Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVay tiền TQ làm cao tốc: Hàng hóa ở đâu?

Vay tiền TQ làm cao tốc: Hàng hóa ở đâu?

Đầu tư cao tốc tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Lạng Sơn là cần thiết nhưng điều lo ngại nhất là lưu lượng hàng hóa, phương tiện qua lại ít.

Lưu lượng giao thông không lớn

Bộ GTVT và UBND tỉnh Cao Bằng đang tính đến phương án vay 300 triệu USD từ Trung Quốc nhằm sớm làm đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Bùi Xuân Cậy – nguyên Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học GTVT nhận định, hiện Việt Nam đang có kế hoạch phát triển thêm các tuyến cao tốc.

Tuy nhiên nguồn vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn nên để triển khai dự án bắt buộc chúng ta phải đi vay vốn từ các nước, trong đó có Trung Quốc.

“Hiện nay vẫn có đường Quốc lộ 4 để nối 2 tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn nhưng tiêu chuẩn thấp. Tôi nghĩ làm cao tốc để phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh miền núi cũng tốt. Vay vốn của Trung Quốc hay quốc gia nào thì cũng không có vấn đề gì cả. Hơn nữa về mặt kỹ thuật, Trung Quốc là quốc gia làm đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc rất giỏi”, GS Cậy nói.

Tuy nhiên điều vị Giáo sư lo lắng nhất khi làm tuyến đường trên là lưu lượng giao thông, nhu cầu đi lại, vận chuyển không lớn. Nếu bỏ ra một khoản tiền lớn làm dự án nhưng khi đi vào hoạt động hiệu quả thấp thì sẽ rất lãng phí.

Vị chuyên gia dẫn chứng: “Chúng ta làm Quốc lộ 3 từ Thái Nguyên đi Chợ Mới nhưng lưu lượng giao thông rất ít. Hay như cao tốc Hà Nội –Hải Phòng làm ra với kinh phí rất lớn nhưng theo thông tin trên báo chí, có ngày tại đây chỉ thu phí được 5,5 tỷ nhưng trả lãi ngân hàng đến 8 tỷ.

Đó là vấn đề chúng ta phải tính toán khi làm cao tốc Đồng Đăng–Trà Lĩnh. Tôi chỉ lo ngại lưu lượng giao thông không lớn trong khi đầu tư của chúng ta rất lớn”, ông Cậy nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng bày tỏ nhiều băn khoăn khi Bộ GTVT và các địa phương đang triển khai kế hoạch vay tiền của Trung Quốc để làm tuyến đường cao tốc trên.

Ông Hùng dẫn chứng lại tuyến Hà Nội –Hải Phòng được xếp vào loại cao nhất trong số các dự án từng được triển khai từ trước đến nay, với mức chi phí lên tới 20 triệu USD/km.

“Lưu lượng xe qua lại tuyến đường rất ít. phải tìm cách tăng giá đường Hà Nội – Hải Phòng cũ để bắt người dân đi đường cao tốc. Đó là hệ quả của việc chúng ta không có những tính toán cụ thể, kỹ lưỡng”, ông Hùng nói.

Bài học Cát Linh–Hà Đông

UBND tỉnh Cao Bằng nhận định việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quan hệ thương mại với Trung Quốc không trở ngại vì do con đường. Thậm chí hàng năm Việt Nam nhập khẩu hàng chục tỷ USD từ Trung Quốc, cả trên đường bộ, đường biển, hàng không.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bản thân ông hoàn toàn đồng tình với những trăn trở từ phía người dân và các chuyên gia, đặc biệt là những lo ngại khi vay vốn của ngân hàng Trung Quốc để làm đường.

Theo vị chuyên gia, bài học xương máu mà đến nay nhiều người vẫn nhắc khi sử dụng vốn từ Trung Quốc đó là tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Tình trạng đội vốn, chậm tiến độ diễn ra liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Nếu khi làm đường cao tốc Đồng Đăng–Trà Lĩnh chúng ta vẫn giữ cung cách làm việc kiểu như khi triển khai dự án Cát Linh–Hà Đông thì tình trạng sẽ không khác. Những dự án kéo dài, đội vốn, không hiệu quả sẽ tạo ra gánh nặng cho nhân dân.

Tôi nghĩ để xảy ra tình trạng này không thể trách hoàn toàn đối tác Trung Quốc. Bản thân chúng ta cũng có lỗi khi thiếu sự chặt chẽ, quá trình thực hiện dự án bị buông lỏng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là lời đề nghị của Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì vay lại khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư tuyến đường bộ cao tốc.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng có 2 vấn đề các cơ quan chức năng cần phải làm rõ. Thứ nhất là đánh giá mức độ cần thiết và tính hiệu quả của dự án, mở theo giai đoạn như thế nào thì hợp lý. Thứ hai, cần phải tính phương án trả nợ một cách chi tiết.

“Tôi nghĩ có vấn đề tế nhị ở đây. Bộ GTVT nói tỉnh vay nhưng liệu tỉnh có cam kết trả nợ đầy đủ không? Có đủ năng lực trả nợ không?

Bây giờ cần phải đưa ra các điều kiện giàng buộc rõ ràng, tức là ai vay thì người đó phải trả nợ, trả lãi. Nếu đưa ra quy định đó xem tỉnh có dám vay không? Nếu để lấy tiền túi của cá nhân ra để làm thì chắc không ai dám vay cả. UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn nhà đầu tư trong nước làm cao tốc Vân Đồn –Móng Cái, không vay vốn Trung Quốc”, ông Hùng nêu quan điểm.

Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đề nghị Bộ GTVT phải đánh giá vấn đề vay vốn nói chung cũng như tính hiệu quả của các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là đường cao tốc.

“Xưa nay chúng ta lấy phương châm “cơ sở hạ tầng đi trước một bước” nhưng bây giờ cần phải xem lại tính hiệu quả của các dự án.

Thứ hai phải đánh giá hiệu quả vốn vay. Phải ký hợp đồng rõ ràng, cụ thể, tránh những vấn đề mập mờ như các dự án vừa qua. Chúng ta không nên dùng khái niệm viện trợ ODA. Theo tôi đúng nhất là vay ODA.

Thứ ba, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức liên quan. Khi sai phạm phải xử lý nghiêm khắc”, ông Hùng nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới