẽ bình thường. Bởi chỉ có như vậy mới có thể đẩy mạnh hợp tác phát triển, đồng thời tăng thêm khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Việc chính quyền của Tổng thống Trump đang trong giai đoạn định hình chính sách mà đã có các cam kết rất sớm đối với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung trong những ngày tháng 4 vừa qua là điều có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự điều chỉnh mang tính chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trump so với các tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử.
Một yếu tố bất định khác, đó là những diễn biến trên chính trường quốc tế thời gian gần đây vẫn chưa cho phép Hà Nội nhận dạng được một cách rõ ràng các mối tương quan giữa các nước lớn hiện nay. Trước đây nhiều người cho rằng Trump sẽ hòa hoãn với Putin để nắn gân Tập Cận Bình, gây sức ép mạnh với Trung Quốc. Nhưng chỉ sau hai ngày tại Mar-a-Lago với cảnh cháu ngoại Trump hát dân ca bằng tiếng Quan Thoại cho Tập Chủ tịch và Bành phu nhân thưởng thức thì không ai biết chắc được các “mối tình tay ba” ấy sắp tới sẽ diễn ra theo chiều hướng nào.
Lại nữa, “tuần trăng mật” giữa Philippines và Trung Quốc kết thúc sớm hơn dự kiến càng cho những bài học đắt giá. Vì vậy, Việt Nam phải nỗ lực để có thể xây dựng một chính sách đối ngoại mới phù hợp hơn, nhất quán hơn trong việc tranh thủ tối đa những vận hội mới để đẩy nhanh quá trình hội nhập, tăng năng lực phát triển đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Trong lần điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, ông Trump quan tâm đến các mối bang giao Trung – Việt. Điều này có thể cho Việt Nam cơ hội, nhưng cũng có thể tác động ngược lại, tùy thuộc tính tự cường của Việt Nam cao hay thấp, dài hay ngắn. Trong thư gửi Chủ tịch Việt NamTrần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump bày tỏ ý muốn thúc đẩy hơn nữa bang giao Mỹ – Việt, hy vọng về các mối quan hệ song phương ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khi ông Trump thông báo cho Tập Cận Bình ngay trên bàn tiệc về việc Mỹ tấn công Syria là một mũi tên nhằm bắn nhiều đích. Hành động này củ nhà tỷ phú Mỹ có thể đã bao hàm cả những lời cảnh báo…
Chiến tranh đã lùi xa mà tại sao bạo lực vẫn chưa chấm dứt, xung đột giữa cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích với người dân xảy ra khá phổ biến và có nguy cơ ngày càng lan rộng. Việc cần phải làm ngay là phải tháo gấp ngòi nổ từ các “quả bom dân sự” ấy từ trong nước. Bất cứ một hình ảnh gây sốc nào trong thời buổi hiện nay đều rất dễ sinh ra phản ứng dây chuyền, gây những tác động rất tiêu cực, làm cho quốc tế có thể quay lưng với Việt Nam.
Lịch sử sẽ còn nhắc chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam trước khi kết thúc 8 năm điều hành nước Mỹ. Nhắc lại không chỉ vì ông là vị Tổng thống đầu tiên sinh ra trong hòa bình, cái chính là do những lời tạm biệt “gan ruột” của ông ấy. Trước khi chia tay, Obama muốn trao cho Việt Nam một hẹn ước. Nhưng nếu con tàu Việt – Mỹ lại trật đường ray một lần nữa, thì thật cám cảnh cho lời tiên tri từ chính người trong cuộc.
“What can I do?” (Ta có thể làm gì đây?). Làm gì ư? Cả Việt Nam và Hoa Kỳ hãy gác lại tất cả để tiếp tục cuộc hành trình. Hãy giành lại tình yêu đã mất, dù đã phải trả giá quá nhiều!