Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ không dễ hiện thực hóa tham vọng bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên bởi Bình Nhưỡng trước nay vẫn khẳng định, phát triển tên lửa và hạt nhân là chìa khóa đảm bảo an ninh quốc gia.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ngay trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon đã nhấn mạnh quyết tâm khôi phục quan hệ với Triều Tiên cũng như tìm kiếm các giải pháp ngoại giao như tổ chức đối thoại để thuyết phục Bình Nhưỡng ngừng theo đuổi chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
“Ông Moon sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên. Tôi tin một khi ông Moon thi hành chính sách ngoại giao mới với Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ đưa chương trình hạt nhân về mức khởi đầu”, Yonhap dẫn lời ông Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk.
Mối quan hệ Hàn – Triều liên tiếp rơi vào sóng gió trong 9 năm qua dưới thời lãnh đạo của hai chính quyền bảo thủ tiền nhiệm của ông Moon, trong đó cựu Tổng thống Park Geun-hye – người bị phế truất hồi tháng Ba trước cáo buộc tham nhũng.
Trong khi đó, hai cựu Tổng thống đảng Dân chủ tự do của Hàn Quốc là ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng theo đuổi chính sách hòa hợp với Triều Tiên mang tên “Ánh sáng mặt trời” trong giai đoạn 1998 – 2008 thông qua các dự án chung giữa hai nước. Và tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đang có ý định tái thực thi chính sách này để hàn gắn quan hệ với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện giờ đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun nắm quyền. Cụ thể, chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã có những bước tiến vượt bậc. Điều này sẽ buộc ông Moon phải có những sáng kiến mới trong quá trình tái thực hiện chính sách “Ánh sáng mặt trời” với Triều Tiên trong thời gian tới.
Chỉ trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Còn trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố quốc gia này đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
“Trước hết, chính quyền mới của ông Moon cần đặt điều kiện với Triều Tiên rằng nếu Bình Nhưỡng từ bỏ thực hiện thêm các vụ thử hạt nhân và phóng ICBM, quan hệ Hàn – Triều mới có thể được cải thiện. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng cần tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh”, ông Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong nhận định.
Theo giới chuyên gia, ngoài việc đàm phán với Triều Tiên, ông Moon cũng cần thuyết phục Mỹ tin rằng chính sách làm lành với Bình Nhưỡng vẫn giữ nguyên hiệu lực của các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt với Triều Tiên.
Chiến thắng của ông Moon trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc dường như bị gạt sang một bên trong khi Mỹ và Trung Quốc trở thành hai quốc gia đi đầu trong việc đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ nhấn mạnh mục tiêu của quốc gia này là gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa thông qua gia tăng lệnh trừng phạt nhưng vẫn để mở cánh cử tổ chức đối thoại với Bình Nhưỡng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần đặt gánh nặng lên vai Trung Quốc trong việc tìm cách kiềm chế Triều Tiên.
“Ông Moon nên cử một phái đoàn đặc biệt tới Mỹ sớm nhất có thể để bày tỏ quan điểm của chính quyền mới ở Hàn Quốc với Mỹ. Nếu Triều Tiên cam kết từ bỏ phóng thử ICBM, Mỹ chắc chắc sẽ hiểu cho động thái tổ chức đối thoại liên Triều của Seoul”, Yonhap dẫn lời ông Cheong.
Để tạo thêm không khí hòa giải, một số chuyên gia cho rằng chính quyền mới của ông Moon nên sớm khôi phục các dự án chung với Triều Tiên như khu công nghiệp chung Kaesong và các chuyến du lịch tới núi Kumgang ở khu vực bờ biển phía đông Triều Tiên.
Hồi tháng 2/2016, Hàn Quốc đã cho đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong. Đây là hành động đáp trả Triều Tiên cho tiến hành thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã cho dừng hoạt động các chuyến du lịch tới núi Kumgang hồi tháng 7/2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị binh lính Triều Tiên sát hại.
Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc mở cửa trở lại khu công nghiệp chung Kaesong, biểu tượng thống nhất của hai miền Triều Tiên, hành động này có thể vi phạm các quy định trừng phạt mà LHQ áp đặt với Bình Nhưỡng. Cụ thể, nguồn tiền mà Triều Tiên thu được từ hoạt động ở Kaesong bị nghi dùng để hỗ trợ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Đây sẽ là lý do khiến ông Moon cần phải cân nhắc thận trọng trước khi cho nối lại hoạt động của hai dự án trên.
Theo giới phân tích, chính quyền của tân Tổng thống Moon được cho sẽ sớm triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo và trao đổi liên Triều Tiên đối với các lĩnh vực không liên quan tới chính trị như hỗ trợ trẻ sơ sinh hay tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán sau cuộc chiến liên Triều (1950 – 1953).
Ngoài ra, nhiều khả năng chính quyền của ông Moon sẽ mời Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang diễn ra vào tháng 2/2018 và Hàn Quốc là nước chủ nhà đăng cai. Hành động của Hàn Quốc sẽ tạo thêm không khí hòa giải với Triều Tiên.
“Hàn Quốc nên đảm nhận vai trò dẫn dắt giải quyết căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cũng cần làm rõ với Mỹ và các nước láng giềng về chính sách đối ngoại với Triều Tiên đồng thời nối lại liên lạc với Bình Nhưỡng”, ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định.