Mặc dù Bình Nhưỡng đã tức giận sau khi một loạt các bài báo của các hãng truyền thông Trung Quốc gọi vũ khí hạt nhân Triều Tiên là hiểm họa lớn đối với an ninh Trung Quốc, song căng thẳng giữa hai bên sẽ không kéo dài.
Tên lửa phóng từ tàu ngầm Polaris của Triều Tiên trong cuộc diễu binh
kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15/04/2017.
Theo hãng tin Sputnik, hãng tin KCNA của Triều Tiên cảnh báo rằng Bắc Kinh “không nên thử thách giới hạn của lòng kiên nhân của Triều Tiên” bằng cách cùng Mỹ gây sức ép buộc nước này từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Phát biểu này được đưa ra sau một loạt các bài báo bình luận do các hãng truyền thông đăng tải có nội dung chỉ trích chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi ngừng cung cấp dầu cho Triều Tiên nếu họ còn tiếp tục thử loại vũ khí này. Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên thay cho lời cảnh báo.
Tuy nhiên một số chuyên gia chính trị cho biết, trái với mong đợi của nhiều người, đặc biệt là Mỹ, căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ không lâu dài và sẽ không khiến quan hệ hai quốc gia trở nên phức tạp.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng tranh cãi giữa hai nước này sẽ không tồn tại lâu. Đây rất có thể là một động thái chiến lược của Bắc Kinh nhằm cho thấy rằng họ coi trọng vấn đề căng thẳng bán đảo Triều Tiên và muốn gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng. Tôi không tin giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ xảy ra hiềm khích nào”, ông Alexander Volontsov, một chuyên gia người Nga cho biết.
Theo một số nguồn tin trong giới kinh doanh và chính phủ, một trong những minh chứng cho thấy mối quan hệ bền vững giữa Triều Tiên và Trung Quốc đó là trong vòng một thập kỷ qua, một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã liên doanh với một công ty của Triều Tiên bị trừng phạt do có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Được biết, Tập đoàn Limac của Trung Quốc và Tập đoàn Ryonbong của Triều Tiên, tổ chức đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen vào năm 2004, đã cùng nhau lập nên một liên doanh để khai thác các chất tantalum, niobium và zirconium. Đây là những loại khoáng sản có thể sử dụng để chế tạo lò phản ứng hạt nhân và tên lửa.
Cũng trong một báo cáo được công bố tháng 2/2017, các chuyên gia Liên Hợp Quốc khẳng định Triều Tiên đang nhập khẩu các linh kiện cho tên lửa và máy bay cỡ nhỏ từ Trung Quốc.
Trong một cuộc phóng vấn với Sputnik, ông Konstantin Asmolov, một nhà nghiên cứu người Nga cho biết Trung Quốc đang muốn tránh bất kỳ khả năng xảy ra căng thẳng với Triều Tiên, song họ không muốn Triều Tiên thay đổi chính phủ.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc phóng thử tên lửa và thử nghiệm hạt nhân, khiến cộng đồng quốc tế lên án gay gắt và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng nổ. Mỹ cho biết họ sẽ gây sức ép kinh tế lên Bình Nhưỡng và đang xem xét sử dụng biện pháp quân sự trong tương lai.