Vào đầu tháng 4 vừa qua, Trung Quốc bất ngờ công bố kế hoạch khởi động khu kinh tế mới có tên “Tân khu Hùng An”, nằm ở tỉnh Hà Bắc nước này.
(Ảnh minh họa: openthemagazine.com)
Đến cuối tháng 4, phóng viên cấp cao Hiroyuki Sugiyama của tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) có cơ hội đặt chân đến huyện Hùng và huyện An Tân, hai trong ba huyện thuộc phạm vi quy hoạch Tân khu Hùng An.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là “lãnh đạo hạt nhân” của đảng Cộng sản Trung Quốc, là người đề ra ý tưởng, hoạch định dự án đồng thời là người thông qua kế hoạch được báo chí Trung Quốc gọi là “đại kế nghìn năm” này.
Tham vọng mà Bắc Kinh dành cho Hùng An lớn lao mang tầm cỡ lịch sử.
Khu vực hành chính mới sẽ tiếp bước thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông – cánh cửa kết nối Trung Quốc với thế giới khi tiến hành cải cách vào thập niên 1980, và quận Phố Đông của Thượng Hải – ra đời trong những năm 1990 để trở thành trung tâm tài chính của nền kinh tế khổng lồ này.
Câu trả lời khó tin
Theo các báo cáo của Trung Quốc, việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ cơ bản hoàn thành trong 3 năm, tức năm 2020, và một thành phố mới sẽ vận hành vào năm 2030. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ dựng nên một đô thị hoàn toàn mới với tốc độ chóng mặt – một điều không tưởng mà vốn phải mất rất nhiều thời gian cho những khâu như giải phóng mặt bằng.
“Điều này hoàn toàn bất ngờ, tôi thấy rất vui sướng,” một phụ nữ địa phương ngoài 20 tuổi làm việc trong nhà máy sản xuất túi nhựa nói với Sugiyama. Ước mơ trải nghiệm đời sống thành thị của cô gái trẻ bất ngờ đã trở thành hiện thực.
Theo điều tra của Sugiyama, bất kể tuổi tác và giới tính, phần lớn những người được ông phỏng vấn đều ca ngợi ông Tập và tỏ ra vui mừng. Tuy nhiên, bên cạnh những lời tán dương lãnh đạo, một câu trả lời khác xuất hiện thường trực đã thu hút sự chú ý của nhà báo người Nhật – “Tôi không biết”.
Sugiyama đặt ra rất nhiều câu hỏi, như khi nào người dân sẽ phải rời bỏ nhà cửa của mình, thủ tục đền bù sẽ thực hiện ra sao, công ăn việc làm trong các nhà máy được giải quyết như thế nào…
Nhưng trước bước khởi đầu của một kế hoạch kiến thiết hoành tráng và đầy tham vọng, cư dân địa phương không nắm được bất kỳ thông tin gì. Các quan chức địa phương thì lặp đi lặp lại rằng “chúng tôi sẽ thông báo trong thời gian sớm nhất”.
Mọi sự lạc quan đến lúc này đều đặt vào niềm tin đối với cá nhân ông Tập Cận Bình.
Hình hài “đại kế nghìn năm” của Trung Quốc
“Các chức năng phi thủ đô” là mô tả của báo chí Trung Quốc. Trụ sở các công ty chủ chốt, các viện tài chính, cơ quan nghiên cứu và cơ sở giáo dục cấp cao… sẽ được chuyển từ Bắc Kinh đông đúc tới Tân khu Hùng An, nằm cách thủ đô khoảng 100 km.
Quá trình chuyển đổi sẽ tạo ra thành phố mới với dân số khoảng 2-2,5 triệu, hoạt động như một nền tảng cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tập trung vào các kỹ thuật thân thiện với môi trường.
“Đại kế nghìn năm” tạo ấn tượng mạnh bởi bản thảo được vẽ ra dưới bàn tay của những nhân vật nắm quyền lực chính trị và vận hành theo tầm nhìn của họ, đứng đầu là ông Tập Cận Bình.
Hiện chưa có một thông tin nào về ngân sách cần cấp, hoặc một bức tranh cụ thể về bất kỳ ngành công nghiệp mới nào theo kế hoạch. Thâm Quyến và Phố Đông đã chứng minh được giá trị chiến lược của các địa phương này, nhưng giá trị tương tự dường như không mấy thuyết phục ở Hùng An.
Từ góc nhìn của một người Nhật, Sugiyama tin rằng các cuộc thảo luận và phối hợp sâu hơn là rất cần thiết. Nhưng rõ ràng không một công dân Trung Quốc nào tỏ ra bất đồng với kế hoạch đã được phê duyệt bởi chính “hạt nhân” của đảng, trong khi ông Tập vẫn tiếp tục củng cố quyền lực trước thềm Đại hội 19 của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay.
Dù lý do “tái định vị các chức năng phi thủ đô” là vô tư, cuộc sống của hàng triệu con người sẽ bị tác động khi họ bị đẩy ra khỏi Bắc Kinh. Nhưng cũng chưa có tiếng nói trái chiều nào xướng lên.
“Tân khu Hùng An sẽ trở thành di sản lịch sử để truyền lại cho thế hệ mai sau của chúng ta,” Tập Cận Bình tuyên bố, thể hiện quyết tâm không mệt mỏi để khắc tên mình vào lịch sử.