Chuyên gia quân sự Trung Quốc mới đây lên tiếng bình luận về ý định rút khoảng 7.000 lính thủy đánh bộ của Mỹ khỏi Okinawa, Nhật Bản trong thập niên tiếp theo.
Tư lệnh Bộ chi huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, Đô đốc Harry Harris nói trong một phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ hôm 26/4 rằng nước này đang có kế hoạch di chuyển 4.000 trong số 19.000 lính thủy đánh bộ đóng ở căn cứ Okinawa, Nhật Bản tới đảo Guam.
Theo ông Harris, kế hoạch thực hiện việc chuyển quân này “sẽ diễn ra trong khoảng từ năm 2024 đến 2028”. Ông kỳ vọng sau khi hoàn thành chương trình trên, quân đội Mỹ sẽ cắt giảm tiếp khoảng 3.000 lính bằng cách chuyển họ về Hawaii. Đến cuối cùng quân số lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okianawa sẽ “vào khoảng 10.000 đến 11.000 người”.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay, kế hoạch này đồng nghĩa với một phần lực lượng Mỹ được bố trí ở “chuỗi đảo thứ nhất” sẽ rút lui về “chuỗi đảo thứ hai”, và sẽ đến “chuỗi đảo thứ ba” nếu được rút về Hawaii.
Theo CCTV, động thái này sẽ giúp đưa quân đội Mỹ tránh khỏi phạm vi tấn công quân sự từ Đông Á, nhưng cũng làm suy yếu hơn nữa khả năng kiểm soát cục diện của Mỹ đối với Đông Á.
Có thông tin khác cho rằng Mỹ và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận về việc di dời lực lượng Mỹ tại Nhật từ năm 2013, và khởi động chương trình từ năm 2020 đến 2025. Nhưng kế hoạch bị trì hoãn do nhiều nguyên nhân.
Thiếu tướng Trung Quốc về hưu Từ Quang Dụ, cố vấn của Hiệp hội kiểm soát và giải giáp vũ khí Trung Quốc, bình luận trên CCTV ngày 16/5 nói rằng nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy Mỹ rút bớt quân khỏi Nhật Bản là sự cân nhắc vấn đề an toàn của lực lượng Mỹ.
Theo ông, “quân lực Mỹ triển khai ở các đảo của Nhật Bản đều nằm trong phạm vi tấn công bằng hỏa lực của quân đội Trung Quốc, việc di dời quân giúp nâng cao an toàn cho chính Mỹ và không ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương”.
“Đồng thời, ở bình diện ngoại giao động thái này còn có lợi cho nỗ lực hòa dịu quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga,” ông nói. “Đối với Nhật Bản, quân Mỹ rút đi cũng cho phép lực lượng Nhật có thêm không gian để đảm trách nhiều nhiệm vụ an ninh hơn, phù hợp với ý định nâng cấp Lực lượng phòng vệ (SDF) của Nội các Shinzo Abe và sửa đổi hiến pháp”.
Tuy nhiên, tướng Từ Quangcảnh báo Bắc Kinh cảnh giác chính quyền Mỹ bắt tay với Nhật Bản để cố ý buông lỏng cho những mục đích chính trị của Tokyo, từ đó cùng chống lại Trung Quốc.