Thursday, October 3, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Trump bị yêu cầu điều tra: Chiếc ghế vẫn lung lay

Ông Trump bị yêu cầu điều tra: Chiếc ghế vẫn lung lay

Thành viên Dân chủ của Quốc hội Mỹ yêu cầu điều tra Tổng thống Donald Trump sau vụ Giám đốc FBI bị sa thải.

Ông Trump đang bị soi xét vì hàng loạt động thái làm tràn ly.

Sputnik dẫn thông tin từ ấn bản Hill cho hay, các thành viên dân chủ của  Ủy ban Hạ Viện về Giám sát và Cải cách Chính phủ và Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã ký bức thư yêu cầu mở cuộc điều tra với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng.

Bức thư kèm chữ ký đã được gửi đi.

“Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ và Ủy ban Tư pháp bắt đầu ngay một cuộc điều tra chung và tìm hiểu nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao tham gia vào âm mưu gây cản trở việc điều tra đang thực hiện bởi FBI, Bộ Tư pháp và Quốc Hội liên quan đến các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump” – tờ báo Mỹ dẫn bức thư của các thành viên Đảng Dân chủ.

Chưa kể, ông Trump đang đứng trước thời khắc khó khăn khi bắt đầu có những kế hoạch luận tội ông.

Ngày 16/5, Hạ nghị sĩ Al Green thuộc đảng Dân chủ khẳng định “việc Trump sa thải giám đốc FBI đã tạo nên khó khăn trong cuộc điều tra có liên quan tới Nga… Chúng ta cần luận tội tổng thống vào thời điểm này”.

Theo For News, hàng loạt thành viên khác của đảng Dân chủ, trong đó có Nghị sĩ Maxine Waters, D-Calif, John Yarmuth… đều cho rằng quyết định luận tội Tổng thống Trump đang được cân nhắc.

“Tôi từng nói ông Trump chỉ mang đến sự luận tội thôi, giờ thì đúng là như vậy”, Nghị sĩ Waters nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ cũng đang đứng trước nguy cơ mất niềm tin từ phía người dân Mỹ.

Public Policy Polling từng được tờ Wall Street Journal đánh giá cung cấp cuộc trưng cầu dân ý chính xác và uy tín nhất vào năm 2008 mới đây cũng đã tiến hành cuộc khảo sát về việc buộc tội Tổng thống.

Kết quả khá bất ngờ khi 48% số người Mỹ ủng hộ luận tội Tổng thống. 41% khác phản đối việc này và đây là lần đầu tiên số người ủng hộ buộc tội ông Trump lớn hơn những người phản đối.

Bức thư yêu cầu điều tra Tổng thống của các thành viên Đảng Dân chủ Mỹ cũng như việc luận tội Tổng thống Mỹ đang được đề cập đến thường xuyên hơn đưa ra sau quyết định sa thải Giám Đốc FBI James Comey của ông Donald Trump. Ông Comey đã từ chối trình bày trước với cộng sự những tuyên bố ông đã định phát biểu trước Thượng viện.

Truyền thông Mỹ loan tin, Tổng thống Trump từng yêu cầu Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra về mối liên hệ giữa cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với Nga trong nghi vấn Nga hỗ trợ ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Tờ Financial Times ngày 16/5 dẫn lời một cộng sự của ông Comey đã xác nhận sự tồn tại của bản ghi nhớ  về sự việc này và trích dẫn một số nội dung trong đó.

Theo bản ghi nhớ, Tổng thống Trump đã nói với ông Comey rằng: “Tôi hy vọng ông có thể để chuyện này qua đi” khi đề cập đến cuộc điều tra của ông Flynn.

Hàng loạt các động thái mới như một giọt nước làm tràn ly, khiến hiện thực mà ông Donald Trump đang phải đối mặt rất nan giải. Đặc biệt, nó lại là một vấn đề tranh luận ở trong nước Mỹ, sau một cuộc bầu cử vẫn được tôn vinh là dân chủ và khách quan nhất thế giới.

Đồng minh quan ngại

Một sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Washington và “cuộc họp kín” giữa ông Trump cùng hai nhà ngoại giao hàng đầu nước Nga là Ngoại trưởng Sergei Lavrov cùng Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. Trong cuộc gặp gỡ đầy thân mật giữa các cuộc điều tra khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, Tổng thống Mỹ còn tiết lộ các thông tin tình báo quan trọng với quan chức Nga.

Nghị sĩ Đức Burkhard Lischka nói trong tuyên bố gửi đến AP rằng: “Nếu chuyện này là sự thật, việc tổng thống Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nội bộ là rất đáng lo ngại”.

Một quan chức khác từ châu Âu cũng nói nước họ sẽ chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ nếu phát hiện thông tin này bị rò rỉ sang phía Nga. New York Times đưa tin nguồn thông tin mật này được nhận từ Israel, đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington ở Trung Đông.

Rõ ràng, việc này không chỉ làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân Mỹ mà còn làm suy giảm quan điểm của đồng minh với Washington.

Truyền thông Mỹ cho rằng, ông Trump đã chia sẻ với các quan chức Nga các thông tin mật mà Washington không được đồng minh cho phép tiết lộ với bên thứ ba. Thậm chí về phía chính quyền Mỹ, đây vẫn là loại thông tin hạn chế chia sẻ và chỉ một số ít người được biết.

Các đồng minh châu Âu sẽ thận trọng hơn với tổng thống Mỹ trước những chính sách gây tranh cãi của ông. Các nước phương Tây, bao gồm cả Anh và Đức, đều tỏ ra dè chừng trước những lời khen tặng Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nỗi lo này sẽ càng tăng lên nếu những thông tin tình báo tuyệt mật mà Washington đáng lẽ ra nên để cho ít người biết càng tốt lại được chính Tổng thống Mỹ tiết lộ với vị Ngoại trưởng Nga. Thậm chí, trong cuộc họp được cho là “kín” vẫn còn có sự tham gia của hãng thông tấn Nga mà không có bất cứ tờ báo Mỹ nào được phép tham dự.

RELATED ARTICLES

Tin mới