Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTên lửa mới của Triều Tiên khiến Mỹ và đồng minh lo...

Tên lửa mới của Triều Tiên khiến Mỹ và đồng minh lo ngại sâu sắc

Vụ thử thành công tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy bước tiến xa hơn của nước này trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng vào lúc 5h27 sáng 14/5 từ khu vực gần Kusong, tỉnh Bắc Pyongan. (Ảnh: Rodong Sinmun)

Triều Tiên ngày 14/5 tuyên bố thử thành công một loại tên lửa mới – tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung Hwasong-12 có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Nếu thông tin về tên lửa mới được xác nhận, vụ phóng tên lửa này sẽ làm gia tăng quan ngại rằng, Triều Tiên có thể đang tiến gần hơn đến phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn đến đất liền Mỹ.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vụ thử nhằm mục tiêu thẩm định khả năng kĩ thuật và chiến thuật của tên lửa đạn đạo đời mới, có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân hạng nặng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, loại tên lửa được bắn thử của Triều Tiên “không tương đồng với một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”. Báo cáo về đường bay của tên lửa phù hợp với đánh giá của Nhật Bản và Hàn Quốc, cho rằng nó bay được 787 km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nga và đạt độ cao hơn 2.000 km, cao hơn và xa hơn so với vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên thực hiện vào tháng 2 vừa qua trong cùng khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tommi Inada cũng nhận định đây là một loại tên lửa mới: “Xét về việc tên lửa bay khoảng 30 phút và ở độ cao hơn 2.000km, chúng tôi cho rằng đây có thể là một loại tên lửa đạn đạo mới. Tuy nhiên, vẫn cần có những đánh giá toàn diện và cẩn thận. Các đánh giá và phân tích đang được tiến hành”.

Trong khi đó, Hàn Quốc có nhận định khá thận trọng về những bước tiến trong chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Ông Roh Jae Cheon, một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Chính quyền Hàn Quốc và Mỹ đang chia sẻ thông tin về tuyên bố của Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ cần phải có thêm các phân tích và đánh giá cần thiết để xác định tuyên bố của Triều Tiên rằng, nước này đã đạt được những bước tiến kĩ thuật lớn trong chương trình tên lửa của mình”.

Theo phân tích của Cơ quan giám sát hoạt động Triều Tiên tại Mỹ, vụ thử thành công tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy một mức độ mới hoàn toàn so với các vụ thử tên lửa trước đây, không chỉ khẳng định khả năng tấn công căn cứ quân sự của Mỹ tại Đảo Guam mà còn chứng minh những bước tiến xa hơn của  Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Lowy AustraliaEuan Graham nhận định, vụ thử tên lửa này cho thấy Triều Tiên tiếp tục vượt qua một ngưỡng mới. Với tên lửa mới trong tay, Triều Tiên có “khả năng răn đe hạt nhân khu vực”. Điều này đồng nghĩa Triều Tiên có thể không cần theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa để bắn tới đất Mỹ.

Dư luận quốc tế hiện cũng đang đặt ra câu hỏi về thời điểm cũng như mục tiêu của vụ phóng, khi thời gian gần đây Mỹ và Tân Tổng thống mới của Hàn Quốc được cho là có nhiều tuyên bố muốn thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.

Theo giới quan sát, vụ phóng tên lửa này có thể là phép thử chính quyền Tổng thống mới tại Hàn Quốc nhậm chức tuần trước. Là một người có lập trường được cho là “mềm mỏng” hơn với Triều Tiên, nhưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua cũng tuyên bố,  vụ thử tên lửa vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc về Triều Tiên và là thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đường đi của tên lửa rất gần với Nga và đây có thể là một thông điệp của Triều Tiên gửi tới Nga và Trung Quốc.

Giáo sư Carl Schuster tại trường Đại học Thái Bình Dương Hawai cho rằng, thời điểm diễn ra vụ thử tên lửa này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tham gia một hội nghị thượng đỉnh với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin .

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đang cố gắng lôi Nga can dự vào tình hình trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi Nga và Trung Quốc cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn, dừng các biện pháp trừng phạt do Mỹ thúc đẩy gần đây nhằm vào Triều Tiên.

Trung Quốc và Nga hiện có phản ứng khá thận trọng với vụ phóng mới nhất của Triều Tiên. Bắc Kinh hôm qua kêu gọi các bên kiềm chế, tránh những bước đi có thể gia tăng tình hình căng thẳng khu vực trong khi Moscow cũng bày tỏ quan ngại về vụ thử mới nhất của Triều Tiên, nhưng cho rằng vụ phóng khá xa so với lãnh thổ Nga và không là mối đe dọa với nước này.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ có cuộc họp trong ngày mai (16/5) để thảo luận vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, theo đề nghị của Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới