Tổng thống Mỹ Donald Trump “không thể tưởng tượng được rằng Nga hài lòng” với vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày 14/5.
Tên lửa Triều Tiên phóng thử hồi tháng 2. Ảnh: KCNA.
Sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa sáng 14/5, phóng viên của đài CNN dẫn lời quan chức Mỹ loan tin rằng quả tên lửa đã rơi xuống vùng biển chỉ cách thành phố Vladivostok của Nga khoảng 96 km.
Thành phố cảng Vladivostok là nơi đồn trú của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thông báo tên lửa được Triều Tiên phóng đi đạt độ cao hơn 2.000 km và có thể là loại tên lửa mới.
Sau khi bay được khoảng 700 km trong 30 phút, tên lửa rơi xuống vùng biển cách bờ biển phía đông Triều Tiên khoảng 400 km.
Việc tên lửa rơi gần Nga cũng được Nhà Trắng bóng gió trong một tuyên bố phản ứng với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
“Với một tên lửa bay đến gần đất liền của Nga hơn, trên thực tế, gần Nga hơn so với Nhật Bản, Tổng thống không thể tưởng tượng được rằng Nga lại hài lòng”, tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng vụ phóng tên lửa nói trên như là một lời kêu gọi đối với tất cả các quốc gia thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên.
Dù có biên giới giáp với Triều Tiên nhưng Nga không bị coi là mục tiêu chính trong chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, các vụ thử tên lửa từng vài lần khiến quân đội Nga bị đặt trong tình trạng báo động.
Tờ Pravda cho biết, sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo vào ngày 5/4, các đơn vị thuộc lực lượng Không quân vũ trụ Nga tại vùng Viễn Đông đã bị đặt trong tình trạng báo động.
Lãnh đạo Ủy ban quốc phòng an ninh Nga Viktor Ozerov khi đó tuyên bố Nga phải đối mặt với mối đe dọa thật sự vì việc phóng tên lửa có thể xảy ra những sai lầm.
Đến ngày 29/4, Triều Tiên tiếp tục phóng thử một tên lửa. Dù bị đánh giá là thất bại vì tên lửa phát nổ sau khi phóng nhưng vụ thử nghiệm này khiến lực lượng phòng không của Nga tại thành phố Khabarovsk bị đặt trong tình trạng cảnh báo, theo trang Asia Times.
Theo một báo cáo của công ty phân tích thông tin chính trị Stratfor được hãng tin CNBC công bố hôm 5/5, mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng ngày càng được thắt chặt.
Nga đã lặng lẽ thiết lập nền tảng cho việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên, theo đó gia tăng sức mạnh đòn bẩy chính trị toàn cầu của mình phòng khi cần thiết.
Mối quan hệ Nga-Triều trở nên nồng ấm giữa bối cảnh Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đang đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng theo sau các yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hợp tác với Washington để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Theo CNBC, mặc dù Nga có thể chưa thay thế được ảnh hưởng hiện tại của Trung Quốc đối với Triều Tiên, nhưng Moscow có thể can thiệp vào các biện pháp do Trung Quốc, Mỹ triển khai để gây áp lực Bình Nhưỡng.
“Đó là lợi ích của Nga khi nước này duy trì Bình Nhưỡng như một quốc gia vùng đệm giữa Moscow và Nhật-Hàn, hai quốc gia đồng minh của Mỹ”, các nhà phân tích tại Stratfor nói.
Bên cạnh các lợi ích chính trị, cũng có những nguyên nhân khác khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy ảnh hưởng của nước này ở Triều Tiên, theo Stratfor.
“Mục đích chính của Nga trong mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên đa phần được thúc đẩy bởi mong muốn của Nga để phát triển và đảm bảo an ninh ở vùng Viễn Đông của nước này”.
Hôm 19/4, Nga đã bất ngờ ngăn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án vụ phóng tên lửa ngày 16/4 của Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc lại ủng hộ nghị quyết này, vốn được Mỹ đề xuất.
Trở lại với vụ phóng tên lửa đạn đạo sáng 14/5 của Triều Tiên, phát biểu bên lề chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 14/5, một phát ngôn viên Điện Kremlin nói rằng, người đứng đầu chính phủ Nga đã bày tỏ lo ngại.
Tuy nhiên, người phát ngôn này không cung cấp thêm chi tiết về phản ứng của phía Nga.