Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 18/05

Bản tin Biển Đông ngày 18/05

Bản tin Biển Đông ngày 18/05/2017.

Đài Loan triển khai hai tàu khu trục loại Perry để kiểm soát eo biển Đài Loan

Ngày 15/5, hãng UPI đưa tin, ngày 14/5, tờ Thời báo Hoàn cầu mới đây cho biết Đài Loan vừa mới triển khai hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cũ loại Oliver Hazard Perry (hai tàu có tên Đài Loan là Mingchuan và Fengjia) do Mỹ cung cấp từ năm 2014 nhằm tăng cường phòng thủ trên biển. Thời báo Hoàn cầu cũng tiết lộ rằng hai tàu này vừa mới kết thúc chuyến hải trình kéo dài hai tháng vào ngày 13/5 tại Cảng Tsoying, Kaohsiung, Đài Loan. Theo tờ Liberty Times, hai tàu chiến này được triển khai cùng Đội tàu thứ 146 của Hải quân Đài Loan đóng tại Đảo Penghu để kiểm soát eo biển Đài Loan.

Liên quan đến đề xuất hợp tác, cùng phát triển ở Trường Sa của Đặc phái viên Philippines tại APEC De Venecia

Ngày 15/5, trang Inquirer đưa tin, ngày 14/5, tại lễ khai mạc Diễn đàn Một Con đường, Một Vành đai do Trung Quốc tổ chức, Đặc phái viên của Philippines tại APEC Jose de Venecia đã lên tiếng kêu gọi hợp tác cùng phát triển ở Trường Sa trong khi các nhà lập pháp trong nước gần đây cảnh báo chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte về việc Philippines tham gia “thương vụ làm ăn” với Trung Quốc có thể sẽ khiến Manila phải gây tổn hại tới lợi ích quốc gia trong tranh chấp biển với Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Venecia đã nhấn mạnh những lợi ích kinh tế có thể có trong dự án khai thác chung dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác ở Trường Sa, với điển hình là dự án khảo sát chung ba bên Philippines – Trung Quốc – Việt Nam tại khu vực đã cho thấy những tín hiệu “khả quan”, do đó cần tiếp tục tiến hành thăm dò chung các tiềm năng. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, ông Venecia không đề cập đến các diễn biến gây phức tạp tình hình tranh chấp Biển Đông, bao gồm việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và ngang nhiên lắp đặt các công trình quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo tối ngày 14/5,Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Philippines, Thượng Nghị sỹ Alan Peter Cayetano cho rằng đề xuất trên là “một đề xuất mang tính cá nhân” chứ không thể hiện là “một chính sách của chính phủ”. Mặt khác, ông lại khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Duterte đang tập trung thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì việc xem xét khả năng thăm dò dầu khí chung với các bên trong tranh chấp Biển Đông. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng trước khi tiến hành một cuộc thăm dò chung, “cần phải đảm bảo một khuôn khổ pháp lý trong phạm vi Hiến pháp cho phép” vì “Tổng thống, Nghị viện và Tòa án luôn luôn phải hành động trong khuôn khổ Hiến pháp Philippines”. Ông cũng cho biết “dù không có tranh chấp biển ở khu vực thì việc tiến hành một dự án phát triển hay thăm dò chung cũng không phải đơn giản” và “một cuộc thảo luận kỹ càng là cần thiết trước khi cân nhắc đề xuất thăm dò chung”.

Cũng tại buổi họp báo nói trên, liên quan đến cơ chế tham vấn song phương (BCM), ông Cayetano cho biết BCM giữa Philippines và Trung Quốc sẽ là “một khởi đầu tốt đẹp” để xây dựng lòng tin và phá bỏ “những bức tường”, thay vì đặt ra tham vọng lớn hơn là phá bỏ “những ngọn núi”, trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Bên cạnh đó, ông khẳng định chính quyền Philippines sẽ không đặt ra bất cứ điều kiện nào đối với phía Trung Quốc trong vòng đàm phán đầu tiên trong cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc về việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông vì “nếu bắt đầu bằng những điều kiện thì sẽ không thể đối thoại được”. Ông Cayetano cũng nhấn mạnh hai nước sẽ tuân thủ Hiến pháp cùng các quy định của luật pháp mỗi bên khi tiến hành cơ chế song phương này và khẳng định Philippines sẽ tiếp tục khẳng định các quyền của mình trong cuộc đối thoại song phương vì “Tổng thống rất kiên quyết bảo vệ lãnh thổ của Philippines, Philippines sẽ không từ bỏ 1 inch nào của các yêu sách, lãnh thổ và quyền chủ quyền, quyền lợi kinh tế của Philippines”. Khi được hỏi về thời điểm Tổng thống nêu ra Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông với phía Trung Quốc, ông cho biết điều này “thuộc về vấn đề chiến lược và chiến thuật nên sẽ không công bố”.

Philippines sắp khởi động đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Ngày 17/5, Manila Bulletin đưa tin, Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sta. Romana cho biết Chính phủ nước này sẽ tiến hành một cuộc đối thoại “thẳng thắn và hữu nghị” với Trung Quốc thông qua Cơ chế Tham vấn Song phương (BCM) để quản lý và thúc đẩy sự tin cậy và hiểu biết chung, góp phần hạ nhiệt căng thẳng và ngăn ngừa xung đột. Cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên về vấn đề Biển Đông sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh khu vực tại thành phố Quý Dương, Trung Quốc vào ngày 19/5 tới.  Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các bên cần phải hiểu về quan điểm của nhau và coi đây là khởi đầu trong một “hành trình dài” giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đồng thời, ông Romana khẳng định “kế hoạch của Tổng thống là tìm kiếm một cách tiếp cận ngoại giao và hòa bình nhằm giải quyết vấn đề  Biển Đông, hướng tới bảo vệ hòa bình và ổn định, củng cố hơn nữa quan hệ song phương và tránh đối đầu, tránh sử dụng vũ lực”. Tuy nhiên ông cho rằng dư luận không nên kỳ vọng sẽ giải quyết được dứt điểm tranh chấp Biển Đông ngay trong phiên họp đầu tiên của BCM.

Tổng thống Philippines kỳ vọng Trung Quốc sẽ “gật đầu” với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Ngày 17/5, tờ The Philippine Star đưa tin, ngày 16/5, trên đường đến sân bay quốc tế Davao, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông hy vọng rằng một bộ Quy tắc ứng xử về quản lý tranh chấp có thể sẽ sẵn sàng vào ngày 19/5 nhân dịp lần đầu tiên Cơ chế Tham vấn song phương (BCM) lần đầu tiên được thành lập. Ông khẳng định cả Trung Quốc và Philippines đều đang mong đợi vào cơ chế song phương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông Duterte cũng nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong chiến lược phát triển thuộc Sáng kiến Một Con đường, Một Vành đai sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Philippines trong các cuộc đàm phán song phương sắp tới của hai bên về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, ông cho biết Chính phủ không cần phải tiến hành thêm “giải pháp” nào để đảm bảo chủ quyền của Philippines không bị tổn hại. Trong khi đó, liên quan đến đề xuất của Đặc phái viên Jose de Venecia về hợp tác chung ở Biển Đông, Tổng thống Duterte nhấn mạnh dù tiến hành bất cứ thỏa thuận nào thì cũng phải “công bằng và hợp lý”.

Cựu Quan chức Ngoại giao Philippines kêu gọi thúc đẩy đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông một điều khoản thi hành và cơ chế cho tranh chấp

Trang Inquirer đưa tin, ngày 17/5, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Lauro Baja Jr. nhấn mạnh các nước ASEAN và Trung Quốc cần đưa vào điều khoản thi hành và cơ chế cho tranh chấp trong Bộ Quy tắc ứng xử nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông để đảm bảo tính khả thi của Bộ Quy tắc. Ông cho rằng “nếu Bộ Quy tắc ứng xử không đề cập đến hành động chiếm đóng, quân sự hóa hay bồi đắp đảo mới, đây sẽ là bước lùi khỏi Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông”. Ông Baja cho hay nếu không có điều khoản trên, Bộ Quy tắc “sẽ lại là một tuyên bố chính trị về bản chất” và cảnh báo “nếu thỏa thuận khung này không đề cập đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, Philippines sẽ không có được bước tiến nào”

Chuyên gia cảnh báo chiến thuật “Con đường Tơ lụa” của Trung Quốc là nhằm làm yếu đi các yêu sách của các bên ở Biển Đông

Ngày 18/5, ABS-CBN đưa tin, liên quan đến việc Philippines từ chối nhận hỗ trợ tài chính từ Liên minh Châu Âu sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có được hàng tỉ đô-la từ Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng sáng kiến Một Con đường, Một Vành đai có thể là một âm mưu nhằm làm yếu đi yêu sách của các bên trong tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới