Theo Moody’s, sức mạnh tài chính của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ suy giảm trong những năm sắp tới.
Ngày 24/5, tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Services tuyên bố cắt giảm điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Trung Quốc.
Sau khi bị cắt giảm, điểm tín nhiệm mà Moody’s dành cho Trung Quốc về mức A1 từ mức Aa3 trước đó. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với một loạt thách thức gồm tăng trưởng kinh tế giảm tốc và rủi ro tài chính gia tăng từ tình trạng nợ nần trong nền kinh tế.
“Việc hạ điểm tín nhiệm này phản ánh kỳ vọng của Moody’s rằng sức mạnh tài chính của Trung Quốc sẽ giảm bớt phần nào trong những năm sắp tới, trong khi mức nợ trong toàn bộ nền kinh tế tiếp tục tăng mà tốc độ tăng trưởng tiềm năng lại đi xuống”, tuyên bố của Moody’s có đoạn viết.
“Những bước tiến đang diễn ra trong cải cách có thể sẽ dần chuyển đổi nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhưng điều này khó có khả năng ngăn mức nợ trong toàn nền kinh tế tăng thêm đáng kể, và hậu quả kéo theo đó là nghĩa vụ nợ gia tăng đối với Chính phủ Trung Quốc”, theo tuyên bố trên.
Việc bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm có thể khiến chi phí vay nợ đối với Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp quốc doanh nước này tăng nhẹ. Tuy nhiên, định hạng tín nhiệm mới của Trung Quốc vẫn nằm ở ngưỡng đầu tư.
Trước đó, vào tháng 4/2017, Moody’s cũng đưa ra nhận định tiêu cực về lợi nuận của ngân hàng Trung Quốc.
Theo đó, 11 ngân hàng thương mại quốc doanh và ngân hàng thương mại cổ phần của Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về lợi nhuận, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Cũng theo Moody’s, tính thanh khoản và vốn hóa của những ngân hàng trên, mặc dù nhìn chung đang được giữ ở mức ổn định, song có xu hướng suy yếu so với các ngân hàng nhỏ hơn do những ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh hơn.
Moody’s cho hay trong năm 2016, 11 ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng trung bình ở mức 12%, so với con số chỉ 10% của năm 2015. Trong đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần vẫn duy trì ở mức cao hơn so với ngân hàng quốc doanh có quy mô lớn.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, là mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì lãi suất ở mức rất thấp, giúp cho các doanh nghiệp nhà nước sống sót, nhất là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Tuy nhiên, chính sách này đã tạo ra tình trạng bong bóng đầu cơ trong các khu vực như nguyên liệu và nhất là địa ốc, với việc giá nhà đất ở một số thành phố tăng đến chóng mặt.
Tín dụng địa ốc ở Trung Quốc trong năm 2016 đã lên tới gần 700 tỷ USD, chiếm tới 45% tổng số khoản vay ngân hàng. Bong bóng địa ốc này nếu xì vỡ sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Hồi tháng 3/2017, ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Quách Thụ Thanh, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), đã tuyên bố sẽ siết chặt quản lý ngành ngân hàng, “tấn công” nạn đầu cơ địa ốc và tín dụng đen.
Nhưng vấn đề là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ khiến các căng thẳng xã hội bùng phát, áp lực sẽ gia tăng lên đồng nhân dân tệ, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất trong tám năm nay. Đó là chưa kể tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài sẽ còn trầm trọng hơn.
Tại kỳ họp thường niên lần thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 12 hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,5%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5 -7% đặt ra cho năm 2016.
Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, đây là mục tiêu tăng trưởng thấp nhất đặt ra trong vòng 25 năm trở lại đây, kể từ năm 1992, khi con số này là 6%.
Ông Lý Khắc Cường cho biết mức tăng trưởng này sẽ vẫn đủ để đạt tới mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế đất nước vào năm 2020 so với mức năm 2010.