Trung Quốc gần đây đã thể hiện một lập trường cứng rắn chưa từng có với đồng minh Triều Tiên. Cụ thể, báo chí Trung Quốc vừa mở đợt “công kích” ồ ạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Cùng với đó, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu tung ra những đòn trừng phạt mạnh tay nhằm vào Triều Tiên. Diễn biến này khiến người ta đặt ra câu hỏi, phải chăng Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với nước láng giềng thân thiết và quan trọng của họ. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, những gì Trung Quốc đang làm với Triều Tiên thực chất chỉ là “đòn gió”.
Trung Quốc không hài lòng với một Triều Tiên quyết liệt theo đuổi tham vọng về vũ khí hạt nhân
Quan hệ Trung-Triều đã xấu đến mức nào?
Báo chí Trung Quốc gần đây có một loạt bài viết trong đó nói rằng các lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đang trở thành mối đe dọa đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Không chỉ lên án gay gắt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên báo chí Trung Quốc còn không ngần ngại lên tiếng kêu gọi chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình tung ra những đòn trừng phạt mạnh tay với đồng minh như là cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ cho Bình Nhưỡng nếu nước này tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân.
Ngay lập tức, Triều Tiên đã có những phát biểu đáp trả nặng nề, thậm chí còn cáo buộc Bắc Kinh “phản bội” họ. Trong bài xã luận được đăng tải trên hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA số ra ngày 3/5, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Trung Quốc về việc “vượt qua lằn ranh đỏ” và về việc đồng ý tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Triều Tiên cảnh báo đồng minh về những hậu quả “nghiêm trọng” gây ra từ “một loạt phát biểu đầy bất cẩn” của Bắc Kinh.
“Một loạt những phát biểu bất cẩn và lố bịch mà chúng tôi nghe được từ Trung Quốc mỗi ngày chỉ làm cho tình hình tồi tệ hiện nay thêm căng thẳng”, bài báo trên tờ KCNA đã viết như vậy. “Trung Quốc không nên thử thách giới hạn chịu đựng của Triều Tiên. Trung Quốc tốt hơn hết là nên cân nhắc về hậu quả nghiêm trọng mà họ phải đối mặt với hành động bất cẩn khi kéo đổ trụ cột mối quan hệ Trung-Triều”, bài báo của Triều Tiên cảnh báo.
Trong một dấu hiệu rõ ràng thể hiện sự bất mãn với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Đây là đòn trừng phạt mạnh mẽ nhất và quyết liệt nhất mà Trung Quốc tung ra với nước láng giềng đồng minh.
Trung Quốc còn được cho là đã âm thầm gửi lời cảnh báo lạnh người đến Bình Nhưỡng. Theo đó, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc, đặc biệt là sẽ bị bóp nghẹt về kinh tế, nếu dám tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu.
Việc Bình Nhưỡng công khai chỉ trích thẳng thừng Bắc Kinh đã gây bất ngờ bởi Trung Quốc chiếm đến 90% giao dịch thương mại của Triều Tiên và gần như 100% nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Triều Tiên.
Trung Quốc có thực sự đối đầu với Triều Tiên?
Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của Mỹ, cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Triều Tiên xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và sẽ không làm phức tạp mối quan hệ giữa hai nước này, nhiều chuyên gia Nga đã đưa ra nhận định như vậy.
“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng, cuộc đối đầu đó sẽ không kéo dài. Nó có thể chỉ là một động thái mang tính chiến thuật của Bắc Kinh để thể hiện rằng họ đang xem xét tình hình một cách nghiêm túc và đang phát đi những thông điệp nhất định cho Bình Nhưỡng. Tôi không nghĩ mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên sẽ trở nên phức tạp”, ông Alexander Vorontsov – một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở thủ đô Moscow, cho biết.
Để chứng minh cho sự tồn tại của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Trung Quốc và Triều Tiên, tờ Thời báo Phố Wall đưa tin, dẫn các nguồn tin từ chính phủ và các công ty của Trung Quốc, một công ty của nhà nước Trung Quốc đã lập liên doanh với một công ty của Triều Tiên đang nằm trong danh sách bị trừng phạt vì liên quan đến chương trình hạt nhân. Theo tờ báo của Mỹ, Tập đoàn Limac của nhà nước Trung Quốc và Tập đoàn Ryonbong của Triều Tiên đã lập một công ty liên doanh năm 2008 để khai thác nhiều nguyên liệu có thể được sử dụng cho chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong một bản báo cáo được công bố hồi tháng Hai, giới chuyên gia của Liên Hợp Quốc khẳng định Triều Tiên đang nhận được các thiết bị tên lửa và máy bay nhỏ từ Trung Quốc.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, ông Konstantin Asmolov – một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga cho biết, dù Trung Quốc đang tìm cách để ngăn chặn các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên nhưng Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động nào gây ra sự thay đổi chính quyền ở Triều Tiên.
Bắc Kinh được tin sẽ tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc.
Trung Quốc cần có môi trường ổn định để phát triển đất nước. Đây là ưu tiên số 1 của giới lãnh đạo nước này. Một khi nền hoà bình mong manh ở Triều Tiên bị phá vỡ thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một loạt nguy cơ. Tình hình bất ổn ở Triều Tiên có thể gây ra làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Những lời nói gay gắt và hành động mạnh mẽ của Trung Quốc với đồng minh gần đây được cho chỉ là “đòn gió” nhằm che mắt Mỹ – nước đang gây sức ép mạnh mẽ với Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.