Tại phiên họp riêng chiều qua 17.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội tới nội dung tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành “tiểu dự án” để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại phiên họp sáng cùng ngày cho ý kiến về nội dung dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa 14, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) đã băn khoăn về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đường bộ cao tốc bắc nam. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết ông “không yên tâm” về các dự án này. “23.000 tỉ đồng thì đây không thể coi là “tiểu dự án”, chưa kể giải phóng mặt bằng phải gắn với quyết định đầu tư, chứ không ai giải phóng mặt bằng đứng riêng”, ông Hiển nói.
“Chúng ta có kinh nghiệm với dự án điện hạt nhân rồi. UB Pháp luật chưa đồng thuận lắm, UB Kinh tế cũng còn ý kiến khác nhau. Đây cũng là vấn đề phải cân nhắc”, ông Hiển nói. Bên cạnh đó là vấn đề nguồn lực. Theo ông Hiển, giải phóng mặt bằng cho Long Thành cần 23.000 tỉ đồng “nhưng bây giờ mới có 5.000 tỉ đồng, còn 18.000 tỉ đồng ở đâu?”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cả 2 dự án trên đều không đảm bảo thời hạn trình hồ sơ, chưa kể một số nội dung phải xem xét thận trọng. “Nguồn vốn 23.000 tỉ đồng cho tiểu dự án giải phóng mặt bằng Long Thành còn chưa tính theo đơn giá của năm 2017, thực tế có thể còn hơn. Nhiều ý kiến các thành viên của UB Kinh tế cũng lo lắng về phương án huy động vốn”, ông Thanh nói và cho rằng vì phải giải phóng toàn bộ 5.000 ha cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành một lần chứ không chia nhỏ ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, nên việc tách giải phóng mặt bằng thành “tiểu dự án” cũng không nhanh hơn gộp vào là mấy.
Đề nghị kiểm điểm việc 30.000 tỉ vốn ODA chưa phân bổ
Chiều 17.5, UB Tài chính -Ngân sách (TCNS) của QH trình bày báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 trước UB TVQH. Trước đó, tại phiên họp hồi tháng 4.2017, UB TVQH cũng đã cho ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên tại phiên họp trên, các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, UB TCNS chưa thống nhất được với nhau về số liệu và có một số vấn đề cần làm rõ thêm.
Theo Chủ nhiệm UB TCNS Nguyễn Đức Hải, ngay sau phiên họp tháng 4.2017 về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 21.4.2017, trong đó Thủ tướng đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách T.Ư năm 2015 để phân bổ kế hoạch vốn ODA tăng thêm cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm đầy đủ số tiền 30.000 tỉ đồng theo dự toán đã được QH cho phép bổ sung dự toán chi năm 2015.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, như vậy đã đủ căn cứ pháp lý để quyết toán khoản 30.000 tỉ đồng nêu trên. Tuy nhiên, theo UB TCNS, một số dự án ODA vẫn phải chuyển nguồn sang năm 2016 (897,085 tỉ đồng) và chuyển nguồn sang năm 2017 (97,242 tỉ đồng). “Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng này, bảo đảm thi hành các nghị quyết của QH cũng như các quy định của luật NSNN”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Cũng tại báo cáo thẩm tra, UB TCNS đã cho ý kiến về khoản hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN. UB TCNS cho rằng, việc chưa chi trả số tiền 5.847 tỉ đồng cho người nộp thuế theo các quyết định hoàn thuế năm 2015 là không bảo đảm tính kịp thời theo quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người nộp thuế. Do đây là số tiền thực tế chưa hoàn năm 2015 nên UB TCNS, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đã thống nhất phải tính giảm vào số thu NSNN năm 2016.
UB TCNS cũng đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng chuyển số hoàn thuế giá trị gia tăng đã có quyết định hoàn thuế sang năm sau thực hiện, bảo đảm phản ánh đúng thực chất số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu cân đối NSNN.
Kết thúc phiên thảo luận báo cáo về quyết toán NSNN năm 2015, với đa số ý kiến tán thành, UB TVQH đã thống nhất trình QH phê chuẩn quyết toán NSNN 2015 với các chỉ tiêu: tổng số thu cân đối NSNN là 1.291.342 tỉ đồng, tổng số chi cân đối NSNN là 1.502.189 tỉ đồng, bội chi NSNN là 263.135 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP.