“Để giải quyết vấn đề xung quanh THAAD, tôi sẽ tiến hành đàm phán chân thành với Mỹ và Trung Quốc”, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết.
Ảnh minh họa: Asia Times
Hai ngày sau khi ông Moon Jae-in đắc cử Tổng thống Hàn Quốc, đảng cầm quyền đã thiết lập một ủy ban đặc biệt nghiên cứu đối sách triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Ngày 12/5, đảng Dân chủ của Tổng thống Moon Jae-in cho biết sẽ thúc đẩy một cuộc điều trần tại Quốc hội về việc triển khai THAAD nhằm giải đáp thắc mắc của người dân. Đồng thời, kêu gọi chính phủ mới ra lệnh ngừng triển khai THAAD.
Theo giới quan sát, bất luận chính phủ mới tại Hàn Quốc cuối cùng có quyết định hủy bỏ triển khai THAAD hay không thì động thái trên đã phát đi tín hiệu tích cực với Trung Quốc – phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong quan hệ Trung-Hàn. Tuy nhiên, hành động của Nhà Xanh lại làm khó khiến đồng minh Washington trở nên lo lắng.
Giới phân tích hiện vẫn dấy lên câu hỏi, để quan hệ Trung-Hàn tiếp tục “thời kỳ trăng mật”, chính phủ của ông Moon sẽ có bao nhiêu khả năng hủy bỏ triển khai THAAD.
Theo Đa chiều, ông Moon Jae-in hiện có cả “thành ý và động cơ” đối với vấn đề trên.
Thứ nhất, trong thời gian tranh cử, ông Moon tuyên bố việc triển khai THAAD cần được tuân thủ theo quy định trình tự dân chủ tại Hàn Quốc, chủ trương đẩy việc quyết định triển khai sang nhiệm kỳ của chính phủ sau.
Đồng thời yêu cần tiến hành đối thoại với người dân cũng như đàm phán với Trung Quốc và các quốc gia xung quanh.
Đến ngày 11/5, sau khi đắc cử và tiến hành điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Moon đã cử một phái đoàn đặc biệt tới Bắc Kinh để thảo luận về vấn đề Triều Tiên và THAAD.
Thứ hai, ông Moon Jae-in có “động cơ” rõ ràng.
Trong cuộc điện đàm dài 40 phút với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Moon đã nhất trí cải thiện quan hệ song phương và phối hợp chặt chẽ trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí, xóa bỏ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là điều quan trọng. Các nước liên quan cần làm việc cùng nhau để thực hiện điều này. Hai bên cũng đồng ý, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là nhiệm vụ chung của hai quốc gia”, tờ Yonhap (Hàn Quốc) cho biết.
Theo giới chuyên gia, điều này chứng tỏ tân Tổng thống Hàn Quốc nhận thức rõ ràng về sự bế tắc trong quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thương mại hiện nay.
Xử lý ổn thỏa vấn đề về THAAD không chỉ cải thiện cục diện bế tắc cả trong đối nội và đối ngoại của Hàn Quốc mà còn giúp nước này thu được nguồn lợi lợi từ Trung Quốc. “Chiếc bánh khổng lồ” Vành đai và con đường trị giá 113 tỷ USD từ Bắc Kinh thực sự có sức hấp dẫn rất lớn với Seoul, Đa chiều bình luận.
Báo Mỹ dẫn một số nguồn tin cho rằng, kế hoạch đưa THAAD vào Hàn Quốc do phía Nhà Trắng đơn phương quyết định nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà chưa tham khảo ý kiến người dân và được sự phê chuẩn của Quốc hội Hàn Quốc.
Hôm 25/4, người dân địa phương sống gần khu vực triển khai THAAD đã đổ xuống đường biểu tình phản đối khi lực lượng quân đội Mỹ vận chuyển sớm các bộ phận của THAAD tại Hàn Quốc.
Do nhiều người Hàn Quốc lo ngại, việc triển khai THAAD sẽ khiến Seoul trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Bình Nhưỡng.
Theo giới quan sát, đảng Dân chủ quyết định đá “quả bóng quyền lực” quyết định sự đi hay ở của THAAD về phía Quốc hội là một động thái chính trị vô cùng sáng suốt.
Bởi nếu Quốc hội thông qua việc hủy bỏ triển khai THAAD, tân Tổng thống Moon Jae-in sẽ có lý do hợp lý để “cáo lỗi” với Nhà Trắng. Nếu Quốc hội không thông qua, ông Moon cũng sẽ có lý do tương tự để trao đổi với Bắc Kinh.
Đồng thời, động thái này cũng chứng tỏ trước người dân Hàn Quốc rằng, bản thân ông Moon Jae-in đã thực hiện lời hứa trong thời gian tranh cử.
“Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in cuối cùng có thể không hoàn toàn hủy bỏ việc triển khai THAAD nhưng lại có cách tiếp cận phá vỡ cục diện bế tắc trong mối quan hệ Trung-Hàn hiện nay”, Đa chiều kết luận.