Học giả Trung Quốc cho rằng, khả năng Triều Tiên tiêu hủy hoặc bàn giao cho Mỹ vũ khí hạt nhân không hề lớn, chưa nói đến chuyện quá trình triển khai việc này rất khó khăn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ phóng tên lửa hôm 14/5. Ảnh: Rodong Sinmun
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao tiết lộ, phái đoàn Triều Tiên đã có cuộc tiếp xúc với các chuyên gia Mỹ tại Na-uy hồi đầu tháng 5 vừa qua. Đây được cho là cuộc đối thoại nằm trong “Lộ trình 1.5”, phản ánh sự tiếp xúc giữa các cựu quan chức Mỹ và những quan chức Triều Tiên đương nhiệm.
Giáo sư Kim Xán Vinh, Viện phó Học viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng, cuộc gặp trên diễn ra khiến giới chuyên gia dấy lên câu hỏi, Bình Nhưỡng sẽ “sử dụng chiêu bài” nào trong bối cảnh căng thẳng hiện đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Theo ông Kim Xán Vinh, trên thực tế, trong thời gian qua, Triều Tiên luôn hy vọng nối lại các cuộc tiếp xúc, thậm chí là đàm phán với phía Mỹ và tăng cường sở hữu hạt nhân chính là một “con bài” của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, giá trị việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ bị hạ thấp nếu đổi lại là sự cấm vận và lệnh trừng phạt nghiêm khắc của quốc tế.
Hơn nữa, dù đã sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng thế giới vẫn không công nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân vũ khí hạt nhân, cũng không thể giải quyết được vấn đề lớn nhất mà Bình Nhưỡng đang đối mặt: Cuộc sống khó khăn của người dân.
“Khả năng lớn nhất thúc đẩy Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân chính là tạo quân bài lớn hơn để mặc cả với Mỹ, đây là một sách lược quan trọng”, học giả Trung Quốc bình luận.
Hamburger hoặc chiến tranh?
Ông Kim Xán Vinh cho rằng, cuộc tiếp xúc mới đây giữa hai phái đoàn Mỹ-Triều thành công hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào Washington.
Trong quá khứ, dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, Mỹ rất “nghiêm túc” tiến hành đàm phán với Triều Tiên nhưng trong mười năm đàm phán liên tục bị gián đoạn, Bình Nhưỡng vẫn quyết định quay về chiến lược sở hữu vũ khí hạt nhân khiến người Mỹ cho rằng họ đã bị lừa.
Và Triều Tiên cũng có lý của họ khi chỉ trích việc Mỹ đã thay đổi một số điều kiện và không tuân thủ những cam kết trước đó. Hai bên đều lên án lẫn nhau dẫn đến việc loại bỏ vũ khí hạt nhân không thể xảy ra.
Từ đó đến nay, các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên được đẩy nhanh hơn, đặc biệt là trong vòng hai năm qua, quốc gia này đã khẩn trương triển khai nghiên cứu và thử nghiệm tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Học giả Trung Quốc nhận định, sau khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, dư luận đã nhận thấy quyết tâm thực sự của ông trong việc giải quyết dứt điểm nguy cơ hạt nhân Triều Tiên. Bởi Washington cho rằng trong bốn năm tới rất có thể Bĩnh Nhưỡng sẽ có khả năng sở hữu những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên đang nắm trong tay vũ khí có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ và đối với Washington lúc này, Bình Nhưỡng hoàn toàn là mối đe dọa không khác gì cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba năm 1962.
Hiện nay, chiến lược của Tổng thống Trump chính là bước đầu triển khai gây áp lực, sau đó đánh giá hiệu quả và trên cơ sở đó, quyết định xem sẽ sử dụng biện pháp quân sự hay đàm phán ngoại giao.
Có thể thấy, lựa chọn đầu tiên của Mỹ vẫn là sử dụng biện pháp hòa bình, nếu như Triều Tiên có thể tiếp nhận được tín hiệu của Mỹ và hai bên tiến hành đàm phán.
Nếu như Triều Tiên thực sự mong muốn giải trừ vũ khí hạt nhân thì viễn cảnh ông Trump mời người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong – un thưởng thức Hamburger sẽ không còn là viển vông và Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ có được một thành tựu chính trị vĩ đại, Kim Xán Vinh nhận định.
Ngày 17/5 vừa qua, trong cuộc tiếp xúc với ông Hong Seok-hyun, đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ nói rằng, sẵn sàng ‘giao tiếp’ để kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo học giả Trung Quốc, khả năng Triều Tiên tiêu hủy hoặc bàn giao cho Mỹ vũ khí hạt nhân không hề lớn, chưa nói đến chuyện quá trình triển khai việc này rất khó khăn bởi Bình Nhưỡng vẫn chưa thực sự yên tâm với liên minh Mỹ – Nhật – Hàn, trong khi Triều Tiên luôn muốn khẳng định, họ là một quốc gia độc lập.
Vì vậy, ông Trump dù cho rất nỗ lực nhưng đàm phán Mỹ – Triều cũng rất khó đạt được thành công, bằng chứng là ngay sau đó, sáng Chủ nhật 14/5 vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiếp tục phóng tên lửa.
Có thể thấy hiện tại và trong thời gian tới đây, sách lược của Mỹ vẫn nằm ở giai đoạn gây áp lực với ba trụ cột chính gồm đe dọa quân sự, tác động chính trị và nhân tố then chốt là những biện pháp trừng phạt của Trung Quốc.
Theo Kim Xán Vinh, thế trận mà Mỹ cần chính là nếu như đàm phán không thành, Washington sẽ lựa chọn giải pháp chiến tranh.