Giới chuyên gia nhận định, Philippines không muốn bị kẹt giữa “cuộc chiến nửa vời” của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, Manila sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh để tránh nguy cơ hai nước phải đối đầu quân sự.
Theo Sputnik, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Moscow vào ngày mai (24/5).
Trước chuyến thăm tới Moscow, chia sẻ với truyền thông Nga về mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc, ông Duterte cho biết vào thời điểm thích hợp, Manila sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh về các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
“Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong tương lai nhưng hiện tại thì không. Hiện giờ, các bên cần bình tĩnh và chờ thời gian thích hợp để nối lại các cuộc thảo luận”, Sputnik dẫn lời Tổng thống Duterte.
Theo ông Duterte, nếu Philippines và Trung Quốc bùng nổ xung đột quân sự, cuộc chiến này sẽ biến thành thảm sát.
“Các ngài mong tôi chiến tranh với Trung Quốc ư? Chúng tôi đâu có tên lửa hành trình để tấn công họ”, ông Duterte nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã liên tiếp vấp phải sự chỉ trích của các quốc gia láng giềng bao gồm Philippines và Nhật Bản về hành động bành trướng chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Philippines và Nhật Bản đã dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để leo thang căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, Tòa trọng tài quốc tế ở The Hauge, Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 7/2016. Song Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích và bác bỏ phán quyết này.
Chuyên gia các mối quan hệ quốc tế tại Đại học quốc gia Moscow, ông Alexei Fenenko nhận định, cuộc chiến giữa Trung Quốc và Philippines như ông Duterte nói, hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong bài phỏng vấn mới đây, ông Duterte cũng nhấn mạnh coi Tổng thống Mỹ Donald Trump là bạn bè. Tuy nhiên, Philippines cần thay đổi chính sách đối ngoại ủng hộ Mỹ như trước đây. Theo ông Duterte, Manila hiện đang cân nhắc tập trung vào mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Nga.
Chuyên gia Daria Panarina tại Viện Khoa học Nga cho rằng, những lời nói trong cuộc phỏng vấn mới đây của ông Duterte cho thấy Manila hy vọng được Washington bảo vệ nếu không may có chiến tranh với Trung Quốc bởi Philippines và Mỹ đã ký kết hiệp ước quốc phòng song phương. Song, ông Duterte đã không nói trực tiếp ý định này bởi nhà lãnh đạo Philippines hiểu rằng, Mỹ sẽ không giúp Philippines chống lại Trung Quốc.
“Tôi cho rằng giới lãnh đạo các nước đều hiểu rõ tình hình hiện nay. Philippines không thể hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ nếu không may xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nên được giải quyết bằng con đường hòa bình. Do đó, không có bất cứ quốc gia nào liên quan tới tranh chấp chủ quyền sẵn sàng có hành động quân sự. Điển hình, các lực lượng vũ trang của Philippines chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước như chống khủng bố và quân ly khai. Manila cũng không đủ năng lực tham chiến trực tiếp”, ông Panarina nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Yang Mian tại Trung tâm các mối quan hệ quốc tế thuộc Viện Truyền thông Trung Quốc cho biết, ông Duterte không muốn vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn biến căng thẳng tới mức bùng nổ xung đột.
“Trong cuộc gặp với Tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh tới mối quan ngại bùng nổ xung đột. Và những tuyên bố của ông Duterte đã chứng minh Philippines không muốn xung đột quân sự với Trung Quốc. Chính sách hiện thời của ông Duterte là ngăn không cho chiến tranh xuất hiện”, ông Yang nói.
Cũng theo ông Yang, Manila sẽ không đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc bởi Tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, Philippines cần theo đuổi “một chính sách mới” trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
“Ông Duterte có thể tức giận và đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhưng giờ là lúc ông Duterte cần phải nghiêm túc. Bởi một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ là thảm họa cho Philippines”, ông Yang nói thêm.