Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ không cần phải "báo động" trước sức mạnh Hải quân TQ

Mỹ không cần phải “báo động” trước sức mạnh Hải quân TQ

Hôm 16/5, Đô đốc John Richardson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ nhấn mạnh, hải quân nước này cần phải mở rộng năng lực hạm đội và trên biển để duy trì vị thế cạnh tranh với các cường quốc hải quân như Nga và Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ cùng tàu chiến Hàn Quốc tham gia diễn tập ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

“Sau nhiều thập niên, Mỹ hiện giờ đang bị lùi bước trong kỷ nguyên cạnh tranh hàng hải”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Richardson phát biểu tại căn cứ hải quân Changi ở Singapore.

Ông Richardson cho rằng, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng phù hợp với hoàn cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua. Do đó, Mỹ không cần phải “báo động” trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hải quân Trung Quốc.

Còn trong tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho công bố ngân sách tài khóa năm 2018. Trước đó, ông Trump đã cam kết mở rộng hạm đội hải quân từ 272 chiến hạm lên thành 350 chiếc.

“Để tạo ra lòng tin và cơ hội hợp tác, thì số lượng là một phần của giải pháp này. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ cần tạo ra một lực lượng hải quân có số lượng đông đảo mà còn cần tăng cường sức mạnh và năng lực”, ông Richardson nhấn mạnh.

Tuyên bố của ông Richardson được đưa ra trước thời điểm Hải quân Mỹ cho công bố sách trắng vào hôm nay (17/5).

Hiện tại, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ vẫn đang hoạt động ở khu vực Bắc Á để tham gia các cuộc diễn tập với Nhật Bản và một số quốc gia khác trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Còn hồi tháng trước, Trung Quốc đã cho hạ thủy chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên. Động thái của Bắc Kinh khiến giới chuyên gia e ngại rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng bành trướng chủ quyền ở Biển Đông và tăng cường hiện đại hóa quân sự.

Ông Richardson còn lên tiếng bảo vệ chương trình đóng tàu chiến ven biển sau khi bị hai Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời lãnh đạo của cựu Tổng thống Barack Obama đặt ra câu hỏi liệu loại tàu chiến hạng nhẹ hoạt động ở các vùng ven biển nước nông có thể sống sót trong các cuộc chiến. 

Đây là lý do mà hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quyết định cho cắt giảm số lượng tàu chiến ven biển được sản xuất.

Hiện tại, ông Trump cũng còn khiến một số quốc gia đồng minh và các nước châu Á không khỏi băn khoăn về việc liệu Mỹ có tiếp tục thực thi chiến lược tái cân bằng sức mạnh trong khu vực như dưới thời Tổng thống Obama bao gồm việc Hải quân Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. 

Đặc biệt là trong bối cảnh, Trung Quốc vẫn không ngừng tăng chi tiêu quân sự và cho hạ thủy nhiều loại tàu chiến mới bao gồm chiếc tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng.

Trước đó, hôm 15/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nhấn mạnh, hoạt động “tự do hàng hải” của Mỹ không phải nhắm tới Trung Quốc bởi Hải quân Mỹ vẫn thường đi tuần tra gần các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia khác.

Cũng theo ông Davis, trong năm tài khóa 2016, Mỹ đã tiến hành tuần tra hàng hải ở các vùng biển của 22 quốc gia trên thế giới. “Trong số những quốc gia này có cả những nước là bạn và đồng minh của Mỹ. Do đó, hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ không phải chỉ nhắm tới một quốc gia hay một vùng biển nào”, ông Davis nói.

Trong bản báo cáo “tự do hàng hải năm 2016” của Lầu Năm Góc được công bố hồi tháng Hai, Hải quân Mỹ đã tiến hành tuần tra gần vùng biển các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam cũng như Venezuela, Albania và Maldives.

Ông Davis cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông song không nói rõ thời gian cụ thể.

Tuy nhiên, nhà bình luận quân sự tại thành phố Thượng Hải, ông Ni Lexiong nhận định, quân đội Mỹ đang cường điệu hóa mối đe dọa từ Trung Quốc để tăng ngân sách quốc phòng. 

Nhưng Lầu Năm Góc và chính quyền của Tổng thống Trump cần thận trọng với mọi hành động ở Biển Đông trong thời gian này bởi Mỹ vẫn cần Trung Quốc giúp sức giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

“Chính quyền của ông Trump nên cẩn thận để tránh khiêu khích Trung Quốc và ảnh hưởng tới lợi ích của Bắc Kinh ở Biển Đông hay Đài Loan, ít nhất cho tới khi vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên được giải quyết. Mỹ cần tập trung vào việc làm thế nào để có thêm tiền chi cho quân sự, đóng thêm tàu và trang bị vũ khí hiện đại”, ông Ni nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới