Hai nhà thầu quân sự hàng đầu của Mỹ là Raytheon và Lockheed Martin đang bắt tay với các đối tác Nhật trong những dự án phát triển radar mới giúp củng cố lá chắn của Nhật Bản trước nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Một tòa nhà chứa Aegis Ashore tại Romania.
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng đẩy mạnh phát triển công nghệ tên lửa hiện đại, Tokyo nhiều khả năng sẽ đầu tư vào phiên bản trên bộ của hệ thống phòng thủ Aegis trang bị trện tàu chiến.
Theo Reuters ngày 23.5, Raytheon đang hợp tác với tập đoàn Mitsubishi Electric Corp, trong khi Lockheed chọn đối tác là Fujitsu Ltd.
Mục tiêu của các dự án này là mở rộng tầm hoạt động radar thêm gấp nhiều lần so với các mô hình đang triển khai trên biển hiện nay. Được biết, lá chắn Aegis trên biển có năng lực phát hiện và khoanh vùng hơn 100 mục tiêu cùng lúc ở khoảng cách 190 km.
“Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến việc sở hữu năng lực này”, theo một nguồn thạo tin, còn một nguồn tin khác tiết lộ Tokyo muốn đưa Aegis Ashore (Aegis trên bộ) đi vào hoạt động sớm nhất là năm 2023.
Lockheed Martin, Raytheon và Mitsubishi Electric từ chối bình luận, trong khi Fujitsu không phản hồi câu hỏi của Reuters. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hệ thống Aegis Ashore được đề xuất sẽ là những biến thể của mô hình đã được Raytheon và Lockheed lần lượt phát triển.
Nhật Bản nhiều khả năng sẽ cần đến 3 khẩu đội Aegis Ashore để dựng lá chắn bao phủ toàn bộ nước này, với chi phí mỗi khẩu đội khoảng 700 triệu USD, chưa tính tên lửa, theo một nguồn tin.
Một khi đã nghiên cứu và phát triển xong, quốc gia Đông Á có thể xuất khẩu công nghệ radar mới cho Mỹ hoặc quân đội các nước khác, mang lại cơ hội thứ hai để xâm nhập thị trường vũ khí toàn cầu sau thất bại trong nỗ lực chào bán tàu ngầm cho Úc.
Dự kiến Nhật Bản vào cuối năm nay sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên trang bị Aegis trên bộ hay không. Nước này cũng đang cân nhắc mua hệ thống THAAD, với khả năng bổ sung lớp phòng thủ thứ ba chống tên lửa Triều Tiên, chen giữa Aegis và lớp phòng thủ cuối cùng là tên lửa PAC-3 Patriot. Mỗi khẩu đội THAAD tiêu tốn khoảng 1 tỉ USD, bao gồm tên lửa nạp sẵn.