Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tiến hành các bước dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt về kinh tế xung quanh vụ F-16 Thổ bắn rơi Su-24 Nga.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
Sputnik của Nga hôm 22/5 dẫn thông tin từ vị luật sư riêng của hung thủ bắn chết viên phi công thoát khỏi chiếc Su-24 bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi 2015 – Alparslan Celik cho biết, người này đã bị tuyên án 5 năm tù giam.
Theo Luật sư Murat Ustundag, Tòa án tại Thành phố Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ) đã kết án 5 năm tù giam đối với Alparslan Celik về tội sở hữu trái phép vũ khí.
“Tòa án không nêu vấn đề anh ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của phi công người Nga [Oleg] Peshkov. Cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục” – ông Murat Ustundag cho hay.
Celik cùng 18 đối tượng khác đã bị cáo buộc sở hữu trái phép vũ khí.
Vụ việc xảy ra vào 24/11/2015, một chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc Su-24 của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Hai phi công trên Su-24 đã nhảy khỏi máy bay, trong đó có một phi công sống sót. Oleg Peskov, phi công xấu số đã bị các tay súng giết chết. Trong quá trình triển khai các hoạt động cứu hộ, một lính thủy đánh bộ Nga cũng thiệt mạng.
Celik được tuyên bố là đã bắn và giết chết phi công Peskov. Tuy nhiên, sau khi bị bắt giữ, Celik nói hắn ta không giết phi công cũng như đã lệnh cho cấp dưới không được nổ súng.
Vụ việc đã gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Phía Nga liên tục cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay, phải bồi thường thiệt hại vật chất cho Nga và gia đình nạn nhân, cũng như trừng phạt thích đáng những kẻ chịu trách nhiệm về vụ trên.
Đến ngày 27/6/2016, Văn phòng Truyền thông của Điện Kremlin xác nhận Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi một bức thư cho Tổng thống Putin xin lỗi về tai nạn trên.
Trong khi đó, cùng ngày 22/5, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng xúc tiến một thỏa thuận hợp tác mới bên lề hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo khu vực Biển Đen tổ chức tại Istanbul.
Chính phủ Nga ra thông báo xác nhận tài liệu “về dỡ bỏ các hạn chế thương mại song phương” được ký dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim.
Đây là bước quan trọng hướng đến bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong tăng khối lượng thương mại.
Thủ tướng Nga Medvedev xác nhận vẫn giữ nguyên lệnh cấm nhập khẩu cà chua từ Thổ Nhĩ Kỳ bởi Nga muốn “bảo vệ sự đầu tư vào lĩnh vực này, ngăn nó biến thành vô ích”.
Có thể thấy rõ, với các yêu cầu từ phía Nga về việc cải thiện mối quan hệ này sau vụ tai nạn Su-24, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải làm nhiều việc nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay Nga- Mỹ để triệt hạ phương Tây?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi giữa tháng 5 đã tới thăm Mỹ, gặp gỡ Tổng thống Donald Trump với hy vọng tạo ra một “khởi đầu mới” trong quan hệ hai nước kể từ khi ông yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen – người bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là chủ mưu cuộc đảo chính và bị phía Mỹ từ chối.
Mối quan hệ giữa hai nước lại càng trở nên căng thẳng hơn khi mới đây chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định vũ trang cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) – một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trong một động thái trấn an đồng minh cách đây ít ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới phía Nam của nước này, tiếp giáp với Syria. Đồng thời, ông James Mattis khẳng định những bất đồng giữa 2 nước sẽ dần được giải quyết.
Điều này cũng đồng nghĩa với các khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm kiếm một sự ủng hộ từ phía Mỹ nhưng có thể cũng nhỏ nhoi.
Sự quan tâm của Nga và Mỹ sẽ là một trong những yếu tố khiến Ankara xem xét việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Erdogan đầu tháng này nhấn mạnh, EU cần phải mở một chương mới trong việc gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ nếu không Ankara “không có gì để đàm phán và sẽ nói lời tạm biệt”.
“Tôi cho rằng, từ bây giờ họ không có lựa chọn nào khác ngoài mở ra một chương mới trong tiến trình giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối. Nếu họ không họ làm vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải nói lời từ biệt với Liên minh châu Âu” – ông Erdogan nói.
Ông Erdogan đồng thời cảnh báo, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ đưa ra lựa chọn” bằng cách tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân theo kiểu Brexit (Anh rời EU) về việc này.
Ankara đang xây dựng định hướng tiến vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)- một khu vực mà ở đó, cả Nga và Mỹ đều có các mối quan hệ tốt đẹp- thay vì gia nhập vào EU.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây cho biết đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Mông Cổ Jargaltulga Erdeneba đề nghị bảo trợ cho việc hai nước này xin gia nhập ASEAN.
Ông Duterte trên cương vị chủ tịch đương nhiệm của ASEAN đã gián tiếp biểu lộ sự ủng hộ bằng câu trả lời “Tại sao không ?”
Có thể đây chỉ là một cách ngoại giao của hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ, cũng có thể là mong muốn đích thực. Dù vậy, Ankara vẫn đang bày tỏ sự nỗ lực hơn trong tìm kiếm các con đường phát triển khác ngoài châu Âu.
Một khi mối quan hệ bất hòa với châu Âu đổ vỡ, Ankara có nhiều cách để trả đũa bằng việc nới lỏng các quy định về người tị nạn vốn được cho là thỏa thuận duy nhất và sống còn của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.