Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiP-8I Neptune tóm sống tàu ngầm Trung Quốc vào Ấn Độ Dương

P-8I Neptune tóm sống tàu ngầm Trung Quốc vào Ấn Độ Dương

Tàu ngầm Trung Quốc vừa “bước chân” vào vùng biển Ấn Độ Dương đã bị máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I của Ấn Độ phát hiện và theo dõi.

Trung Quốc đã điều một tàu ngầm hạt nhân Type 093 đến Ấn Độ Dương năm 2013

Ấn Độ bắt chết tàu ngầm Trung Quốc ngay từ eo Malacca

Tờ “Thời báo Kinh tế” của Ấn Độ mới đây đã có bài viết cho biết, hải quân nước này mới đây đã phát hiện một tàu ngầm Trung Quốc ngay khi nó vừa mới tiến vào vùng biển Ấn Độ Dương. Sau đó, hải quân Ấn Độ đã bám sát hành tung của chiếc tàu ngầm này.

Từ tháng 12 năm 2013 trở lại đây, Trung Quốc đã luân phiên điều động không định kỳ các tàu ngầm hạt nhân hoặc tàu ngầm động cơ thông thường đến tuần tra tại Ấn Độ Dương, buộc Ấn Độ tiếp tục tăng cường khả năng chống tàu ngầm trong khu vực.

Bài báo cho biết, mới đây, các máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune (phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ của máy bay P-8A Poseidon-Mỹ) của hải quân Ấn Độ đã liên tục theo dõi được hành tung của một tàu ngầm thông thường lớp Nguyên của hải quân Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương.

P-8I đã phát hiện một tàu ngầm động cơ diezel-điện lớp Nguyên (Type 039A hoặc còn gọi là Type 041), thuộc Biên đội tàu Hộ hàng số 26 của hải quân Trung Quốc (tiến hành nhiệm vụ hộ tống hàng hải, chống cướp biển ở khu vực vịnh Aden-Somalia), ngày 19-20/4 đã đi qua eo biển Malacca để vào vùng biển Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, Trung Quốc thường chỉ công khai các tàu mặt nước và tàu hậu cần, còn bảo mật tuyệt đối thông tin về các tàu ngầm đi theo các biên đội tàu Hộ hàng ở vịnh Aden-Somalia, thông tin về chúng thường chỉ biết sau khi đợt hộ hàng đã kết thúc.

Trong đợt Hộ hàng lần thứ 26 này, trong thông cáo chính thức của hải quân Trung Quốc chỉ có tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 577 Hoàng Cương, tàu hộ vệ tên lửa 578 Dương Châu (2 tàu này đều thuộc Type 054A) và tàu bổ trợ tổng hợp viễn dương 966 Cao Bưu Hồ (Type 903A).

Được biết, sau khi vượt qua eo biển Malacca, chiếc tàu ngầm lớp Nguyên này đã đi theo hướng Tây, di chuyển sâu vào vùng Ấn Độ Dương thẳng hướng đến cảng Karachi của Pakistan.

Thông tin này phù hợp với một bài báo trên tờ “Thời báo Ấn Độ” (Times of India) hồi tuần trước cho biết, phía Trung Quốc đã từng đưa ra đề nghị với Sri Lanka cho một tàu ngầm nước này cập cảng Colombo để tiếp tế, nhưng đã bị nước này từ chối.

Theo tin cho biết, vào thời điểm đó, Thủ tướng Ấn Độ Modi đang thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức đến Sri Lanka, mà việc các tàu ngầm Trung Quốc hiện diện trong vùng biển Ấn Độ Dương nói chung và Sri Lanka nói riêng là điều mà New Dehli hết sức quan tâm.

Times of India cho biết, sau khi bị Sri Lanka cự tuyệt, tàu ngầm Trung Quốc đã thay đổi hành trình, di chuyển theo hướng đến cảng Karachi của Pakistan. Hiện hải trình của chiếc tàu ngầm Trung Quốc vẫn bị hải quân nước này theo sát.

Trung Quốc điều tàu ngầm đến Ấn Độ Dương để “chống hải tặc”?

Việc chiếc tàu ngầm của Trung Quốc bị hải quân Ấn Độ phát hiện và theo dõi là điều không có gì lạ bởi trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường điều phái các tàu ngầm đi hoạt động ở các vùng biển xa Đại Lục, đặc biệt là Ấn Độ Dương, được New Dehli coi là “sân sau” của mình.

Trong một báo cáo hải quân soạn thảo hồi năm 2013, các quan chức quốc phòng Ấn Độ đã từng cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2012, các tàu ngầm của hải quân nước này đã hơn 20 lần chạm trán các tàu ngầm “lạ” mà họ cho rằng, chủ yếu là các tàu ngầm Trung Quốc.

Còn bắt đầu từ tháng 12/2013, Trung Quốc đã lấy danh nghĩa hộ tống hàng hải để tăng cường phái tàu ngầm vào Ấn Độ Dương. Nhưng đối thủ của tàu ngầm Trung Quốc là ai? Liệu các tàu xuồng bé tí tẹo của hải tặc có xứng là đối thủ của tàu ngầm Trung Quốc?

Năm 2013, Trung Quốc đã lần đầu tiên điều một tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng lớp Thương – Type 093, hoạt động ở đó đến tháng 2/2014.

Sau đó, hàng năm Bắc Kinh lần lượt phái 2 tàu ngầm đến tuần tra tại Ấn Độ Dương, thông thường là một tàu ngầm hạt nhân và một tàu ngầm động cơ thông thường, hoạt động trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng lại thay một cặp tàu ngầm khác.

Cho đến nay, hải quân Ấn Độ đã xác định được 7 tàu ngầm Trung Quốc tham gia vào hoạt động “hộ tống hàng hải” ở Ấn Độ Dương, bao gồm tàu ngầm thông thường lớp Tống (Type 039) và lớp Nguyên, cùng với tàu ngầm hạt nhân lớp Thương và lớp Hạ (Type 092).

Nếu xét về xu hướng phát triển theo thời gian của việc điều động các tàu ngầm ngày một hiện đại, thì trong tương lai, nhất định tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094, lớp Tấn (mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm “Cự Lang 2”, tức JL-2) sẽ hiện diện ở Ấn Độ Dương.

Tờ “Thời báo Kinh tế” của Ấn Độ nhận định rằng, Trung Quốc hiện sở hữu hơn 50 tàu ngầm, trong đó có khoảng 6-8 tàu ngầm hạt nhân (có tài liệu khác cho rằng, Trung Quốc có gần 70 tàu ngầm các loại), trong khi đó, Ấn Độ chỉ có 13 tàu ngầm thông thường, mà đại bộ phận lại đã già lão.

Các quan chức quốc phòng Ấn Độ đã nhiều lần đề cập đến vấn đề lực lượng tàu ngầm của nước này hiện đang quá nhỏ bé so với Trung Quốc. Do đó, nước này cần tiếp tục nhanh chóng nâng cao số lượng tàu ngầm và tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm.

Do đó, Ấn Độ đã đẩy mạnh kế hoạch tự chế tạo 6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Arihant và kế hoạch mua và tự đóng 6 tàu ngầm AIP lớp Scorpene theo công nghệ của Pháp, dồng thời nâng cấp mạnh các tàu ngầm diezen-điện lớp Varshavyanka (Kilo) của Nga.

Đồng thời với đó, Ấn Độ cần kiên trì tăng cường mối quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN, mua sắm thêm các máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A của Mỹ, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung hải quân ở vịnh Bengal, nhằm nâng cao khả năng tác chiến chống tàu ngầm.

Giới chức lãnh đạo quốc phòng Ấn Độ cho rằng, chỉ với những biện pháp đồng bộ như vậy, hải quân Ấn Độ mới có thể đối phó được với sức ép ngày càng lớn của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình ở Ấn Độ Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới