Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinNhững hoài nghi quanh vụ thử tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Những hoài nghi quanh vụ thử tên lửa đạn đạo Triều Tiên

Vụ phóng thử thành công loại tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung đất đối đất kiểu mới, có tên Hwasong-12 hôm 14/5 đã trở thành niềm kiêu hãnh của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều hoài nghi xung quanh liệu loại tên lửa mà Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công có phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ảnh: KCNA

Dư luận đánh giá thành công này đánh dấu bước nhảy vọt của Triều Tiên về công nghệ, bởi tên lửa được phóng trong lần thử này có vẻ đã bay cao hơn và lâu hơn tất cả các lần thử trước đây. 

Định nghĩa về tên lửa đạn đạo

Tên lửa đạn đạo là tên lửa có phần lớn quỹ đạo sau khi phóng đi tuân theo nguyên tắc đường đạn bay hình parabol úp.

Tên lửa đạn đạo được phân loại dựa vào tầm bắn và phương tiện phóng của chúng. Chia theo tầm bắn thì bao gồm:

– Tên lửa đạn đạo chiến thuật (150 – 300km);

– Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM): 300 – 1.000km;

– Tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM): 1.000 – 3.500km;

– Tên lửa đạn đạo tầm xa (LRBM): 3.500 – 5.500km;

– Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM): trên 5.000km.

Cơ chế hoạt động của tên lửa đạn đạo

Theo những thông tin được đăng trên trang web: wikipedia (bách khoa toàn thư mở), cơ chế hoạt động của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn tăng tốc: Tên lửa sẽ được phóng lên theo chiều thẳng đứng để lấy độ cao. Tầm bắn càng xa thì độ cao càng lớn, tốc độ của tên lửa càng cao. Từ 3 đến 5 phút sau khi rời bệ phóng (tên lửa dùng nhiên liệu rắn kết thúc giai đoạn này sớm hơn loại dùng nhiên liệu lỏng), tầm cao đạt được cuối giai đoạn này là 150 đến 400 km tùy thuộc vào quỹ đạo được lựa chọn, tốc độ đạt được khoảng 7 km/giây. Sau khi thoát ra khỏi bầu khí quyển đậm đặc của Trái đất, tên lửa đẩy sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai.

Giai đoạn giữa: Bay khoảng 25 phút bay theo quỹ đạo đường elip trên tầng khí quyển của Trái Đất, độ cao lớn nhất đạt được lên đến 1200 km.  Sau khi đạt độ cao tối đa, đầu đạn sẽ được tách ra khỏi các phần còn lại của tên lửa đẩy rồi mất dần độ cao và rơi trở lại Trái đất dưới tác dụng của trọng lực.

Giai đoạn trở lại tầng khí quyển: Bắt đầu khi khoảng cách với bề mặt Trái Đất khoảng 100 km, kéo dài khoảng 2 phút, tiếp cận mục tiêu với tốc độ 4 km/giây. Đầu đạn sẽ lao xuống mục tiêu theo phương thẳng đứng. Để tăng hiệu quả tấn công và sức hủy diệt, thông thường một tên lửa đạn đạo sẽ mang theo rất nhiều đầu đạn để khiến hệ thống phòng thủ của đối phương không kịp trở tay.

Những nhận định trái chiều về loại tên lửa đạn đạo Hwasong-12

Hãng Thông tấn Triều Tiên (KNCA) tuyên bố loại tên lửa mà nước này vừa phóng thử thành công ngày 14/5 là tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung đất đối đất kiểu mới, có tên Hwasong-12. Đặc biệt, KCNA nhấn mạnh chiếc “Hwasong-12” này “có khả năng mang một đầu đạt hạt nhân lớn và nặng”.

Ngoài ra, chính quyền Bình Nhưỡng cũng thông tin thêm rằng loại tên lửa mới “được thiết kế theo phong cách Triều Tiên” này đã bay được 787 km và đạt độ cao tối đa 2.111 km, đồng thời có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân quay trở lại Trái đất kể cả trong tình huống xấu nhất, và sở hữu hệ thống phát nổ chuẩn xác. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết quả tên lửa của Triều Tiên đạt đến độ cao 2.000 km, bay được 700 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản, gần lãnh thổ của Nga. Căn cứ trên những thông tin ban đầu này, rất có thể đây là một loại tên lửa đạn đạo mới được Bình Nhưỡng phát triển.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) lại cho rằng, dựa trên quỹ đạo bay của tên lửa mà Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công cho thấy nó không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. USPACOM khẳng định cần thời gian để xác định chính xác loại tên lửa được sử dụng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết cần có thêm nhiều phân tích nữa để xác minh tính chân thực trong những tuyên bố của Triều Tiên về các đặc tính kỹ thuật của loại tên lửa này.

Phát ngôn viên bộ này, ông Moon Sang Gyun, cho biết Triều Tiên có lẽ vẫn chưa đạt đến công nghệ quay trở lại Trái đất, cho phép đưa một đầu đạn quay trở về bầu khí quyển một cách an toàn để trở thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu tên lửa mới của Triều Tiên có thể tái xâm nhập trở lại bầu khí quyển thành công sau khi bay lên độ cao lớn như vậy hay không, một quan chức của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nói: “Chúng tôi cho rằng cơ hội như vậy là rất thấp”. 

Theo các chuyên gia phân tích, một quả tên lửa được coi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khi nó đạt tầm bắn trên 5.000km.

Sau khi bay lên quỹ đạo, tên lửa phải trải qua giai đoạn “tái xâm nhập khí quyển”, trong đó đầu đạn tên lửa phải được thiết kế đặc biệt để chịu đựng được điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong quá trình cọ xát với không khí ở vận tốc rất lớn.

Nếu vượt qua được giai đoạn này, đầu đạn tên lửa, thường mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân, mới có thể đánh trúng được mục tiêu đã định.

Như vậy, loại tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên bắn thử thành công hôm 14/5 mới chỉ là tiền đề để Triều Tiên hoàn thiện mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đáng tin cậy như KN-08.

Với việc phóng thành công Hwasong-12, Bình Nhưỡng có thể sẽ sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong vòng một năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới