Người Nga tự tin giành vị trí hợp tác hàng đầu với Philippines, nhất là trong việc bán vũ khí, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy.
Bán vũ khí
Hãng tin RIA Novosti ngày 22/5 dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự Nga Alexander Perendzhiev cho rằng Philppines có thể bắt đầu hợp tác với Nga và Trung Quốc trên lĩnh vực chống khủng bố, theo khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Ông Perendzhiev thậm chí còn cho rằng Manila có thể cùng với Moscow và Bắc Kinh tạo một “liên minh” chống khủng bố.
Phát biểu của giới phân tích Nga được đưa ra đúng vào thời điểm ngày 22/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bắt đầu chuyến thăm Nga kéo dài 5 ngày. Đây được coi là sự kiện đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa Moscow và Manila.
Trước chuyến thăm Nga, ông Duterte tuyên bố một trong những ưu tiên của ông là thuyết phục Moscow cung cấp các loại vũ khí chính xác để giúp Manila chống lại các nhóm phiến quân ở miền Nam Philippines.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, Tổng thống Philippines Duterte cho biết Manila rất quan tâm đến việc Nga cung cấp vũ khí nhỏ, tên lửa có độ chính xác cao, trực thăng và máy bay.
Ông Duterte nêu rõ: “Philippines đang phải chiến đấu với những phần tử nổi dậy, cũng giống như Nga đã từng phải đối mặt trước đây… cần phải có vũ khí trinh sát, có độ chính xác cao mà hiện Philippine chưa có”.
Theo ông Duterte, vũ khí hạng nhẹ và tên lửa của Nga có thể đánh bại các mục tiêu một cách chính xác, thích hợp cho quân đội Philippine sử dụng để đối phó với phiến quân.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Phillipines Delfin Lorenzana tuyên bố Manila sẽ xem xét vấn đề mua máy bay quân sự và vũ khí hạng nhẹ của Nga sau khi thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng được ký kết.
Dự kiến, thỏa thuận sẽ được ký trong khuôn khổ chuyến thăm Nga từ ngày 22 – 26/5 của Tổng thống Duterte.
Tổng thống Philippines và Nga gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Peru hồi tháng 11/2016 |
Cũng nhân chuyến thăm này, ông Duterte tuyên bố Philippines đã thay đổi đường lối quan hệ với Mỹ. Manila từng theo đuổi quan hệ thân Mỹ, nhưng hiện nay đã chuyển sang phát triển quan hệ với Nga, Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Duterte nhấn mạnh: “Không hy vọng nhìn thấy quân đội Mỹ tại Philippines trong thời gian tới”.
Nhà lãnh đạo Philippines cho biết thêm nước này sẽ không mua vũ khí của Mỹ do Washington đặt ra quá nhiều điều kiện làm phức tạp các thương vụ.
Tiếp tục là truyền thông Nga dẫn lời ông Duterte nói: “Nga bán vũ khí và không áp đặt thêm bất cứ điều kiện gì. Nhưng Mỹ lại không làm như vậy. Tổng thống (Donald Trump) tuyên bố ông sẽ đồng ý song Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ lại phản đối… Chính vì vậy tôi sẽ không cầu xin (Mỹ) chỉ vì điều đó. Tôi có thể chuyển hướng sang Nga”.
Trước đó, hôm 19/5, trợ lý Ngoại trưởng Philippines Maria Cleofe Natividad cho biết Philippines cùng với Nga đang lên kế hoạch tăng cường “hiện diện” quốc phòng của hai nước bằng cách mở các văn phòng tùy viên quốc phòng tại Manila và Moscow.
Bà Natividad cho hay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chứng kiến việc ký kết một số thỏa thuận hợp tác quốc phòng và các thỏa thuận song phương khác trong chuyến thăm chính thức của ông Duterte tới Nga từ ngày 22-26/5.
Theo bà, những thỏa thuận này liên quan tới các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trợ giúp về pháp lý, thương mại-đầu tư, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và văn hóa.
Vẫn kề vai với Mỹ
Philippines là một đồng minh truyền thống của Mỹ, tuy nhiên ông Duterte đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với chính sách đối ngoại của Washington.
Theo chuyên gia Perendzhiev, mặc dù ông Duterte đã từng đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ thăm viếng Philippines, tuy nhiên Manila khó có thể hạn chế việc hợp tác quân sự với Washington một cách dễ dàng như vậy.
Trên thực tế, tới nay vẫn chưa có thỏa thuận hợp tác quân sự nào giữa Philippines và Nga do Manila là khách hàng mua vũ khí truyền thống của Mỹ.
Hôm 19/5, Mỹ và Philippines đã kết thúc cuộc tập trận chung mang tên “Balikatan” (Vai kề vai) kéo dài 12 ngày. Tham gia “Balikatan” 2017 chỉ có 2.600 binh sĩ Mỹ và 2.800 binh sĩ Philippines, ít hơn một nửa so với số binh sĩ của các cuộc tập trận trước.
Binh sĩ Mỹ và Philippines vẫn “vai kề vai” trong cuộc tập trận chung Balikatan 2017 |
Không giống như các cuộc tập trận trong những năm trước, “Balikatan” 2017 bỏ qua tất cả các bài diễn tập liên quan đến tác chiến như tập trận bắn đạn thật và đổ bộ theo chỉ thị của Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã cảnh báo sẽ hủy bỏ các cuộc tập trận và trục xuất tất cả binh sĩ Mỹ khỏi Philippines.
Bên cạnh đó, trong quá trình diễn ra tập trận, một số tổ chức của Philippines cũng kêu gọi Tổng thống Duterte hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Mỹ vì cho rằng hoạt động này đi ngược với quan điểm về chính sách ngoại giao độc lập của ông.
Thiếu tướng Oscar Lactao, Tư lệnh quân khu miền Trung của Philippines, cho biết theo yêu cầu của Tổng thống Duterte, nội dung của cuộc diễn tập “Balikatan” 2017 đã chuyển từ phòng thủ đổ bộ đường biển sang cứu trợ nhân đạo, phòng chống thiên tai và chống khủng bố.
Địa điểm diễn ra sự kiện này cũng được điều chỉnh, chuyển từ các khu vực ven Biển Đông như mọi năm sang khu vực có các quần đảo Luzon và Visayas ở phía Bắc của Philippines.
Báo chí Philippines khẳng định Balikatan 2017 có quy mô nhỏ hơn nhưng không kém phần quan trọng |
Bên cạnh lực lượng của Philippines và Mỹ, các nước Australia và Nhật Bản chỉ cử lần lượt 80 người và 20 người tham gia. Năm 2015, tham gia cuộc tập trận “Balikatan” có tổng quân số tham gia lên đến khoảng 12.000 người.
Về phía Mỹ, Tướng Lawrence D. Nicholson, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến, phát biểu tại lễ khai mạc vẫn hy vọng quy mô diễn tập chung thường niên Mỹ-Philippines sẽ được mở rộng hơn trong những năm tới.
Ông nói: “Nếu các bạn nhìn lại lịch sử 33 năm của cuôc diễn tập quân sự Balikatan sẽ thấy có những sự khác nhau, lúc thì mở rộng, lúc thì thu hẹp, nhưng chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai nó sẽ được mở rộng”.
Giới phân tích đánh giá mặc dù ông Duterte chỉ đạo thu hẹp quy mô tập trận chung lần này, nhưng hoàn toàn không muốn cắt đứt hợp tác quân sự với Washington như đã phát biểu. Manila hiểu rõ rằng Washington sẽ bảo vệ họ khi quan hệ của Philippines với Trung Quốc trở nên căng thẳng, do đó Philippines sẽ không gạt Mỹ ra khỏi cuộc chơi để đánh mất đi chỗ dựa của chính mình.