Thanh tra nhà nước Thái Lan quyết định thành lập một ủy ban để điều tra việc chính phủ nước này tự ý mua tàu ngầm Trung Quốc.
S26T là phiên bản tàu ngầm Type 039A của Trung Quốc
Tàu ngầm trở thành đề tài nóng bỏng ở Thái Lan không khác thời tiết đang rất oi bức tại nước này trong những ngày qua. Những ý kiến trái chiều bắt đầu nhiều hơn kể từ khi Bangkok cử một đoàn quan chức cấp cao và giới chức quân sự sang Trung Quốc hồi đầu tháng 5.2017 để ký hợp đồng mua một chiếc tàu ngầm lớp Nguyên S26T, trị giá 13,5 tỉ baht (9.000 tỉ đồng). Thương vụ này nằm trong kế hoạch trang bị 3 tàu ngầm cho quân đội Thái Lan.
Thương vụ vi hiến?
Theo thỏa thuận, ngày 24.5 Bangkok sẽ thanh toán một phần hợp đồng đã ký cho phía Trung Quốc. Vì vậy, thanh tra nhà nước sẽ sớm đưa ra kết luận trước thời điểm này nhằm ngăn vụ thanh toán diễn ra trong trường hợp phát hiện sai phạm từ vụ mua sắm của chính phủ. Cuộc thanh tra được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp và đảng Pheu Thai, vốn có nhiều “ân oán” với chính phủ quân sự.
Ông Srisuwan Janya, Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp, nhận định việc mua sắm của chính quyền quân sự có nhiều khuất tất và thiếu minh bạch, đe dọa lợi ích quốc gia, nên cần làm rõ để tránh tổn thất cho Thái Lan. “Mua tàu ngầm lúc này là điều không cần thiết trong khi Thái Lan chưa phải là quốc gia giàu có, nhưng chính phủ vẫn quyết định mua và bật đèn xanh cho quân đội thực hiện điều chưa được cơ quan lập pháp phê chuẩn. Chúng tôi cho rằng chính phủ vi phạm điều 178 của hiến pháp (mới được thông qua – NV)”, ông Srisuwan chia sẻ với Thanh Niên.
Tổng thư ký Hiệp hội Các tổ chức bảo vệ hiến pháp đặt vấn đề tàu ngầm được thông báo ký kết theo hình thức hợp đồng giữa chính phủ với chính phủ, nhưng thực tế hải quân Thái Lan do Tham mưu trưởng – Đô đốc Luechai Ruddit đại diện ký với tập đoàn nhà nước Trung Quốc là China Shipbuilding & Offshore International Co (CSOC). Ông Srisuwan cho rằng chính quyền quân sự muốn “lách luật” và điều này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng quan hệ song phương, đặc biệt là thương mại giữa Trung Quốc và Thái Lan.
Tuy nhiên, chính phủ quân sự đã phủ nhận cáo buộc của tổ chức xã hội dân sự nói trên. Người phát ngôn của hải quân, Đô đốc Jumpol Loompikanon cho rằng quyết định mua tàu ngầm của quân đội không vi phạm điều luật nào của hiến pháp mới, theo tờ Matichon. Trước đó, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố Bangkok không có trách nhiệm thông báo hay cần phê chuẩn từ cơ quan lập pháp, dù việc mua sắm tiêu tốn một khoản không nhỏ ngân sách dành cho quốc phòng (ngân sách quốc phòng năm 2017 của Thái Lan khoảng 210,7 tỉ baht, trong khi để trang bị 3 tàu ngầm Bangkok cần tới 36 tỉ baht).
Đối tác quân sự mới
Bên cạnh tàu ngầm, quân đội Thái Lan cũng tiết lộ sẽ mua 34 xe thiết giáp VN-1 và 11 xe tăng VT-4 của Trung Quốc. Những phương tiện quân sự này sẽ bổ sung và thay thế xe thiết giáp BTR-3E1 của Ukraine và xe tăng M41 của Mỹ mà quân đội sử dụng nhiều thập niên qua. Trước đó, Bangkok đặt hàng 2 đợt mua xe tăng Trung Quốc, đợt 1 gồm 28 chiếc trị giá 4 tỉ baht (2.615 tỉ đồng) và đợt 2 gồm 10 chiếc trị giá 2 tỉ baht.
Giới quan sát quốc tế đang đặt câu hỏi vì sao chính quyền quân sự Thái Lan lại quyết định tăng cường mua sắm thiết bị và phương tiện quân sự nhiều như hiện nay, đặc biệt là từ Trung Quốc, trong khi trước đó quân đội nước này gần như không có khái niệm “đối tác quân sự Trung Quốc”.
Tiến sĩ Paul Chambers của Trường Nghiên cứu cộng đồng ASEAN thuộc Đại học Naresuan (Thái Lan) cho rằng Bangkok đang muốn tăng cường khí tài quân sự, nhằm gây ấn tượng đối với các nước láng giềng, dù xét trên góc độ quốc phòng Thái Lan không có nhu cầu. Bangkok không có nhiều tranh chấp ở biên giới, cũng không xung đột với thành viên nào của ASEAN và cả Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Chambers, đây là thời điểm thích hợp để làm việc này. “Quân đội đang kiểm soát đất nước và đây là lúc thích hợp để đưa ra những quyết định liên quan đến ngân sách. Giới lãnh đạo Thái Lan biết rằng mọi thứ sẽ thay đổi nếu không còn nắm quyền lực”, ông Chambers đưa ra bình luận khi trả lời PV Thanh Niên.
Theo đánh giá của tiến sĩ Chambers, Bangkok chọn Bắc Kinh vì mối quan hệ với Washington, đồng minh quân sự lâu năm, trở nên lạnh nhạt kể từ khi quân đội thực hiện đảo chính hồi năm 2014. “Ngoài lý do chi phí mua sắm rẻ, Thái Lan chọn Trung Quốc làm đối tác quân sự vì những hứa hẹn và lợi ích mà Bắc Kinh sẽ dành cho Bangkok trong những dự án quy mô lớn của Trung Quốc trên lãnh thổ Thái Lan. Đáng kể là dự án xây dựng trung tâm sản xuất vũ khí nhằm cung cấp cho quân đội Thái Lan và cả quân đội của Campuchia”, ông nói.