Nếu chỉ quan sát những phát ngôn của các chính khách này, sẽ rất khó nắm bắt những ý tưởng thâm sâu, tầm nhìn chiến lược của họ với khu vực và toàn cầu…
Thông tấn xã Đài Loan ngày 4/5 đưa tin, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cùng ngày đã tham dự buổi tọa đàm với sinh viên khoa Chính trị học Đại học Trung Chính về đề tài: “Chính trị khùng điên và cục diện Đông Bắc Á”.
Nhận lời mời của trường Đại học này, ông Cửu đã có bài nói chuyện xung quanh việc, thế nào là chính trị khùng điên, Đài Loan nên tư duy và hành động như thế nào đối với “chính trị khùng điên” ngay trên đảo này, cũng như cục diện khu vực Đông Bắc Á?
Bình luận của ông Mã Anh Cửu về Donald Trump, Rodrigo Duterte và Kim Jong-un
Ông Mã Anh Cửu luận giải:
Dư luận thường xem Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Mỹ Donald Trump như những “lãnh tụ khùng điên”, thực ra có rất nhiều điều khác biệt.
Vì những chính khách này đã có sự thay đổi rất lớn giữa trước và sau khi nhậm chức. Rất nhiều chính sách của họ đã “trở về quỹ đạo bình thường” khi họ lên nắm quyền. Họ biết quốc gia, xã hội mình cần cái gì.
Bởi thế phát ngôn của họ khi tranh cử không nhất thiết sẽ giống với thực tế.
Chính trị khùng điên trên toàn nước Mỹ cuối cùng cũng đã trở lại bình thường, khi Donald Trump gặp Tập Cận Bình, bắn 59 quả Tomahaw vào Syria và được dư luận đánh giá rất cao.
Tuy quan hệ Mỹ – Triều hiện tại đang căng thẳng, nhưng kịch bản như vụ tấn công tên lửa vào Syria không chắc xảy ra, mà người Mỹ còn hy vọng có thể ngồi vào bàn đàm phán (với Bình Nhưỡng).
Chính trị khùng điên thực ra không nghiêm trọng như dư luận vẫn nghĩ, vì các chính khách khi chưa trúng cử thì có rất nhiều lý tưởng. Nhưng nhậm chức rồi không phải họ làm không được những gì đã cam kết, mà là họ thấy điều đó không có lợi.
Ông Mã Anh Cửu khuyên sinh viên khoa Chính trị học Đại học Trung Chính, hãy bình tĩnh quan sát. Ví như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Cửu cho là “khùng nhưng không dốt”.
Một khi nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, thương vong với Hàn Quốc sẽ rất lớn, cho dù Bắc Hàn cũng rất có khả năng đối diện với kết cục diệt vong.
Có sinh viên đặt vấn đề “loại bỏ tàn dư Tưởng Giới Thạch”, ông Mã Anh Cửu cho rằng, không cần làm việc ấy. Hành vi phá tượng Tưởng Giới Thạch chỉ là biểu hiện của sự nhu nhược, yếu đuối.
Cá nhân người viết cho rằng, khái niệm “chính trị khùng điên” mang nhiều màu sắc cảm xúc và dễ dẫn đến những phán đoán sai lầm về chính sách của những chính khách “phi truyền thống” như vài trường hợp ông Mã Anh Cửu đã nêu ra.
Đặc biệt với những chính khách có ảnh hưởng toàn cầu như ông Donald Trump hay là tâm điểm chú ý ở châu Á – Thái Bình Dương như ông Kim Jong-un, cần có cách tiếp cận hết sức tỉnh táo mới có thể phán đoán, nhận định các toan tính, ý đồ của họ trên bàn cờ địa chính trị khu vực.
Một chính khách truyền thống và cũng tiềm ẩn nhiều bất ngờ không kém phần quan trọng, ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới và khu vực nên được nghiên cứu kỹ, là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP. |
Nếu chỉ quan sát những phát ngôn của các chính khách này, sẽ rất khó nắm bắt những ý tưởng thâm sâu, tầm nhìn chiến lược của họ với khu vực và toàn cầu, trong đó tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, vận mệnh của các nước nhỏ.
Trump tán dương Tập Cận Bình khiến ông trở thành một Tổng thống Mỹ điển hình
Đó là nhận định của John Pomfret, cựu Trưởng văn phòng đại diện tờ The Washington Post tại Bắc Kinh trên báo này ngày 5/5.
Luận giải của ông sẽ góp phần làm rõ hơn chân dung vị Tổng thống tưởng rằng “phi truyền thống” nhưng lại rất điển hình của nước Mỹ, đặt trong mối quan hệ với Trung Quốc.
John Pomfret viết: Sự ca ngợi nồng ấm “vượt quá quan hệ thông thường” mà ông Donald Trump dành cho ông Tập Cận Bình có thể hơi lạ và “đơn phương”, nhưng chắc chắn không phải bất thường.
Những lời khen ngợi dành cho ông Tập Cận Bình và mô tả mối quan hệ giữa hai người trước công chúng của Donald Trump không khác gì tất cả những người tiền nhiệm của ông thời hiện đại, trừ Barack Obama.
Bắt đầu từ Richard Nixon, chỉ vài tuần trước khi phái Cố vấn An ninh quốc gia Henry Nick Kissinger bí mật đi Trung Quốc tháng 7/1971, ông đã nói với một nhà ngoại giao Mỹ:
“Ông hãy dừng lại và suy nghĩ về những gì có thể xảy ra nếu ai đó kiểm soát lục địa này (Trung Quốc) với một hệ thống chính quyền.
Ý tôi là, ông để 800 triệu người Trung Quốc làm việc theo một hệ thống khôn ngoan, và họ sẽ là những nhà lãnh đạo của thế giới”.
Báo cáo với Nixon khi mối quan hệ Mỹ – Trung tiến triển, Henry Kissinger viết: “Ngoại trừ Vương quốc Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể gần gũi với chúng ta nhất trong nhận thức toàn cầu của họ”.
Kế nhiệm Nixon, Tổng thống Jimmy Carter khi còn vận động tranh cử từng mỉa mai Nixon và Kissinger “ngửi…” Trung Quốc. Nhưng khi vào Nhà Trắng, Carter và đội ngũ trợ lý phải bỏ ý tưởng duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.
Tháng 1/1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ theo lời mời của Jimmy Carter. Vị Tổng thống Mỹ này mô tả chuyến thăm của Đặng là “trải nghiệm thú vị trong nhiệm kỳ” của mình.
Tổng thống Ronald Reagan cũng vận động tranh cử bằng chủ trương thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan mà Carter đã từng phải bỏ. Cuối cùng ông cũng quay ngoắt 180 độ sau chuyến thăm Bắc Kinh năm 1984.
Sau sự kiện Thiên An Môn tháng 6/1989, Tổng thống George HW Bush viết thư cho Đặng Tiểu Bình kêu gọi duy trì quan hệ Trung – Mỹ “đúng hướng”, cứ như là Mỹ chứ không phải Trung Quốc, phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại quan hệ song phương.
Tháng 12/1989, Cố vấn An ninh quốc gia của Bush cha, Brent Scowcroft đã nói với lãnh đạo Trung Quốc khi tới Bắc Kinh rằng: “Tổng thống của chúng tôi muốn ngài biết rằng, ông mãi mãi là bạn của ngài”, theo phóng viên Jonathan Mirsky, người chứng kiến sự việc.
Khi tranh cử, Bill Clinton tuyên bố sẽ không “chiều chuộng đồ tể” như Bắc Kinh. Nhưng sau khi vào Nhà Trắng, Bill Clinton đã bỏ mọi yêu sách về nhân quyền, công nhận quan hệ “đối tác chiến lược mang tính xây dựng” với Trung Quốc.
Ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Bắc Kinh năm 1998, sau sự kiện Thiên An Môn. Kế nhiệm Bill Clinton, George W. Bush cũng gọi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”.
Nhưng Bush nhanh chóng sa đà vào các cuộc chiến tranh ở Trung Đông.
Tháng 9/2003, Thư ký của Tổng thống Bush, Colin Powell tuyên bố, quan hệ Mỹ – Trung lúc này là tốt nhất kể từ thời Nixon.
Chỉ có Barack Obama là không bao giờ khen ngợi Trung Quốc, mà công khai cáo buộc Bắc Kinh như một “tay đua tự do” trong hệ thống trật tự toàn cầu được xây dựng bởi Hoa Kỳ.
Sự phấn khích của Donald Trump với Tập Cận Bình phù hợp với truyền thống chính trị Mỹ, chấp nhận ý tưởng về sự có mặt của Trung Quốc để có một mối quan hệ thành công.
Tuy nhiên chính sách của Trump cũng phản ánh một sự thay đổi.
Trong quá khứ, chính quyền Mỹ thích chìa củ cà rốt ra trước trong các mối quan hệ để có được kết quả mình muốn. Cho đến nay, Trump đã không mắc phải sai lầm này.
Ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nhà nước chào đón sự trân trọng Trump dành cho Tập Cận Bình với sự im lặng lịch sự.
Nhưng trên các trang mạng xã hội tại nước này, ông chủ Nhà Trắng hiện đang bị người ta buộc tội “mó…ngựa”.
Một nhà báo Trung Quốc đã nói với John Pomfret: “Tập Cận Bình không ngốc. Ông ấy biết thừa Trump đang cố gắng làm gì”. [2]
Người viết cho rằng, nhà báo John Pomfret cung cấp một góc nhìn khá thú vị và ý nghĩa về cách các đời Tổng thống Mỹ nhìn nhận, đánh giá về Trung Quốc.
Điều này cho thấy một sức hút không thể cưỡng lại từ thị trường 1,3 tỉ dân hiện nay với nền kinh tế và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nó cũng là đòn bẩy đang được Trung Nam Hải tận dụng tối đa trong quan hệ quốc tế.
Nó phản ánh động lực sâu xa của quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên bài viết của tác giả John Pomfret mới đề cập đến khía cạnh chủ động điển hình của các Tổng thống Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Daily Sabah. |
Còn trong mối quan hệ Donald Trump – Tập Cận Bình hiện tại, có lẽ cũng cần lưu ý tới sự chủ động của ông chủ Trung Nam Hải trong việc tìm hiểu, tiếp cận chủ nhân tòa Bạch Ốc.
Người viết đánh giá cao câu nhắn nhủ cuối bài của một nhà báo Trung Quốc nói với John Pomfret, Tập Cận Bình thừa biết Donald Trump muốn gì.
Nếu Donald Trump là một doanh nhân lọc lõi, thì Tập Cận Bình là một chính khách sành sỏi, lão luyện.
Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng rất lớn tới cục diện an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kể cả bán đảo Triều Tiên lẫn Biển Đông.
Bán đảo Triều Tiên dần hạ nhiệt, Bắc Kinh “giảm áp” với Bình Nhưỡng
Liên quan đến cục diện Đông Bắc Á, Financial Times ngày 5/5 nhận định: trong lúc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên dần hạ nhiệt, Bình Nhưỡng lại công khai chỉ trích Bắc Kinh.
Điều này cho thấy, mặc dù Nhà Trắng muốn thông qua Trung Nam Hải để gây sức ép với Bình Nhưỡng, nhưng giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn luôn có khoảng cách, khác biệt về lợi ích.
Đầu tháng Tư, để tránh Washington và Bình Nhưỡng “chơi bài ngửa” trong xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo, Trung Quốc buộc phải triển khai các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Nhưng mấy ngày qua, bất chấp Triều Tiên công khai chỉ trích mình, Trung Quốc đã bắt đầu giảm áp lực lên quốc gia láng giềng Đông Bắc Á.
Hôm qua 5/5, hãng hàng không Trung Quốc Air China đã khôi phục các chuyến bay đến Bình Nhưỡng sau 3 tuần đình chỉ.
Mấy tuần qua dư luận Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa (doanh nhân và học giả) ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Bắc Kinh thay đổi thái độ, quan hệ với Bình Nhưỡng.
Những người này đặc biệt lo ngại việc Triều Tiên thử hạt nhân có thể khiến Mỹ can thiệp quân sự vào bán đảo, điều họ không muốn thấy.
Nhưng giới quân sự Trung Quốc thì vẫn có chút cảm thông với Bình Nhưỡng.
Trong mắt các chiến lược gia Lầu Bát Nhất, ngày nào binh lính và vũ khí Mỹ còn đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, ngày đó Triều Tiên vẫn còn cần thiết như một quốc gia vùng đệm, hoãn xung chiến lược bảo vệ Bắc Kinh.
Về vai trò của ASEAN, The Australian ngày 6/5 cho biết, các nước Đông Nam Á đã “phản ứng chậm chạp” với kêu gọi của Hoa Kỳ rằng hãy hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Malcolm Cook, một nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định:
“Rất nhiều quốc gia Đông Nam Á vì những lý do riêng, họ có quan hệ gần gũi hơn với Bắc Triều Tiên.
Những mối quan hệ này đã tồn tại trong một thời gian dài, vì vậy rất khó xảy ra điều Mỹ muốn chỉ vì sự tập trung của Washington vào Bắc Triều Tiên”.
Nhà phân tích Malaysia James Chin cho rằng, các nước ASEAN không thấy mình bị mắc kẹt giữa Mỹ và Triều Tiên nhiều như đang mắc kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhiều người tin rằng, thông báo tuần trước của Hội nghị cấp cao ASEAN đã thất bại trong việc giải quyết trực tiếp việc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông.
Người viết cho rằng, cục diện bán đảo Triều Tiên ngày nay chính là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, diễn biến từ chỗ đối đầu ý thức hệ đến chỗ tranh giành ảnh hưởng chiến lược giữa các siêu cường.
Hoa Kỳ và Trung Quốc chịu trách nhiệm chính trong việc dẫn đến cục diện bán đảo ngày nay.
Muốn phá vỡ bế tắc và tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo, các siêu cường cần từ bỏ tư duy cá lớn nuốt cá bé, mâm trên mâm dưới trong ứng xử với các quốc gia nhỏ.
Việc Bình Nhưỡng tuyên bố phá tan một âm mưu ám sát nhà lãnh đạo của họ từ CIA không phải không có duyên cớ.
The Guardian, Anh quốc ngày 5/5 có bài bình luận: “CIA có lịch sử lâu dài trong việc ám sát các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới”.
Mặc dù CIA hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa lên tiếng về cáo buộc này, nhưng kết cục thực tế của một số nhà lãnh đạo và quốc gia trở thành nạn nhân của các nước lớn, như Đại tá Moammar Gaddafi của Libya, Sobodan Milosevic của Serbia hay Saddam Hussein của Iraq luôn là một cảnh báo với các nước như Triều Tiên.
Vì vậy, khi Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hay Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu rằng Mỹ chỉ muốn phi hạt nhân hóa bán đảo, không âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên, thì hãy có những hành động thể hiện thiện chí.
Mỹ và Triều Tiên đã bỏ lỡ không ít cơ hội đàm phán, đối thoại trực tiếp [6], hy vọng lần này cơ hội tháo ngòi xung đột được các bên trân trọng và biến thành hiện thực.