Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐàm luận“Tiền hậu bất nhất” của Trung Nam Hải

“Tiền hậu bất nhất” của Trung Nam Hải

Ông Duterte úp mở thông tin ông Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng, sẽ nổ ra chiến tranh nếu Manila cố gắng tìm cách thực hiện Phán quyết Trọng tài và khoan dầu trong vùng biển tranh chấp và bài học về “Tiền hậu bất nhất” của Trung Nam Hải

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo ông rằng, sẽ nổ ra chiến tranh nếu Manila cố gắng tìm cách thực hiện Phán quyết Trọng tài và khoan dầu trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Duterte nói rằng ông đã thảo luận với ông Tập Cận Bình khi hai người gặp nhau tại Bắc Kinh, bên lề Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường. Tổng thống Philippines đã nhận được từ chủ nhà lời cảnh báo “mạnh mẽ, nhưng thân thiện”.

Nội dung buổi tranh luận, lời ông Tập nói được tóm tắt như sau: “Chúng tôi dự định khoan dầu ở đó. Nếu nó là của các ngài, tốt thôi, nó là quan điểm của các ngài. Nhưng quan điểm của tôi là, tôi có thể khoan dầu nếu khu vực đáy biển đó thuộc về chúng tôi.Chúng ta là bạn bè, chúng tôi không muốn tranh cãi với ngài. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ ấm áp hiện nay. Nhưng nếu các ngài cứ ép, chúng ta sẽ đi đến chiến tranh.”.

Ông Tập khuyên Duterte rằng: đừng động vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông và hứa rằng sẽ bàn về Phán quyết Trọng tài trong tương lai, nhưng không phải bây giờ.

Trung Quốc không muốn bàn về Phán quyết Trọng tài trong thời điểm có các bên yêu sách khác. Hiện tại,Việt Nam cũng có thể kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán.

Trước đây, Tổng thống Duterte đã tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Tập Cận Bình và sẽ nêu vấn đề Phán quyết Trọng tài với Chủ tịch Trung Quốc, nhưng trước hết cần củng cố quan hệ song phương. Manila hy vọng sẽ có hàng tỉ USD đầu tư và cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc.

Rodrigo Duterte nổi tiếng về sự thẳng thắn của ông vào những thời điểm dễ gây hiềm khích, các cơ quan tham mưu giúp việc của ông thường phải thay mặt Tổng thống giải thích, đính chính, thậm chí đổ lỗi cho truyền thông “bóp méo” thông điệp của Duterte.

Đây không phải lần đầu tiên ông chủ Điện Manacanang công khai các nội dung thảo luận trong cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Nhận xét được ông đưa ra hôm qua đúng lúc Trung Quốc – Philippines tổ chức phiên đối thoại song phương đầu tiên về Biển Đông.

Chuyến đi Trung Quốc dự Diễn đàn quốc tế “Một vành đai, một con đường”, ông Duterte đã mang về lời hứa từ Bắc Kinh về một khoản tín dụng 72 triệu USD.

Trong khi đó, Mỹ đang cố gắng duy trì sự thống trị của hải quân ở Thái Bình Dương, khi phải đối mặt với sự tích tụ quân sự của Trung Quốc và xây dựng các hòn đảo nhân tạo trái phép trong vùng biển Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp.

Tổng thống Duterte cũng nói rằng, nếu để xảy ra chiến tranh với Trung Quốc sẽ gây ra một vụ thảm sát và phá hủy tất cả.

Bắc Kinh muốn định hướng thông tin về Biển Đông

Bắc Kinh đang muốn phong tỏa thông tin về quá trình tham vấn liên quan đến COC. Thông qua việc phong tỏa thông tin này, Trung Quốc dễ bề định hướng dư luận rằng, đây là một tiến triển đáng kể giữa ASEAN và Trung Quốc, vì thế Biển Đông vẫn hòa bình, ổn định.

Vấn đề đặt ra, nếu COC không có sự ràng buộc về pháp lý, thì nó khác gì với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002?

DOC kêu gọi các nước có yêu sách ở Biển Đông kiềm chế, không làm leo thang căng thẳng trong vùng biển tranh chấp. Vì DOC không có gì ràng buộc, Trung Quốc đã liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng, đặc biệt là việc bồi lấp đảo nhân tạo và liên tục quân sự hóa Biển Đông.

Tránh để Bắc Kinh một mình một ngựa “định hướng dư luận thế giới về Biển Đông”, hay chỉ đơn giản muốn ngăn chặn Bắc Kinh phong tỏa thông tin và độc quyền định hướng dư luận về COC, thì thông điệp của ông Duterte ra quan điểm rõ ràng của Philippines về vẫn đề Biển Đông.

Hiện không ai hiểu rõ về tính chân thực của cuộc trao đổi giữa Rodrigo Duterte với Tập Cận Bình về Biển Đông, và việc Tổng thống Philippines công bố lời đe dọa “mạnh mẽ nhưng thân thiện” là có sự trao đổi trước với Trung Nam Hải rồi hay không.

Phát biểu của ông Duterte là nhằm chứng minh cho những quan điểm trong nước phản đối chính sách của ông với Trung Quốc rằng, ông đang bảo vệ lợi ích của Philippines bằng giải pháp hòa bình và phù hợp nhất với thực tế.

Duterte dường như đang tìm cách chứng minh cho dư luận Philippines thấy:

Chiến tranh với Trung Quốc thì Philippines chắc chắn thua; muốn bảo vệ quyền lợi của mình trước đối thủ bất đối xứng và đầy tham vọng như Bắc Kinh, không có cách nào khác là thông qua hợp tác với chính sách mềm dẻo.

Lạt mềm thì buộc chặt, răng cứng thì rụng lưỡi mềm thì còn.

Nếu không có tính ràng buộc pháp lý, thì đúng là nó chẳng khác gì việc chép lại DOC và có bổ sung cho phù hợp với “trạng thái bình thường mới” mà Bắc Kinh đã tạo ra trên Biển Đông.

Diễn giải COC theo hướng này sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đến Biển Đông và phản ứng của các bên sẽ ra sao, cần có thêm thời gian và số liệu. Nhưng có một điều chắc chắn diễn giải mới này của Manila phù hợp với mong muốn và toan tính của Bắc Kinh.

Âm mưu sâu xa của Trung Quốc

Vừa qua truyền thông cũng rộ lên thông tin Trung Quốc đã bố trí hệ thống vũ khí chống người nhái trên đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam, hiện cấu trúc này đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa bất hợp pháp).

Hầu hết giới quan sát nhận định động thái này là một bước tiến mới trong việc quân sự hóa Biển Đông. Hệ thống vũ khí chống người nhái DP-65 đã xuất hiện trên đá Chữ Thập trong bức ảnh chụp đoàn văn công Trung Quốc ra biểu diễn tại đây năm 2013.

Có nhận định cho rằng, hệ thống vũ khí chống người nhái này được lắp đặt để đối phó với Việt Nam, thì có người tin rằng chủ yếu nó chuẩn bị đề phòng lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến Mỹ (SEALs).

Đó là những hành động quân sự hóa Biển Đông trước mắt, còn về lâu dài, các kỹ sư Trung Quốc đã công bố thành tựu khai thác thử nghiệm băng cháy ở Biển Đông, biến nó thành khí đốt tự nhiên (metan hydrat) trong một quá trình liên tục.

Băng cháy là một nguồn năng lượng sạch, được đánh giá là có trữ lượng lớn và là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai. Tuy nhiên công nghệ khai thác nguồn năng lượng này rất phức tạp và có chi phí cao. Hiện tại Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản đã tìm cách khai thác nguồn năng lượng này, nhưng mới ở quy mô hẹp.

Ở Biển Đông, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố họ tìm ra các mỏ băng cháy có hàm lượng năng lượng tương đương 70 tỉ tấn dầu. Theo tuyên truyền của Bắc Kinh, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu, tìm kiếm nguồn năng lượng mới này từ năm 1995.

Mặc dù hiện tại giá năng lượng thấp khiến cho việc khai thác các mỏ băng cháy càng không khả thi về mặt kinh tế, nhưng Trung Quốc đang nhìn xa hơn về tương lai.

Việc Trung Quốc tuyên bố họ có công nghệ khai thác liên tục băng cháy ở Biển Đông có hai mục đích.

Mục đích trước mắt là nhằm hỗ trợ cho ông Tập Cận Bình về mặt truyền thông với “Trung Quốc mộng” hay “phục hưng dân tộc Trung Hoa” trước thềm Đại hội 19, khẳng định những đột phá về mặt công nghệ năng lượng. Tuy nhiên, thành tựu đó đến đâu cần phải có số liệu và thời gian kiểm chứng.

Mục đích lâu dài, Trung Quốc sẽ tìm cách phát triển công nghệ để khai thác nguồn năng lượng mới này trong tương lai.

Do đó có thể thấy rõ mối liên hệ của tuyên bố về thành tựu công nghệ khai thác băng cháy với cảnh báo chiến tranh mà ông Rodrigo Duterte tiết lộ. Có thể các nhà lãnh đạo Philippines có tính toán của riêng họ khi công bố cảnh báo “mạnh mẽ nhưng thân thiện” của ông Tập Cận Bình.

Nhưng có thể cũng sẽ có một hiệu ứng khác từ tiết lộ của ông Duterte, đó là các bên liên quan còn lại ở Biển Đông sẽ đặt câu hỏi, phải chăng cảnh báo của Trung Nam Hải không chỉ nhằm riêng vào Philippines, mà có cả mình trong đó?

Theo đó, tháng 9/1975 lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với Tổng bí thư Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng:

“Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”.

Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình, thừa nhận rất rõ hai nước có bất đồng, tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và để lại sau này bàn bạc giải quyết.

Tuy nhiên, ngày nay Trung Quốc luôn phớt lờ các yêu cầu của Việt Nam đề nghị hai nước ngồi vào bàn đàm phán “song phương, trực tiếp” giải quyết vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ôn lại chuyện này biết đâu lại giúp Philippines tìm thấy những điều gì đó có ích, mỗi khi nhận được những lời hứa từ Trung Nam Hải, nhất là việc hứa gác lại Phán quyết Trọng tài để xem xét sau?

RELATED ARTICLES

Tin mới