Nguy cơ ngày càng tăng từ Triều Tiên có vẻ đang đưa Tokyo và Bắc Kinh xích lại gần nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể có tính toán khác khi năm nay họ có Đại hội Đảng, một nhà ngoại giao Nhật Bản nói với phóng viên.
Trong cuộc gặp với các phóng viên Đông Nam Á hôm 16/5 tại Tokyo, một nhà ngoại giao Nhật Bản (đề nghị không nêu tên) cho biết, quan hệ Nhật – Trung gần đây có những thay đổi tích cực.
Tại các hội nghị quốc tế trong vài năm qua, Trung Quốc không muốn sắp xếp các cuộc gặp song phương bên lề với phía Nhật Bản, nhưng nay Bắc Kinh chủ động bày tỏ mong muốn, nhà ngoại giao Nhật Bản nói.
Trong tháng Hai và tháng Tư năm nay, Nhật Bản và Trung Quốc có hai cuộc gặp cấp bộ trưởng và hai bên đã thảo luận với nhau về cách đối phó tình hình Triều Tiên hiện nay cũng như việc cải thiện quan hệ Nhật – Trung, trong bối cảnh Triều Tiên đã đạt tới mức độ đe dọa mới.
Ông Vũ Đại Vĩ, Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên, sang thăm Nhật Bản vào tháng Tư vừa qua, sau vài năm hai bên chỉ trao đổi qua điện thoại. Năm nay Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị cấp cao Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc. Hội nghị này đáng lẽ diễn ra vào tháng 12 năm ngoái nhưng bị hoãn do biến động chính trị ở Hàn Quốc. Khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ sang Nhật Bản. Tokyo sẽ nhân dịp đó để đối thoại, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước, quan chức Nhật Bản cho biết.
Một quan chức cấp cao Nhật Bản vừa dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” tại Bắc Kinh. Điều này không có nghĩa là Nhật Bản sẽ tham gia sáng kiến của Trung Quốc vì Thủ tướng Shinzo Abe không dự hội nghị, nhưng Nhật Bản muốn quan hệ song phương với Trung Quốc được cải thiện, vị quan chức ngoại giao Nhật Bản nói.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nhật Bản cho biết một tồn tại giữa hai bên là vấn đề lịch sử. Dù Thủ tướng Abe đưa ra một tuyên bố năm 2015 về vấn đề di sản chiến tranh, nhưng Trung Quốc cho rằng như thế vẫn chưa đủ. Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Nhật – Trung, nhưng năm nay cũng là năm Trung Quốc có những ngày kỷ niệm quan trọng. Đó là kỷ niệm 80 năm ngày nổ ra chiến tranh Trung – Nhật lần hai (ngày 7/7/1937) và cuộc thảm sát Nam Kinh vào tháng 12 năm đó. Trung Quốc coi những ngày này là ngày kỷ niệm quốc gia, nên có thể tinh thần chống Nhật lại được khơi dậy trong những dịp đó.
Một sự kiện quan trọng khác sẽ tác động đến quan hệ Trung – Nhật trong thời gian tới là Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu chính quyền của ông Tập Cận Bình gặp phải áp lực trong nước thì lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng những dịp kỷ niệm trên để tập hợp ủng hộ nếu bị các đối thủ công kích là không xử lý đúng đắn quan hệ với Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã được chọn làm nhà lãnh đạo hạt nhân, nên có thể ông Tập cũng không cần sử dụng cách thức đó, nhà ngoại giao Nhật Bản dự đoán.
Vị quan chức Nhật Bản cho rằng, sau Đại hội Đảng năm nay, ông Tập Cận Bình đã có cơ sở quyền lực vững chắc hơn thì có thể tăng cường các hoạt động quyết liệt, gây hấn ra bên ngoài, nhưng cũng có thể sẽ hành động theo cách ôn hòa hơn nhằm giảm bớt chỉ trích từ các đối thủ chính trị. “Chúng tôi chưa biết tình hình sẽ ra sao, nhưng sẽ tận dụng thời gian năm nay và năm sau để thúc giục Trung Quốc hành động ôn hòa và xây dựng hơn để thúc đẩy quan hệ song phương”, vị quan chức Nhật Bản nói.
Nhật không thỏa hiệp ở Hoa Đông
Về vấn đề trên biển Hoa Đông, nhà ngoại giao Nhật Bản khẳng định, Tokyo sẽ không thỏa hiệp để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy số tàu Trung Quốc đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tăng đột biến trong năm 2016, đẩy căng thẳng giữa hai nước dâng cao.
Trong mấy tháng đầu năm nay, hoạt động của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư không tăng đột biến nhưng chưa biết tình hình trong mấy tháng tới ra sao vì Trung Quốc đang áp dụng cái họ gọi là lệnh cấm đánh bắt cá từ mùa Xuân đến mùa Hạ. Lệnh cấm sẽ kết thúc vào tháng 8. Vì thế, Nhật Bản vẫn đang chờ xem hành động của Trung Quốc khi đó như thế nào.
Quan chức ngoại giao Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc dù gần đây có một số nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, nhưng trên thực địa Bắc Kinh vẫn dùng nhiều cách để thử ngưỡng chịu đựng của Tokyo như thế nào, bằng cách sử dụng lực lượng tàu cá của họ.
Về vấn đề Triều Tiên, quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh gây sức ép nhiều hơn lên Bình Nhưỡng vì Trung Quốc chiếm hơn 90% thương mại với Triều Tiên.
Trao đổi với phóng viên, GS Narushige Michishita, công tác tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (trụ sở tại Tokyo), cho rằng, động cơ khiến Trung Quốc có những bước đi xích lại gần Nhật Bản có thể do họ đang theo đuổi sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà ông Tập Cận Bình vừa chủ trì một diễn đàn quốc tế ở Bắc Kinh.
Một lý do khác là Trung Quốc chịu sức ép từ Mỹ và Nhật Bản phải gây áp lực lớn hơn lên Bình Nhưỡng, và Bắc Kinh muốn giảm bớt áp lực này. “Chúng ta vẫn cần chờ xem động cơ thực sự của họ là gì vì đó có thể chỉ là chiến thuật chứ không phải sự chuyển dịch chính sách. Tôi thấy vui vì điều đó (hai nước cải thiện quan hệ – PV) nhưng vẫn không thấy thuyết phục”, GS Michishita nói.